Thông qua hoạt động này, các thương nhân mong muốn tìm thêm đặc sản các địa phương, chuẩn bị cho mùa kinh doanh Tết Nguyên đán sắp tới cũng như cơ hội hợp tác làm ăn với DN, nhà cung ứng các nơi.
Theo Sở Công Thương TP HCM, việc thương nhân chợ truyền thống quan tâm, đến với chương trình nhiều hơn nằm trong định hướng của TP HCM nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN), HTX, cơ sở sản xuất… các tỉnh thành kết nối tiêu thụ hàng hóa với kênh bán hàng truyền thống.
"Trước giờ nhà sản xuất, kinh doanh ở tỉnh tập trung nhiều vào việc đưa hàng vào hệ thống phân phối hiện đại mà bỏ qua kênh chợ, cửa hàng tạp hóa. Diện tích mặt bằng trong siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại có giới hạn, DN phải cạnh tranh gay gắt để chen chân vào và tồn tại, phát triển. Trong khi đó, hoạt động giao thương tại kênh truyền thống, đặc biệt là tại chợ đầu mối, chợ loại 1, loại 2 rất sôi động, sẽ có nhiều "đất" cho nhà cung cấp mở rộng bán hàng" – bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết.
Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại một hội nghị kết nối gần đây
Trước Hội nghị kết nối cung cầu quy mô lớn này, TP HCM đã nhiều lần tổ chức kết nối cho thương nhân các chợ làm việc trực tiếp với các DN cung cấp hoa tươi, rau củ ở Lâm Đồng, Đồng Tháp… Qua kết nối, nhiều thương nhân đã tìm thêm nhà cung cấp để đa dạng hóa mặt hàng, giá cả cạnh tranh.
Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP HCM với các tỉnh, thành năm 2018 sẽ diễn ra trong 2 ngày 22 và 23-11 tại TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Ngoài 34 tỉnh, thành trên cả nước đưa DN, sản phẩm đến trưng bày, giới thiệu tại triển lãm thuộc hội nghị, TP HCM cũng khuyến khích các DN phân phối, DN bình ổn thị trường, DN có sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chủ lực, DN sản xuất công nghiệp… tham gia triển lãm.
Đến thời điểm này, đã có 46 DN TP HCM đăng ký tham gia 125 gian hàng. Trong đó, có 25-43 gian hàng của các DN lĩnh vực sản xuất công nghiệp – công nghiệp hỗ trợ. Lần đầu tiên Công ty Samco, Công ty Bùi Văn Ngọ… tham gia chương trình, đem xe tải, xe bán tải, máy móc, thiết bị và phụ tùng cho máy móc nông nghiệp giới thiệu cho các DN, HTX nông nghiệp các tỉnh. Một số DN nhựa uy tín như Tân Hiệp Thành, Duy Tân… cũng đưa sản phẩm hóa nhựa chất lượng cao về bán cho người tiêu dùng các tỉnh.
Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành là sự kiện thường niên do TP HCM chủ trì tổ chức nhằm thúc đẩy, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng sản xuất trong nước có chất lượng cao, giá cả hợp lý, có tiềm năng phát triển thương hiệu và thị phần. Song song đó, đẩy mạnh kết nối 2 chiều, nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa, hỗ trợ đưa hàng hóa các tỉnh, thành vào hệ thống phân phối TP HCM và ngược lại nhằm bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường, góp phần xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn và kết nối đưa hàng hóa bình ổn thị trường phục vụ công nhân, người lao động, bếp ăn tập thể bệnh viện, trường học.
Năm nay, hội nghị tập trung hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa đặc sản, đặc trưng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ cá thể nhỏ lẻ... khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên, Tây Bắc... và các sản phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm, nuôi trồng, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, HACPP… Bên cạnh đó, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giao dịch, nhằm tăng cường các mối liên kết, quan hệ hợp tác đã thiết lập giữa các bên, hướng đến mục tiêu hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu.
Theo số liệu của Ban tổ chức, hiện có 526 DN thuộc 35 tỉnh thành (bao gồm TP HCM và các tỉnh Đông – Tây Nam Bộ, miền Trung, miền Bắc) đăng ký tham gia hội nghị. Có tổng cộng 285 gian hàng trưng bày sản phẩm trong thời gian diễn ra hội nghị.
Đa số sản phẩm mang đến hội nghị là đặc sản vùng miền, từ thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng gia đình…
Mở lại website www.ketnoicungcau.vn
Sau 1 thời gian tạm ngưng hoạt động, website www.ketnoicungcau.vn đã được mở lại cách đây 1 tháng và đang trong quá trình cập nhật thông tin sản phẩm của DN các địa phương. Trang web này chính thức được thành lập, vận hành từ Hội nghị kết nối cung cầu năm 2017 nhằm mở rộng kênh thông tin cho các DN chủ động tiếp cận, kết nối. Thông qua Sở Công Thương các tỉnh, DN có thể chủ động đưa lên website thông tin về đơn vị, sản phẩm, quy mô, năng lực, nhu cầu kết nối… các DN phân phối thì công khai yêu cầu, thủ tục thu mua, số điện thoại bộ phận tiếp nhận thu mua từng ngành hàng để các bên chủ động kết nối, hợp tác với nhau.
Bình luận (0)