Tại hội nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành ở ĐBSCL và TP HCM tìm giải pháp tiêu thụ thanh long do UBND tỉnh Long An tổ chức ngày 5-2, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, cho hay do ảnh hưởng bởi dịch virus corona (nCoV), một số đầu mối xuất khẩu lớn của Trung Quốc đã thông báo hủy đơn hàng khiến doanh nghiệp (DN) lẫn nông dân trồng thanh long tại Long An điêu đứng.
Một DN Trung Quốc nợ trên 100 tỉ đồng
Theo Sở Công Thương tỉnh Long An, toàn tỉnh có 9.587 ha trồng thanh long đang cho trái, sản lượng 320.000 tấn. Đến 70%-80% tổng sản lượng thanh long của tỉnh tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, 20%-30% còn lại xuất sang Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật, Malaysia, Dubai, New Zealand, Ấn Độ, Úc... và tiêu thụ trong nước.
Trái thanh long cần được các hệ thống phân phối hỗ trợ tiêu thụ
Tính từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2-2020, Long An tồn khoảng 90.000 tấn thanh long. Trong đó, tồn kho khoảng 2.000 tấn (thời gian bảo quản kho lạnh không quá 30 ngày), số còn lại sắp thu hoạch. Với lý do dịch bệnh không bán được hàng, khách hàng lớn là Công ty Hồng Thái Dương (Trung Quốc, mua khoảng 30%-40% sản lượng) đã hủy khoảng 300 container (khoảng 15 tấn/container, giá đặt mua 40.000-50.000 đồng/kg) giao hàng từ ngày 27-1 đến 29-2. Công ty này đã hỗ trợ 4.000 đồng/kg nhưng không nhận hàng và đang nợ các đối tác Việt Nam trên 100 tỉ đồng. Công ty Phú Quý (Trung Quốc) cũng hủy khoảng 200 container song đã thông báo mua trở lại nhưng ra giá mua tại kho chỉ 5.000 đồng/kg.
Xác nhận thực trạng tiêu thụ thanh long trên địa bàn là đặc biệt khó khăn, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, cho biết các kho hiện nay không nhận hàng và thương lái đang thương lượng nhà vườn chấp nhận giá khoảng 5.000 đồng/kg. "Với mức giá này, bà con trồng thanh long lỗ nặng bởi giá thành 1 kg thanh long trong mùa nghịch lên đến 12.000-15.000 đồng/kg" - ông Trịnh nói, đồng thời kiến nghị chính quyền có giải pháp hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, phát triển thị trường mới để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, hỗ trợ các cơ sở mua, chế biến vay vốn, gia hạn nợ vay, giảm lãi vay, giảm thuế, giảm tiền điện... để vượt qua khó khăn; hỗ trợ các cơ sở trong thương mại quốc tế. "Các HTX cũng mong muốn tìm hướng đi khác cho trái thanh long để thoát phụ thuộc thị trường Trung Quốc. HTX đồng ý làm theo hướng thanh long sạch, lấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP nhưng chi phí cho mỗi chứng nhận khoảng 100-500 triệu đồng, thời hạn chứng nhận chỉ 1-2 năm. Số tiền đầu tư không nhỏ, trong khi đầu ra chưa bảo đảm, không chắc chắn sẽ tiêu thụ được sản phẩm tốt hơn, giá cao hơn. Vì vậy, đề nghị chính quyền hỗ trợ nông dân lấy các chứng nhận này để cải thiện khả năng cạnh tranh của nông sản" - ông Trịnh nói.
Trông cậy vào tiêu thụ nội địa
Ông Lê Minh Đức cũng cho rằng hướng sắp tới phải tăng được diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; có hợp đồng thu mua, giá ổn định. Đối với thị trường chính là Trung Quốc, đề nghị Chính phủ xây dựng trung tâm phân phối thương mại của Việt Nam tại nước này để làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm, hạn chế rủi ro cho nông dân lẫn DN xuất khẩu và tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam phân phối ổn định ở đây. Riêng tại thị trường nội địa, rất cần chương trình hành động cụ thể để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước. Song song đó, mở rộng thị trường tiêu thụ trái thanh long Việt Nam để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, nêu thực tế thời gian qua, chúng ta phụ thuộc thị trường Trung Quốc quá lớn vì thị trường này dễ tính với một số mặt hàng nên nông dân chưa chủ động thay đổi phương thức sản xuất. Tình thế hiện nay là cơ hội thay đổi nhận thức của nông dân trong quá trình sản xuất thanh long, nên dành nguồn kinh phí cho nông dân làm VietGAP, GlobalGAP. Sản lượng thanh long của ĐBSCL khá lớn, không chỉ ở Long An mà còn ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang... "Con số chính thức tại cửa khẩu Lạng Sơn đang có đến 400-500 xe container thanh long, dưa hấu… xếp hàng chờ từ mùng 2 Tết tới nay chưa thông quan được. Nếu những xe này quay đầu bán nội địa cũng khó tiêu thụ vì chất lượng trái cây đã giảm sút. Nếu dịch bệnh tiếp tục phức tạp, không biết tình hình khó khăn sẽ kéo dài bao lâu. Hiện tại, không chỉ thanh long, dưa hấu mà mít cũng rớt giá thê thảm, chỉ còn 8.000 - 10.000 đồng/kg. Tình hình này rất cần các DN phân phối hỗ trợ tiêu thụ nông sản nhiều hơn. Bên cạnh đó, cần xây dựng chuỗi sản xuất nông sản bền vững, có hợp đồng", ông Toại nói..
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho hay tỉnh đang giải quyết khó khăn cho nông dân trồng thanh long bằng cách đưa vào chế biến nhưng số lượng giải quyết không được bao nhiêu. "Chúng tôi rất mong sở công thương các tỉnh, thành liên kết, hỗ trợ tiêu thụ, giới thiệu những địa chỉ mua hàng để chúng tôi kết nối tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trước mắt, Tiền Giang tập trung kết nối nhà vườn với siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong tỉnh như Bách hóa Xanh, Big C, Co.opmart… để tiêu thụ; tổ chức xe bán hàng lưu động, đồng thời tính toán phương án lưu kho dự trữ" - vị đại diện này cho biết thêm.
Mời 3 nhà phân phối lớn là Saigon Co.op, MM Mega Market, Big C cùng tham gia hội nghị, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, gợi ý giải pháp đầu tiên là đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, song song đó là chế biến. Bà Trang đề nghị sau buổi làm việc, các nhà bán lẻ gặp gỡ Hiệp hội Thanh long Long An cũng như đại diện của các tỉnh, thành để trao đổi kỹ về mặt hàng nông sản cần hỗ trợ, đàm phán nhanh để sớm tiêu thụ những mặt hàng này. "Nhờ sở công thương các địa phương phổ biến lại cho nông dân hiểu là các nhà phân phối hỗ trợ tiêu thụ nông sản để họ hợp tác, đừng để xảy ra tình trạng nông dân thấy DN đến thu mua thì nâng giá" - bà Trang nói.
Cơ hội để sản xuất "sạch"
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho rằng những khó khăn hiện tại là cơ hội để ngành nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển sang sản xuất "sạch", có truy xuất nguồn gốc và ứng dụng công nghệ cao. Thị trường Trung Quốc lâu nay dễ tính, không đòi hỏi cao về chất lượng, lại thu mua số lượng lớn nên bà con quen sản xuất theo chuẩn thu mua của họ, không mặn mà với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP dù đã được tuyên truyền, vận động rất nhiều. Đến khi thị trường Trung Quốc gặp trục trặc, giá giảm còn bằng 1/10 trước đây thì nhà vườn chỉ biết "chịu trận", trong khi sản phẩm xuất sang những thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật, Malaysia, New Zealand, Ấn Độ, Úc... không bị ảnh hưởng, giá thu mua tại vườn vẫn ở mức 40.000 - 50.000 đồng/kg nhưng phải đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn.
Hiện tỉnh đã có chính sách hỗ trợ các HTX đăng ký cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Big C hỗ trợ tiêu thụ 4.000 tấn thanh long, dưa hấu
Ngày 5-2, Big C và GO! (thành viên của Tập đoàn Central Retail) quyết định triển khai chương trình "Chung tay hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu, thanh long", áp dụng bán hàng không lợi nhuận đối với sản phẩm thanh long và dưa hấu của Bình Thuận, Gia Lai, Khánh Hòa, Long An, Tiền Giang.
Chương trình được thực hiện trên toàn bộ hệ thống 37 siêu thị Big C và GO! trong cả nước, bắt đầu từ ngày 5-2 và sẽ kéo dài liên tục cho đến khi nông sản của bà con các tỉnh, thành trên dần đi vào ổn định. Với chương trình này, Big C hy vọng sẽ tiêu thụ mỗi ngày khoảng 40 tấn trái cây mỗi loại (thanh long, dưa hấu), dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 4.000 tấn trong chương trình.
Bình luận (0)