Ngày 8-1, tại ấp Bình Đức, xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, Công ty TNHH MTV Nuôi trồng Thủy sản Nam Việt Bình Phú (thuộc Tập đoàn Nam Việt) tổ chức lễ khởi công dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Bình Phú (thuộc khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản). Lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản và Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang cùng tham dự. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2020.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cùng lãnh đạo địa phương thực hiện nghi thức tại lễ khởi công dự án
Theo đó, dự án có quy mô 600 ha với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 4.000 tỉ đồng, được chia làm 2 khu chức năng như khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao (150 ha) và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản, nuôi cá tra thương phẩm (450 ha).
Dự kiến, mỗi năm khu sản xuất cá tra giống sẽ cho ra đời khoảng 360 triệu con giống chất lượng cao phục vụ cho vùng nuôi của Tập đoàn Nam Việt và phần dư cung cấp cho các hộ nuôi hoặc các doanh nghiệp có nhu cầu. Riêng khu vực nuôi cá tra thương phẩm sẽ cung cấp cho nhà máy chế biến xuất khẩu khoảng 200.000 tấn/năm.
Để đảm bảo vấn đề về môi trường xung quanh dự án, Tập đoàn Nam Việt đầu tư trang thiết bị theo hướng hiện đại, đồng bộ và chuyên sâu mang tầm cỡ khu vực. Cụ thể, công ty sử dụng công nghệ sục khí nano và chất xúc tác bakture (2 phát minh của Nhật Bản) để xử lý trong ao nuôi trước khi xả thải ra môi trường.
Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Việt, cho biết mục tiêu của dự án là hướng đến hoàn thành chuỗi giá trị khép kín mang tính bền vững của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp tự chủ được 100% nguồn con giống cũng như cá tra nguyên liệu dùng cho chế biến xuất khẩu, tăng thị phần sản phẩm file tại các thị trường nhập khẩu cá tra trên thế giới. Qua đó, góp phần hạ thấp chi phí sản xuất để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
"Chúng tôi đã có ý tưởng hình thành dự án này tháng 10-2017 nhưng trong quá trình thực hiện cũng đã gặp không ít khó khăn. Cái khó của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam bấy lâu nay vẫn là thiếu nguồn nguyên liệu do chưa đầu tư vùng nuôi tập trung quy mô lớn, công nghệ chế biến chưa cao nên rất khó cho đầu ra của sản phẩm. Tất cả các công nghệ cao trên thế giới đều được áp dụng vào đây nên chúng tôi xem như điều kiện "mưa thuận gió hòa" để quyết định triển khai dự án. Có khoảng từ 400 đến 600 người dân tại địa phương sẽ không còn phải đi Bình Dương, Đồng Nai hay TP HCM mưu sinh nữa khi được công ty nhận vào làm và trả mức lương không dưới 5 triệu đồng/tháng"- ông Tới khẳng định.
Hàng trăm nông dân vui vẻ nhường đất ruộng cho doanh nghiệp triển khai dự vì được bồi thường với giá khá cao
Phát biểu tại buổi lễ khởi công, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết cá tra Việt Nam hiện vẫn đứng trước nhiều thách thức do cạnh tranh thương mại tại các thị trường xuất khẩu, hàng rào kỹ thuật cũng như xung đột giữa các quốc gia. Hơn nữa, biến đổi khí hậu là tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt hơn cũng gây khó khăn cho nghề nuôi và chế biến thủy sản, trong đó có mặt hàng chủ lực của quốc gia là con cá tra. Do đó, việc Tập đoàn Nam Việt đầu tư công nghệ hiện đại để có được nguồn con giống tốt và đủ nguồn cá nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu là xu thế tất yếu mang tính bền vững. Qua đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị tỉnh An Giang nên tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp có hướng đầu tư tương tự trong thời gian tới để góp phần khẳng định thương hiệu cá tra Việt Nam.
Bình luận (0)