Tại hội thảo "Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm" tổ chức ở Hà Nội ngày 22-8, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, cho biết qua phân tích số liệu từ hơn 1.500 doanh nghiệp (DN), chuyện dòng tiền vẫn là vấn đề cấp bách nhất hiện nay. Nguyên nhân là vì tổng cầu giảm, tích lũy của DN đã chi tiêu hết trong dịch COVID-19 nhưng tiếp cận vốn rất khó khăn.
Cấp thiết giải bài toán dòng tiền
Theo bà Thủy, trong giai đoạn cuối năm 2023 có 2 nhóm vấn đề trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục kiến nghị để cải thiện dòng tiền và chi phí cho DN. Đây là bài toán bức thiết nhất hiện nay. "Ví dụ, về vấn đề hoàn thuế, riêng nhóm ngành gỗ đã có tới 6.100 tỉ đồng đang đọng, gần 10 ngành cũng đang kêu tương tự" - bà dẫn chứng.
Thứ hai, làm thế nào để môi trường đầu tư, kinh doanh tới đây phải thích ứng với các yêu cầu mới về giảm phát thải và chuyển đổi xanh.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng cần phải có sự đồng bộ trong chính sách và thực thi chính sách. Cụ thể, trong khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết liệt kéo mặt bằng lãi suất xuống thì ở đâu đó, nhiều ngành khác có những chính sách làm chi phí sản xuất - kinh doanh tăng lên.
Ví dụ, về vấn đề hoàn thuế, nếu một DN xuất khẩu mà đọng vốn hàng chục tỉ đồng, thậm chí hàng trăm tỉ đồng, chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đây không phải là trường hợp hãn hữu của một vài DN mà rất nhiều ngành hàng, đặc biệt là ngành hàng xuất khẩu như nông sản, cũng vậy.
Ông Tuấn nhấn mạnh tốc độ của quyết định hành chính hiện quá chậm so với quyết định sản xuất - kinh doanh. Rất nhiều dự án đầu tư kéo dài hàng năm trời, nhiều nhà máy không thể đưa vào hoạt động theo đúng kế hoạch vì trục trặc ở khâu này, khó ở khâu khác. "Nhiều DN kêu khó khăn nhất là phải chờ đợi các quyết định hành chính mà không biết chờ đến lúc nào. Cần sự đồng bộ chính sách của nhiều ngành để đẩy nhanh tốc độ của quyết định hành chính" - ông Tuấn kiến nghị
Ông Tuấn khẳng định chúng ta có chính sách tốt nhưng nếu thực thi không nhanh, không mạnh, không tốt thì chắc chắn hiệu ứng sẽ giảm đi nhiều. "Môi trường kinh doanh cần cải thiện hơn lúc nào hết. Có những vấn đề chúng ta không thể kiểm soát được như tổng cầu của thế giới, suy giảm kinh tế thế giới nhưng cái chúng ta có thể kiểm soát được là tổ chức thực thi chính sách giúp thúc đẩy sự hồi phục kinh tế, tạo điều kiện cho sự trở lại mạnh mẽ của các DN, nhà đầu tư" - ông Tuấn phân tích.
Chuyện tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn là vấn đề nan giải của cơ quan quản lý lẫn các ngân hàng thương mại. Ảnh: TẤN THẠNH
Đồng bộ các giải pháp
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay. Trong khi các nước vẫn đang thắt chặt tiền tệ thì chúng ta giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ.
"Đến nay, nhiều khoản nợ giãn, hoãn từ dịch COVID-19 chưa xong, chúng ta lại tiếp tục giãn, hoãn cho nhiều khoản nợ khác. Tuy vậy, nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Nhưng nếu "tháo" điều kiện tăng trưởng tín dụng thì nợ xấu tăng lên, khiến "cục máu đông" vừa mới tạm được xử lý sẽ quay lại. Khi nợ xấu tăng, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra ách tắc vốn cho nền kinh tế" - ông Tú băn khoăn.
Lãnh đạo NHNN cho rằng để giải quyết vấn đề này, cần phải tiếp tục có sự chung tay, đồng sức, đồng lòng, cần sự nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành và các chủ thể trong nền kinh tế để giúp khu vực DN phục hồi ổn định, tiếp tục phát triển.
Đề cập thêm về giải pháp, ông Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết chúng ta có thể sử dụng các giải pháp kích thích nhưng nguyên tắc là phải kịp thời và đúng đối tượng. Đồng thời, cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay (giảm chi phí vốn; tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán; kích thích tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản); sử dụng tín dụng thuế đầu tư ngắn hạn. Tuy nhiên, cần lưu ý kiểm soát tăng trưởng cung tiền ở mức vừa phải, không nên tăng quá 10% vì tỉ lệ cung tiền/GDP của Việt Nam đã ở mức khá cao; tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập.
Bên cạnh đó, theo ông Thế Anh, cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào những dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải. Ngoài ra, phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực; bổ sung, xây dựng các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Đây là chính sách lâu dài, hạn chế tác động phụ.
Bên cạnh đó, cần kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế hoặc giảm thuế suất thu nhập cá nhân; giảm thuế GTGT hàng thiết yếu nội địa… Ông Thế Anh cho rằng giải pháp này đạt hai mục tiêu an sinh xã hội và kích cầu hiệu quả. Đây vừa là chính sách tạm thời vừa lâu dài, ít tác động phụ.
Đẩy mạnh các gói hỗ trợ lãi suất
Ở góc độ cơ quan quản lý, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, cắt giảm những thủ tục và các loại phí không cần thiết, tăng cường chuyển đổi số để có dư địa giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, tăng cường hoạt động kết nối NH - DN bằng các hình thức phù hợp và triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN.
Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh giải ngân chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng đối với DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ và 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tích cực triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Bình luận (0)