Các tiểu thương cho rằng phương án xây chợ cao tầng là bất hợp lý, không khả thi. Hiện lầu 1 chợ Tân Bình đang bỏ hoang phế, chỉ kinh doanh được khu vực trệt, vậy xây 6 tầng để làm gì. Kinh nghiệm của nhiều chợ khác trên địa bàn TP HCM như An Đông, Bình Tây khi xây lầu, khu vực trên lầu hoạt động không hiệu quả. Các TTTM hiện đang trong tình trạng ế ẩm, mô hình phá chợ xây TTTM ở Hà Nội đã thất bại thảm hại...
Theo chị Đỗ Thị Thu Lê, sạp KB2/3, tiểu thương kiến nghị UBND quận khi xây lại chợ phải có quy hoạch chi tiết, trưng cầu ý kiến tiểu thương, nếu phương án nào được đồng ý 60% thì theo phương án đó. Phương án thu tiền cũng phải coi lại. Ngoài ra, không xây TTTM ở mặt tiền chợ. Cùng quan điểm này, đa số tiểu thương thống nhất yêu cầu chính quyền quận thu hồi dự án TTTM trên phần đất 7.000 m2 của chợ Tân Bình, sửa lại chợ trên nền 22.000 m2 hiện hữu. Tiểu thương sẵn sàng bỏ tiền cùng nhà nước sửa chữa, xây mới chợ khang trang sạch đẹp và an toàn hơn.
Về chi phí thuê mặt bằng ở chợ mới, nhiều tiểu thương cho rằng quận tuyên bố chỉ lấy lại một phần chi phí xây dựng là không đúng. Anh Vũ Hoài Nam, chủ sạp A46, tính toán: Đơn giá xây dựng hiện khoảng 8 triệu đồng/m2 (chưa kể đến các diện tích công cộng, đường giao thông), vị chi phí xây dựng chỉ 25 triệu đồng/sạp là tối đa. “Mỗi tiểu thương đóng trên 400 triệu đồng, quy mô chợ là 5.000 sạp, tổng số tiền thu được trên 2.000 tỉ đồng. Như vậy đâu phải nhà đầu tư bỏ tiền ra xây chợ mà chính tiểu thương tự bỏ tiền xây chợ cho mình, tự cho mình thuê 30 năm để rồi sau đó không biết số phận của sạp nó thế nào” - tiểu thương Đỗ Thị Thu Hà phân tích.
Bật khóc giữa hội trường, tiểu thương Đỗ Thị Thu Hà cho biết mình mới khai trương sạp ngày 24-9. Trước đó, bà phải bán 1 căn nhà, thế chấp 3 căn khác gom đủ hơn 5,1 tỉ đồng để sang lại sạp quần áo 2 mặt tiền chợ. Trong thời gian làm thủ tục sang sạp, bà không được ban quản lý chợ thông báo gì về việc sẽ xây chợ mới. “Làm như vậy là giết gia đình tôi rồi!” - bà Hà nghẹn ngào.
Ông Lê Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết ông ghi nhận ý kiến của các tiểu thương. “Đây là buổi tiếp xúc đầu tiên của UBND quận với tiểu thương, sẽ còn 9 buổi làm việc nữa, lãnh đạo quận sẽ lắng nghe, ghi nhận ý kiến trong tất cả 10 buổi làm việc, trình chủ tịch UBND và quận ủy để có quyết định cuối cùng và chọn phương án nào phù hợp với nguyện vọng của tiểu thương” - ông Lê Sơn nói.
Bình luận (0)