Ảnh: HỒNG THÚY
Nặng về phong trào
Thực tế, vấn đề tiết kiệm năng lượng đã được luật hóa bằng Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả có hiệu lực thi hành từ năm 2011. Thế nhưng hiện nay, ngay cả cơ quan có trách nhiệm thực hiện cũng đang “đuối”, còn người dân dường như lạc lối giữa mê hồn trận thiết bị tiết kiệm điện.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, cho biết những năm trước, trung tâm tham gia rất tích cực trong cuộc vận động, tuyên truyền tiết kiệm năng lượng vì đây là chủ trương lớn, đem lại lợi ích thiết thực cho cả nền kinh tế, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Tuy nhiên, đến nay, tuyên truyền tiết kiệm năng lượng đang nặng về phong trào nên đơn vị này ngừng không làm nữa.
Theo các chuyên gia trên lĩnh vực này: Mục tiêu hướng tới của tuyên truyền tiết kiệm năng lượng là làm thay đổi hành vi chứ không chỉ dừng ở thay đổi nhận thức và sơ kết tiết kiệm được bao nhiêu KWh điện. Khi tổ chức truyền thông Giờ Trái đất, lại xác định đối tượng tuyên truyền chưa hợp lý, lẽ ra phải hướng tới đối tượng tiêu thụ nhiều điện nhất là hệ thống công nghiệp (tiêu thụ hơn 40%) nhưng thay vào đó lại tập trung vào các hộ gia đình và cộng đồng.
Ngay cả các cuộc thi tiết kiệm năng lượng rầm rộ đang được tổ chức hiện nay cũng chưa đạt kết quả như mong muốn.
Thả nổi thiết bị tiết kiệm điện
Về phía người dân, động lực để họ tiết kiệm điện không hẳn do tác dụng của các đợt tuyên truyền nói trên mà còn do ngành điện liên tục… dọa tăng giá. Đón đầu xu thế đó, trên thị trường có sự bùng nổ về thiết bị tiết kiệm điện khiến người tiêu dùng rất lúng túng khi lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Tất cả đồ điện gia dụng, từ ti vi, tủ lạnh, máy giặt đến bóng đèn chiếu sáng đều được nhà sản xuất quảng cáo là có chức năng tiết kiệm điện từ 10% - 60% nhờ sử dụng công nghệ lưu điện, công nghệ biến tần inverter... Theo đó, giá bán sản phẩm cũng đắt hơn từ 20% - 50% so với thiết bị thông thường. Riêng đối với sản phẩm đèn LED có đến hơn chục nhãn hàng, có loại bóng in công suất 20 W nhưng thực tế độ chiếu sáng chỉ bằng bóng 9 W - 14 W, thậm chí ghi công suất 11 W nhưng thực tế độ chiếu sáng chỉ bằng bóng đèn 3 W của một nhãn hàng danh tiếng.
Người bán mặc sức quảng cáo
Các sản phẩm tiết kiệm điện có nguồn gốc từ Trung Quốc hiện đang được bán rất nhiều trên thị trường, người bán giới thiệu có thể tiết kiệm điện từ 40% - 90%. Còn hàng sản xuất trong nước được quảng cáo tiết kiệm điện từ 20%- 40%...
Tuy nhiên, tại Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ và sản phẩm tiết kiệm năng lượng, năng lượng xanh 2012 (tổ chức tại TPHCM từ ngày 15 đến 18- 8), nhiều nhà chuyên môn cho rằng chất lượng sản phẩm tiết kiệm điện hiện rất phức tạp. Chỉ riêng sản phẩm bóng đèn LED tiết kiệm điện hiện đã có đến hàng chục loại với chất lượng khác nhau, trong đó hàng Trung Quốc giá rẻ nhưng chất lượng rất thấp do sử dụng linh kiện không phù hợp, không đúng kỹ thuật nên chỉ một thời gian ngắn sử dụng sẽ bị hư hỏng ngay. Các loại sản phẩm này không những không mang lại lợi ích tiết kiệm điện bao nhiêu mà còn gây tốn kém do độ bền quá thấp. Ông Trịnh Thành Quân, giám đốc một doanh nghiệp phân phối các mặt hàng điện gia dụng tại TPHCM, nhận xét thị trường sản phẩm tiết kiệm điện hiện nay có thể nói là “loạn”, không ai kiểm soát. Nhà sản xuất tự đưa ra thông số chủ yếu là để quảng cáo sản phẩm của mình.
N.Hải
|
Bình luận (0)