Việc xây dựng chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu là cần thiết. Trong đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cụ thể hơn về chi phí đầu tư, giảm thuế, hoàn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết lập mạng lưới nhà sản xuất đầu cuối với nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ để tối ưu hóa sản xuất...
Nhiều hạn chế cần khắc phục
Kết quả nghiên cứu về năng lực hoạt động của DN Việt Nam do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy DN Việt Nam đã tham gia tích cực trong chuỗi giá trị toàn cầu, song giá trị còn hạn chế. Nhiều DN thiếu định hướng rõ ràng khi tham gia. Một số khảo sát khác lại chỉ ra rằng khả năng tham gia của Việt Nam còn thấp so với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Trong các chuỗi sản xuất và cung ứng, DN Việt Nam chủ yếu tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp… với giá trị gia tăng thấp. Nguyên nhân chính là do các DN Việt Nam hạn chế về vốn, công nghệ và quản lý, cũng như năng lực sản xuất và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều DN chưa tập trung giải quyết những vấn đề mang tính dài hạn, chiến lược như xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực, làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng kết nối mạng lưới, tăng cường đáp ứng quy chuẩn và quản trị rủi ro...
Nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu tìm kiếm thêm các nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ để tăng tỉ lệ nội địa hóa
Đại diện VCCI cho rằng để tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trước tiên, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện và theo đuổi chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa. Trong quá trình đó, cần đánh giá việc thực thi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và chính sách hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ trong nước thời gian qua để định hướng chính sách trong thời gian tới; từng bước khuyến khích DN công nghiệp trong nước đầu tư, tích lũy về vốn và kinh nghiệm, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, năng lực quản trị và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường…
Tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh
Theo Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, việc lựa chọn 6 ngành ưu tiên phát triển tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm: dệt may, da giày, điện tử, ôtô, cơ khí và công nghệ cao đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ về việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp của Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để thu hút, khuyến khích các DN FDI đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng trong 6 ngành nói trên.
Thực tế, trong nhiều năm nay, cùng với làn sóng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam và nhu cầu gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, các nhà đầu tư lớn đã tích cực hỗ trợ DN trong nước cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Nhiều chương trình hợp tác chuyển giao công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản trị, cải tiến sản xuất, năng lực tiếp cận thị trường, nghiên cứu và phát triển… cho DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được các công ty, tập đoàn đa quốc gia thực hiện đã mang lại hiệu quả khả quan.
Đơn cử, từ năm 2015 cho đến nay, Samsung Việt Nam đã và đang phối hợp cùng với Bộ Công Thương cải thiện năng lực cạnh tranh trong sản xuất cũng như chất lượng. Ông Choi Joo Ho, Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho biết Samsung tiếp tục cử các chuyên gia có kinh nghiệm đến Việt Nam hỗ trợ tư vấn cho các DN trong nước. Cùng với đó là thúc đẩy mở rộng sự tham gia của các nhà cung ứng trong nước vào chuỗi cung ứng.
Bình luận (0)