Quy mô doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh doanh nghiệp tư nhân đều ở mức thấp kể từ đại dịch COVID-19. Một doanh nghiệp trung bình có quy mô vốn khoảng 15,6 tỉ đồng và 21 lao động; trong khi năm 2019, quy mô vốn và lao động của một doanh nghiệp trung bình là 22,3 tỉ đồng và 23 lao động. Trong năm 2022, chỉ 5,1% doanh nghiệp tăng vốn đầu tư và 4,9% doanh nghiệp tăng quy mô lao động, giảm đáng kể so với mức tương ứng của năm 2019.
Kết quả trên được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tại một báo cáo mới đây khi thực hiện khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. VCCI đã khảo sát khoảng 12 ngàn doanh nghiệp trên cả nước để đưa ra bức tranh toàn cảnh về "sức khoẻ" doanh nghiệp trong năm 2022.
Tiếp cận tín dụng là khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp. Ảnh: NLĐO
Theo VCCI, năm 2022 chỉ 42,6% doanh nghiệp tư nhân cho biết họ có lãi, thấp hơn đáng kể con số 63% của năm 2019. Tỉ lệ doanh nghiệp báo lỗ năm 2022 là 35,3% trong khi năm 2019 chỉ ở mức 23,4%.
"Cả hai con số tỉ lệ doanh nghiệp báo lãi hoặc báo lỗ của 3 năm gần đây là những chỉ báo cho thấy các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã trải qua một quãng thời gian chật vật trong hoạt động kinh doanh" - Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho hay.
Tình trạng khó khăn nêu trên của doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể thấy rõ qua sự suy giảm tỉ lệ doanh nghiệp có khách hàng chính ở cả thị trường trong nước và nước ngoài kể từ đại dịch COVID-19.
Qua khảo sát từ các doanh nghiệp, VCCI đã nêu ra các khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt. Với những khó khăn được nêu ra này, VCCI kỳ vọng có thể giúp chính quyền các tỉnh, thành phố cũng như các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan có thêm thông tin hữu ích trong quá trình lựa chọn và triển khai các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Theo kết quả khảo sát của VCCI, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận tín dụng. Cụ thể, trong năm 2022, tiếp cận tín dụng đã trở thành mối lo lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết tìm kiếm khách hàng là khó khăn lớn thứ hai của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong năm 2022, với tỉ lệ doanh nghiệp lựa chọn là 55,1%. Tiếp đến là khó khăn từ tác động của dịch bệnh COVID-19, song dấu hiệu tích cực là tỉ lệ doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã giảm xuống 34,1%, thấp hơn so với năm 2021.
"Điều này cho thấy những tác động tiêu cực của đại dịch này vẫn đang dai dẳng đối với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam"- ông Tuấn nhấn mạnh và cho biết thêm, các khó khăn đáng chú ý khác gồm biến động thị trường (23,5%) và tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh (21,4%), có cải thiện so với năm 2021.
Trong số các khó khăn nêu trên, VCCI cho biết tiếp cận tín dụng đã trở thành khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây.
Cụ thể, năm 2017, tỉ lệ doanh nghiệp có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng là 49,4%. Đến các năm 2018 và 2019, tỉ lệ doanh nghiệp có tiếp cận tín dụng lần lượt là 45% và 43%. Năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện, vẫn có 42,9% doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, tỉ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ còn 35,4% trong năm 2021. Đến năm 2022, tỉ lệ này chỉ còn là 17,8%. Tiếp cận tín dụng là khó khăn chung của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, song các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ đang là nhóm khó tiếp cận tín dụng hơn cả trong năm 2022.
Đặc biệt, với nhóm các doanh nghiệp có quy mô vốn từ 3 tỉ đồng trở xuống, tỉ lệ doanh nghiệp đang tiếp cận tín dụng chỉ là 11,3%, thấp hơn đáng kể so với các nhóm còn lại. Với nhóm có quy mô vốn từ trên 3 tỉ đến 10 tỉ đồng, tỉ lệ này là 20,5%. Tỉ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay ngân hàng ở nhóm doanh nghiệp quy mô vốn 10-20 tỉ đồng là 28,3%. Ở các nhóm còn lại, tỉ lệ doanh nghiệp đang tiếp cận vốn cũng chỉ quanh mức 25-35%.
VCCI nhấn mạnh trở ngại lớn nhất là việc doanh nghiệp không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp (chiếm 79,4%). Đáng lưu ý là một loạt các khó khăn tiếp cận tín dụng khác có dấu hiệu gia tăng đáng kể trong năm 2022.
Cụ thể là các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp tư nhân, thủ tục vay vốn phiền hà, tình trạng doanh nghiệp phải "bồi dưỡng" cho cán bộ tín dụng để vay vốn và cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ của doanh nghiệp.
Với tỉ lệ doanh nghiệp phản ánh thủ tục vay vốn còn nhiều phiền hà ở mức tương đối cao nêu trên, VCCI đã phân tích, khảo sát thêm để tìm hiểu liệu có sự khác biệt trong đánh giá của doanh nghiệp về thủ tục vay vốn theo nguồn gốc sở hữu của ngân hàng hay không.
Kết quả thu được cho thấy trung bình khoảng 61% doanh nghiệp đánh giá thủ tục vay vốn phiền hà trong năm 2022 có liên quan đến việc vay từ các ngân hàng tư nhân, trong khi tỉ lệ này chỉ khoảng 36% đối với doanh nghiệp đi vay từ ngân hàng có vốn nhà nước. "Có thể các ngân hàng có vốn nhà nước có dư địa tín dụng dồi dào hơn, do vậy các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay qua nhóm này trong năm vừa qua cũng thuận lợi hơn"- VCCI nhận định.
Trường hợp không thể vay vốn được từ các ngân hàng, các doanh nghiệp vẫn phải tìm các nguồn khác để có vốn kinh doanh. Năm 2022, 75,5% doanh nghiệp vay mượn từ người thân, bạn bè, tăng đáng kể so với con số 51% từng ghi nhận trong năm 2021. Có 24,3% doanh nghiệp tìm tới các nguồn khác như huy động từ cổ đông, vay từ doanh nghiệp khác hoặc cầm cố, bán tài sản của doanh nghiệp. Đáng lo ngại hơn cả, có tới 12,5% doanh nghiệp đã phải xoay sang vay “tín dụng đen” (tăng mạnh so với con số 4% của năm 2021).
Bình luận (0)