Ngày 28-8, chị Mai Ngọc Lan (ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) phản ánh đến Báo Người Lao Động về việc mất hơn 12 triệu đồng trong tài khoản thẻ ghi nợ quốc tế khi thẻ này vẫn còn trong ví của chị.
Phần lớn bị rút tiền ở nước ngoài
Theo chị Lan, khoảng 3 giờ 30 phút ngày 8-7, thấy điện thoại liên tục báo tin nhắn nhưng do đang ngủ nên chị không quan tâm. Đến 5 giờ 30 phút, thấy tin nhắn dồn dập, chị mở điện thoại xem thì giật mình khi có tới 14 tin thông báo tài khoản bị trừ tiền.
Lập tức, chị Lan điện thoại đến tổng đài của ngân hàng (NH) cổ phần có hội sở tại Hà Nội, nơi chị mở thẻ, để yêu cầu khóa tài khoản. Trong lúc nói chuyện với nhân viên tổng đài, tài khoản của chị tiếp tục bị trừ tiền tổng cộng hơn 12 triệu đồng. Các giao dịch phát sinh chủ yếu để nạp tiền điện thoại, mua thẻ game…
Sau một tháng tra soát, NH mở thẻ phản hồi và chỉ hoàn trả cho chị Lan hơn 1,5 triệu đồng, số tiền hơn 3 triệu đồng còn lại là giao dịch không thành công. Như vậy, chị mất hơn 7 triệu đồng, NH không bồi thường với lý do đối tác từ chối hoàn trả. “Số tiền hơn 7 triệu đồng không lớn nhưng trách nhiệm của NH ở đâu trong vụ này?” - chị Lan bức xúc.
Mới đây, đại diện NH này cho biết đang tra soát lại vụ việc để xử lý theo hướng bảo đảm quyền lợi của khách hàng.
Trong khi đó, sáng 16-8, anh Vũ Thành Phương (ngụ quận 9, TP HCM) bất ngờ khi thấy điện thoại có đến 14 tin nhắn thông báo trừ tiền trong tài khoản thẻ MasterCard Debit của NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Tổng số tiền bị trừ cho các giao dịch trong thẻ phát sinh tại Nhật lên tới 17 triệu đồng. Từ tin nhắn thứ 11 trở đi, giao dịch không thành công do thẻ đã hết hạn mức. Lập tức, anh Phương gọi điện cho Vietcombank yêu cầu khóa thẻ.
“Tôi là người cẩn thận nên không truy cập các trang web giả mạo, cũng không mua vé máy bay trên website của Vietnam Airlines. Khi cần thanh toán trực tuyến, tôi đều vào website của Vietcombank nhưng không hiểu sao vẫn bị mất tiền” - anh Phương lo lắng.
Đến ngày 28-8, anh Phương cho biết đã thỏa thuận xong hướng xử lý với Vietcombank. Tuy nhiên, anh vẫn thấy bất an và khuyến cáo những chủ thẻ khác cẩn trọng khi giao dịch.
Mới đây, anh Trương Đức Anh (ngụ quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), chủ thẻ tín dụng Visa Credit Card mở tại NH ANZ, cũng phát hoảng khi nhận được 11 tin nhắn thông báo giao dịch với tổng số tiền hơn 30,9 triệu đồng. Cụ thể, khoảng 12 giờ 30 phút ngày 21-8, anh liên tiếp nhận được tin nhắn từ NH ANZ thông báo giao dịch thành công trên các trang mua sắm điện tử. Thấy bất thường, chủ thẻ lập tức gọi NH yêu cầu khóa tài khoản nhưng trong lúc này vẫn có thêm giao dịch khác được hoàn thành với tổng số tiền bị trừ 30,997 triệu đồng trong 14 phút.
Sau khi khách hàng khiếu nại, NH ANZ cho biết phải tra soát trong 120 ngày theo quy định của tổ chức thẻ quốc tế VISA. Theo đại diện ANZ, các giao dịch trong thẻ tín dụng của anh Đức Anh đã được khoanh giữ lại và NH đang xử lý theo hướng bảo đảm quyền lợi cho chủ thẻ.
Cần nâng cấp quy trình bảo mật
Dồn dập các vụ chủ tài khoản mất tiền dù không giao dịch đang gây tâm lý lo lắng khi thanh toán qua mạng, giao dịch trực tuyến…
Theo nhiều NH, hiện tượng gian lận, lừa đảo liên quan đến giao dịch tài chính cá nhân xuất hiện nhiều ở Việt Nam gần đây không phải mới. Ở nhiều quốc gia phát triển như Mỹ và các nước châu Âu, các vụ việc tương tự cũng xảy ra với nhiều chiêu trò khác nhau và ngày càng tinh vi. Do đó, thời gian qua, các NH thương mại đã tăng cường cảnh báo, khuyến cáo khách hàng cần bảo mật thông tin thẻ, tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã xác thực OTP và không truy cập các trang web giả mạo.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tài chính, bên cạnh việc khuyến cáo khách hàng, các NH cũng cần tăng cường nâng cấp quy trình bảo mật để phòng ngừa tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi. Lãnh đạo một NH cổ phần lớn tại TP HCM cho biết tình trạng gian lận trong các giao dịch thẻ, qua NH điện tử không mới nhưng các NH cần đánh giá đúng tình hình trong từng thời điểm để có giải pháp bảo mật hiệu quả.
Chẳng hạn, có giai đoạn Malaysia từ chối thanh toán bằng thẻ Visa phát hành tại Việt Nam do các đối tượng đánh cắp thông tin tài khoản đang nhắm vào thị trường này. Hằng tuần, các tổ chức thẻ quốc tế như Visa, Master… đều có cảnh báo về xu hướng của tội phạm gian lận thẻ cho từng khu vực, từng quốc gia. Các NH ở Việt Nam cần quan tâm đến thông tin này để kịp thời cảnh báo cho khách hàng của mình, bên cạnh việc tăng cường bảo mật.
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn nhìn nhận dù đầu tư rất nhiều cho hệ thống NH lõi (core banking), Mobile Banking và Internet Banking nhưng liên tiếp những sự cố mất tiền trong tài khoản ở cả thẻ ATM lẫn thẻ tín dụng cho thấy các NH cần rà soát lại quy trình bảo mật của mình.
“Ngay sau một số tài khoản bị mất tiền gần đây, tôi đã yêu cầu nhân viên rà soát lại toàn bộ quy trình bảo mật cho các giao dịch trên máy ATM, giao dịch qua Internet Banking, Mobile Banking. Đặc biệt, chúng tôi đang nghiên cứu thêm nhận diện bằng hình ảnh khi khách hàng truy cập trên Internet Banking để gia tăng bảo mật” - vị phó tổng giám đốc NH này cho biết.
Trước đó, Cục Công nghệ tin học - NH Nhà nước cũng yêu cầu các NH thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải giám sát chặt chẽ các giao dịch trực tuyến, kịp thời phát hiện giao dịch nghi ngờ nhằm chủ động ngăn chặn và cảnh báo cho khách hàng. Đồng thời, yêu cầu các NH thương mại rà soát, kiểm tra hệ thống công nghệ thông tin, nhất là những hệ thống cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên mạng, kịp thời phát hiện các lỗ hổng bảo mật, các truy nhập trái phép.
Đừng để khách hàng mất niềm tin
Lãnh đạo một NH thương mại cho biết sau các vụ khách hàng mất tiền gần đây, ngoài tăng cường bảo mật, ông đã yêu cầu nhân viên rà soát lại quy trình ứng xử với khách hàng. Theo ông, trong bối cảnh niềm tin của khách hàng đang suy giảm, nếu nhân viên NH ứng xử không khéo léo, giải quyết khiếu nại không thỏa đáng sẽ làm cho họ thêm bất an.
Bình luận (0)