Vay nóng, lãi suất cắt cổ
Trong vai một người cần gấp 500 triệu đồng để thanh toán tiền mua đất vì đã lỡ đặt tiền cọc, chúng tôi liên lạc với một “cò” tín dụng tên Đ., ngụ quận Tân Bình- TPHCM. Anh này cho biết: Nếu cần tiền gấp và vay chỉ 1-2 tháng thì vay bên ngoài (vay chợ đen) là đúng rồi, vì nếu vay ngân hàng (NH) mà trả trước hạn sẽ bị phạt, hơn nữa hiện nay muốn vay cũng không vay được. “Tôi cũng nói trước là lãi suất vay bên ngoài hơi cao, 5%/tháng (tính ra 60%/năm - PV)” - anh ta nói với vẻ dứt khoát. Tôi hỏi thăm về nguồn tiền mình được vay, anh ta lấp ngay: “Chị yên tâm, khi nào cần vay thì tôi sẽ đưa người đến tận nhà làm thủ tục”. Khi chúng tôi tỏ thái độ ngán vì lãi suất quá cao thì anh này “giặm” thêm: “Nhu cầu vay bây giờ nhiều lắm, nếu chị cần thì tính gấp để có tiền sớm”...
Cầm đồ lãi suất 72%/năm
Trong vai một người cần gấp 20 triệu đồng, chúng tôi mang chiếc xe Vespa trị giá hơn 70 triệu đồng đến một tiệm cầm đồ gần Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân - TPHCM). bà chủ tiệm cho biết nếu cầm xe đúng tên (giấy tờ xe cùng tên với người đi cầm) thì lãi suất là 1,2 triệu đồng/tháng, tương đương 6%/tháng và là 72%/năm (trong khi theo quy định lãi suất vay (bao gồm cả chi phí bảo quản, cất giữ hàng hóa, tài sản cầm cố), tối đa không quá 3%/tháng. Trường hợp cho vay dưới 10 ngày, lãi suất tối đa không quá 0,3%/ngày... Nhìn qua cửa hàng, chúng tôi thấy một chiếc xe máy đang treo bảng “bán xe”. Thấy tôi có vẻ băn khoăn, chủ tiệm nhanh nhảu nói đây là xe của khách nhờ thanh lý.
Khi tôi hỏi về nguy cơ “mất xe”, chủ tiệm cầm đồ cho biết nếu đến ngày đáo hạn mà chưa có tiền trả thì cũng có thể tự bán xe để trả nợ nhưng không được đem xe đi mà phải để lại cửa hàng và chủ tiệm sẽ là người tìm khách bán giùm... Dĩ nhiên lúc đó tài sản khách cầm cố sẽ bị ép bán giá “bèo” để trả nợ. |
Chủ một cơ sở sản xuất nước đá ở quận Gò Vấp - TPHCM kể: Anh vay của một NH thương mại số tiền 4,8 tỉ đồng. Đến ngày đáo hạn, do làm ăn khó khăn không có tiền trả NH nhưng cũng không muốn bị đánh dấu “nợ xấu” đành nhờ “cò” liên hệ chủ tiền để vay nóng. Anh vay 5,5 tỉ đồng, lãi suất 3,5%/tháng. Ra khỏi phòng công chứng, số tiền thực tế mà anh nhận được chỉ 4,8 tỉ đồng sau khi trừ lãi trả trước 3 tháng và phí dịch vụ môi giới.
Mất nhà như chơi!
Vay nóng với lãi suất cắt cổ, rủi ro cao nhưng không ít người vẫn phải cắn răng vay, thậm chí có người còn ngậm ngùi bán nhà giá rẻ vì không trả được lãi vay hằng tháng và nợ gốc. Có trường hợp, sau 3 tháng không trả được lãi vay, khách túng quẫn đành đi tìm... chủ tiền khác để đắp qua trả số nợ cũ. Trường hợp này dân trong nghề gọi là “đá hồ sơ”. Và chính kiểu “giật gấu vá vai” đã khiến lãi mẹ đẻ lãi con, hậu quả là có người đã phải mất nhà sau khi không trả được nợ vay.
Một người quen của người viết, ngụ đường Quang Trung, quận Gò Vấp-TPHCM, buồn bã kể về chuyện mất ngôi nhà trị giá gần 3 tỉ đồng của mình cũng vì vay vốn “chợ đen” để đáo hạn NH. Khoảng hai năm trước, cơ sở sản xuất hàng thủ công của ông làm ăn thất bại, để có 1,8 tỉ đồng đáo hạn NH, ông đã tìm đến “cò” nhờ vay tổng cộng 2,3 tỉ đồng. Trong đó, phải trả trước 3 tháng lãi suất (3,5%/tháng) và chi phí cho “cò” hết 500 triệu đồng. Tuy vậy, khi làm thủ tục vay, ông cũng phải bấm bụng làm “hợp đồng bán nhà”. Ba tháng sau, do không xoay được tiền trả nợ, đành kêu bán rẻ ngôi nhà với giá 2,5 tỉ đồng, trả cho chủ nợ xong, ông chỉ còn 200 triệu đồng...
Tôi thắc mắc: Nếu đến hạn mà chưa có tiền trả thì sao?, M. nói: “Chị yên tâm, hai bên sẽ thương lượng nhưng nếu mà lâu quá chị không có khả năng trả thì đành phải thanh lý theo hợp đồng”. Điều này nghĩa là khi không trả được nợ, người vay sẽ mất nhà theo hợp đồng đã ghi.
Bình luận (0)