Theo quy định hiện hành, cùng với tiền giấy, tiền xu vẫn được lưu hành bình thường. Tuy nhiên, khảo sát thị trường, chúng tôi nhận thấy tiền xu gần như không có giao dịch. Người dân rất ít thanh toán bằng loại tiền này, đặc biệt tiền xu mệnh giá 200 đồng và 500 đồng gần như không còn được dùng thanh toán khi mua - bán hàng hóa, dịch vụ.
Nơi nào cũng quay lưng
Ngày 25-12, sau khi ăn trưa tại quán bún chả Hồ Gươm (đường Trương Định, quận 3, TP HCM), khi thanh toán, chúng tôi đưa tiền xu mệnh giá 5.000 đồng nhưng nhân viên không nhận mà đề nghị đổi lại tiền giấy. Hỏi lý do thì nhân viên nói rằng “tiền này giờ ai xài nữa!”. Cầm tiếp đồng tiền xu này đến mua một chai nước tại cửa hàng Guardian (chuỗi cửa hàng chuyên bán các sản phẩm về sức khỏe và sắc đẹp) trên đường Võ Văn Tần (quận 3) nhân viên thu ngân cũng từ chối và nói rằng tại đây không nhận tiền xu đã lâu. Rút kinh nghiệm, bước sang quán nước ngay bên đường, chúng tôi hỏi trước có nhận tiền xu không thì chủ quán cũng nói không và mách nước nên vào ngân hàng (NH) gần đó để đổi thành tiền giấy trước khi mua hàng.
Anh Đăng Thư, chủ một quán cà phê trên đường Võ Thị Sáu (quận 3), cho biết anh mở quán đã được nửa năm nay nhưng chưa thấy khách nào trả bằng tiền xu vì hình như tiền xu đã “biến mất”. Anh Thư cũng khẳng định nếu khách trả bằng tiền xu thì quán cũng không nhận vì nhận rồi không biết tiêu xài ở đâu. “Tôi nghĩ nếu ra NH sẽ đổi được nhưng mất công nên từ chối luôn cho khỏe!” - anh nói thêm.
Theo khảo sát của chúng tôi, ngoài một số siêu thị lớn thuộc hệ thống Co.opmart, Big C... còn duy trì việc giao dịch với khách hàng bằng tiền xu và tiền giấy mệnh giá 200 đồng, hầu hết các siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, nhà sách, nhà thuốc... trên địa bàn TP HCM đều vắng bóng tiền xu các mệnh giá. Đặc biệt, tại các chợ, hiện tiểu thương gần như “nói không với tiền xu”. Chị Phương, nhà ở quận Phú Nhuận, khẳng định: Ở chợ và tiệm tạp hóa bây giờ không nhận tiền xu. Tiền xu chỉ xài được ở siêu thị lớn, bưu điện, đóng tiền điện, nước...
Ghi nhận tại TP Hà Nội sáng 25-12, nhiều địa điểm giao dịch nhỏ lẻ, chợ dân sinh và hệ thống các siêu thị đều không nhận tiền xu khi thanh toán. Tại Siêu thị Unimart trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), khi chúng tôi đưa tiền xu mệnh giá 2.000 đồng, 5.000 đồng cùng với tiền giấy để thanh toán tiền hàng thì nhân viên thu ngân tỏ ra ngạc nhiên và từ chối. “Cả năm nay, khách hàng đến siêu thị đã không thanh toán bằng tiền xu nữa và khi trả lại tiền cho khách hàng, siêu thị cũng không dùng tiền xu vì khách không nhận” - nhân viên này nói. Khi chúng tôi cố giải thích là tiền xu vẫn còn giá trị lưu hành như tiền giấy và chúng tôi không có tiền giấy mệnh giá nhỏ để thanh toán thì nhân viên thu ngân này vẫn “xin lỗi” và mong chúng tôi “thanh toán tiền mệnh giá lớn cũng được, siêu thị sẽ trả lại tiền thừa”!
Phát hành rồi... thu hồi!
Cách đây 10 năm, NH Nhà nước chính thức phát hành tiền xu gồm 5 loại mệnh giá 200, 500, 1.000, 2.000 và 5.000 đồng. Loại tiền xu 200, 500 đồng được làm bằng chất liệu thép mạ niken; loại 1.000, 2.000 đồng bằng thép mạ đồng vàng; riêng loại 5.000 đồng bằng hợp kim đồng, bạc, niken. Lúc đó, tiền xu được đưa vào lưu thông là để nhà nước hoàn thiện cơ cấu mệnh giá các đồng tiền kim loại, hướng tới mục tiêu mua hàng qua máy tự động, sử dụng điện thoại… Thế nhưng, nhiều năm qua, tiền xu lại không được thị trường chấp nhận bởi không có mấy doanh nghiệp tham gia bán hàng tự động, người dân cũng không sử dụng điện thoại công cộng khi Việt Nam bùng nổ điện thoại di động. Mặt khác, chất lượng tiền xu các mệnh giá 1.000, 2.000, 5.000 đồng rất kém, nhanh gỉ sét... nên bị mọi người từ chối.
Đến tháng 4-2011, nguyên Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết đã dừng phát hành thêm tiền xu và đã báo cáo Thủ tướng về những hạn chế, đề xuất các giải pháp phù hợp của tiền kim loại trong lưu thông.
Theo NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, hiện nay tiền xu vẫn được lưu hành bình thường. NH Nhà nước đã có chủ trương thu hồi tiền xu và không đưa ra lưu thông. Các NH thương mại sẽ có trách nhiện đổi tiền xu sang tiền giấy cho ngưới dân rồi nộp lại tiền xu cho NH Nhà nước.
Theo các NH thương mại, trong 2 năm gần đây, người dân thường mang tiền xu đến NH đổi sang tiền giấy; còn các doanh nghiệp, nhất là các siêu thị thì rất ít khi có nhu cầu nhận tiền xu bởi lượng tiền giấy mệnh giá 500, 2.000, 5.000 đồng được NH Nhà nước đưa vào lưu thông khá nhiều. Việc NH Nhà nước thu hồi tiền xu rồi cất giữ là nguyên nhân chính làm cho loại tiền này vắng bóng. Lãnh đạo của NH Xuất nhập khẩu Việt Nam cho biết: Thông thường, NH thương mại phải có đủ 5 bịch tiền xu (mỗi bịch 1.000 đồng tiền), NH Nhà nước mới chấp nhận thu hồi. Tuy nhiên, gần đây, các NH chỉ mang nộp một bịch và NH Nhà nước vẫn nhận.
Mới thu về 300 triệu/1 tỉ miếng tiền kim loại
Tiêu hủy tiền xu xuống cấp, không dập thêm tiền mới
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về hiệu quả sử dụng của tiền kim loại (tiền xu), đại diện Cục Phát hành kho quỹ NH Nhà nước cho rằng việc lưu thông tiền xu rất khó khăn do chất lượng đồng tiền không tốt, không có các máy bán hàng tự động, thiết bị cung cấp dịch vụ thu nhận tiền xu và người tiêu dùng cũng không có thói quen, không thích dùng tiền xu.
Theo Cục Phát hành kho quỹ, 10 năm phát hành tiền xu, đã có 1 tỉ miếng tiền kim loại được phát hành với 5 mệnh giá khác nhau. Mặc dù lưu thông khó khăn nhưng đến nay mới có 300 triệu miếng được thu về kho quỹ, ngoài thị trường vẫn còn lưu thông 700 triệu miếng. Đây là đồng tiền vẫn có giá trị lưu hành bình thường nên trước mắt, NH Nhà nước tiếp tục phân loại các đồng tiền xu không đủ lưu thông để tiêu hủy, số tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông vẫn đang được bảo quản trong kho và không dập tiền xu mới. NH Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng sử dụng tiền xu để có hướng xử lý trong thời gian tới.
Bình luận (0)