Tại lễ tổng kết 15 năm "Chương trình bình ổn thị trường TP HCM 2002-2017" diễn ra hồi cuối tháng 3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đánh giá bình ổn thị trường đã trở thành một trong những chương trình mang thương hiệu riêng của TP, tạo được sức lan tỏa, sức hút mạnh mẽ và quy tụ một lượng lớn doanh nghiệp (DN) chủ lực của TP tham gia, chuyển biến mạnh mẽ về tư duy từ nhận thức "bình ổn giá" sang "bình ổn thị trường".
Không chỉ bình ổn thị trường
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho rằng sau 15 năm ra đời, chương trình bình ổn thị trường TP đang đi vào chiều sâu chất lượng theo tiêu chí là làm sao để bảo đảm cho người dân hưởng lợi nhiều nhất. Nhờ có chương trình, giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn luôn được kiểm soát tốt, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá hay biến động giá do đầu cơ tích trữ.
Dẫn chứng giá trứng gia cầm, thủy cầm trên địa bàn luôn được giữ ổn định trong vòng 10 năm nay, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho rằng kết quả này có được nhờ các DN tham gia chương trình bình ổn liên kết nhau dẫn dắt thị trường, cam kết không tăng giá và chuẩn bị kỹ lượng hàng cung ứng, luôn bảo đảm nguồn hàng dồi dào để khi thị trường có biến động sẽ có ngay lượng hàng đáp ứng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Từ đó, tâm lý tích trữ, làm giá trên thị trường được đánh tan.
Các doanh nghiệp thuộc danh sách bình ổn thị trường của TP HCM đã tích cực tham gia đợt giải cứu thịt heo cho người chăn nuôi Ảnh: Hoàng Triều
Đặc biệt, trong chiến dịch giải cứu thịt heo vừa qua, Công ty Vissan đã xông xáo cùng các địa phương tiêu thụ thịt heo, bỏ hết tất cả chi phí, liên tục giảm giá thịt heo thật sát nhằm kích cầu. Bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết ngoài khoảng 1.000 con heo đưa vào giết mổ thông thường, Vissan còn tăng thêm lượng dự trữ khoảng 300 con/ngày, tính ra là đã thu mua thêm hơn 2.000 tấn heo hơi.
Ngoài ra, rất nhiều DN bán lẻ của TP cũng tham gia tích cực đợt giải cứu thịt heo bằng các chương trình khuyến mãi, kích cầu, giảm giá bán. Kết quả hàng ngàn tấn thịt đã được tiêu thụ, góp phần giải quyết lượng lớn heo tồn đọng lớn của người dân.
Tính từ thời điểm lần đầu tiên TP triển khai bình ổn thị trường năm 2002 đến nay, chương trình đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ và đi vào chiều sâu. Hiệu quả chương trình được Chính phủ và Bộ Công Thương ghi nhận và đánh giá cao, chỉ đạo nhân rộng mô hình trên cả nước. Đến nay, 48 tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện. Bình ổn thị trường đã trở thành công cụ điều tiết hữu hiệu góp phần kiểm soát thị trường; qua đó giá cả các mặt hàng thiết yếu tại TP HCM luôn được kiểm soát tốt, không còn bị "nhảy nhót", làm giá ngay cả trong những đợt cao điểm và mùa mua sắm Tết.
Ở chiều ngược lại, chương trình bình ổn thị trường TP cũng làm tốt vai trò "bà đỡ" giúp nuôi dưỡng, phát triển tốt lượng DN chủ lực trong các lĩnh vực thiết yếu. Thương hiệu "DN tham gia bình ổn thị trường" đã giúp các DN xác lập được sự tín nhiệm của đối tác, người tiêu dùng. Chính sách hỗ trợ của TP giúp DN mở rộng hệ thống phân phối, đầu tư sản xuất - kinh doanh, xây dựng vùng nguyên liệu, hoàn thiện chuỗi cung ứng… Những cái tên như Satra, Saigon Co.op, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, San Hà, Vissan, Miti, Hami… đã vươn ra khỏi phạm vi TP HCM, có mặt tại nhiều tỉnh - thành. Nhiều dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh, phân phối cũng đã được thiết lập.
Tính đến nay, các DN bình ổn thị trường đã thực hiện 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 27.400 tỉ đồng. Riêng tại TP HCM đã phát triển trên 10.000 điểm bán hàng bình ổn, phủ kín 24 quận - huyện.
Tích cực ủng hộ chủ trương của TP
Khẳng định đã trưởng thành và xây dựng được thương hiệu tốt từ khi tham gia chương trình bình ổn thị trường TP HCM, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho biết sẵn sàng đồng hành, tham gia tất cả chủ trương, chính sách của TP HCM. DN này đã hoạt động trong lĩnh vực mua bán, chế biến các sản phẩm thịt gia cầm 30-40 năm nhưng phải đến khi tham gia chương trình, thương hiệu San Hà mới có được bệ đỡ để phát triển. "DN đồng hành cùng TP vừa phát triển được việc sản xuất - kinh doanh, trách nhiệm với cộng đồng; vừa được hỗ trợ, hướng dẫn hoạt động theo đúng định hướng, quy định pháp luật. Ngược lại, TP cũng cần lực lượng DN đồng hành để cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch của TP. Điển hình là trong đề án nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt, trứng gia cầm, mặc dù biết trước sẽ gặp một số vướng mắc nhưng San Hà vẫn chủ động đăng ký tham gia" - bà Hà cho biết.
Theo bà Hà, hiện mỗi ngày San Hà tiêu thụ hơn 70 tấn thịt gà, chỉ riêng tiền mua tem nhận diện dán lên sản phẩm đã tốn trên 100 triệu đồng. Ngoài ra còn có những rắc rối phát sinh từ thực tế áp dụng nhưng đây là việc phải làm, không thể né tránh hay từ chối.
Trưởng thành và gắn bó với chương trình bình ổn thị trường TP, Công ty Vĩnh Thành Đạt là một trong những đơn vị tham mưu cho Sở Công Thương, Hội Công nghệ cao thực hiện truy xuất nguồn gốc trứng gia cầm. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho biết công ty ông đã làm truy xuất nguồn gốc trứng từ 3 năm trước. Theo đó, từng quả trứng trước khi bán ra thị trường được đóng dấu nhận diện, từ đó có thể truy được lô trứng đó do trại nào cung cấp, đóng gói ngày nào, dây chuyền nào… "Nhờ áp dụng truy xuất nguồn gốc mà chúng tôi kiểm soát chặt được nguồn hàng, chất lượng hàng bán ra thị trường và được khách hàng, người tiêu dùng tin tưởng hơn" - ông Thiện cho biết.
Với chương trình truy xuất nguồn gốc, ngay từ đầu Vissan xác định là ủng hộ bằng mọi cách. Có nhiều khó khăn trong thời gian đầu nhưng đến nay đã đi vào ổn định, 100% thịt heo Vissan có truy xuất tại 573 điểm bán trên toàn TP.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn và triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm vừa diễn ra cuối tuần trước, các DN cho biết sẽ tích cực ủng hộ và phối hợp với TP trong việc triển khai đề án.
Đồng hành nâng chuẩn cho thực phẩm
Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) tại TP HCM được triển khai từ năm 2010 nhưng đến tháng 10-2015 mới có điểm bán lẻ thịt heo VietGAP được nhận diện. Trước đó, nông dân dù xuất chuồng heo chăn nuôi sạch, chuẩn VietGAP nhưng ra thị trường bị trộn lẫn với heo thường vì không có kênh phân phối riêng. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, DN tiên phong ký hợp đồng bao tiêu với nông dân nuôi heo của dự án Lifsap, cho biết từ lâu đã mong muốn tổ chức một chuỗi cung ứng thịt sạch cho người tiêu dùng. Bởi vì, gia đình có nghề truyền thống giết mổ, biết rõ những nhức nhối trong ngành như chuyện heo bệnh, heo chết, nhiều thương lái vẫn mua giá rẻ rồi giết mổ phù phép bán ra thị trường. Sau đó là đến chuyện heo bơm nước, thuốc mê, kháng sinh, chất tạo nạc khiến người tiêu dùng hoang mang.
Khi ban quản lý dự án kêu gọi những DN có tiềm năng tham gia phân phối riêng thịt VietGAP, bà Thắm đã tích cực tham gia. Là một DN mới nên công ty chưa quen với các thủ tục, quy định bà đã được ban quản lý hỗ trợ, hướng dẫn để làm đúng từ đầu vì điều kiện Việt Nam khác với các nước nên không thể làm theo mô hình họ đã có mà phải điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tế tại TP HCM. Theo bà Thắm, sau gần 2 năm ra đời, dù sự phát triển không như mong đợi khi các điểm bán hàng liên kết đều ngưng, công ty chỉ còn 2 điểm bán lẻ trực tiếp nhưng được người tiêu dùng tin tưởng, ủng hộ và tiềm năng mở rộng khách hàng sau này.
V.Ngọc
Bình luận (0)