Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết liên tục từ đầu tháng 3 đến nay, có tới 4 tàu biển quốc tế đến Việt Nam, mang theo hơn 4.200 du khách đa quốc tịch. Đây là kỷ lục mới trong năm 2023 về mật độ tàu biển cập cảng Việt Nam, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của mảng du lịch quốc tế và du lịch tàu biển.
Tín hiệu lạc quan
Cụ thể, Lữ hành Saigontourist đã đón 300 khách quốc tịch Anh, Mỹ, Đức, Úc của tàu Azamara Quest; 400 khách quốc tịch Đức trên tàu biển Europa 2 và 1.500 du khách đa quốc tịch của tàu Resort World One. Gần nhất, vào ngày 6-3, tàu Mein Schiff 5 mang theo 2.000 khách quốc tịch Đức tham quan vịnh Hạ Long, Hải Phòng và Hà Nội…
Ngành du lịch có nhiều lợi thế để đón dòng khách hạng sang, chi tiêu cao Ảnh: BÌNH AN
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Lữ hành Saigontourist, cho biết từ nay tới hết quý I, công ty sẽ liên tục tiếp đón, phục vụ du khách đa quốc tịch từ hàng loạt tàu biển của nhiều hãng khác đến trải nghiệm danh lam thắng cảnh, lịch sử, văn hóa, đời sống, ẩm thực Việt Nam.
TP HCM là địa phương được hầu hết các tàu biển quốc tế chọn dừng chân trên hành trình khám phá du lịch. Sở Du lịch TP HCM cho biết thành phố xác định du lịch tàu biển sẽ là loại hình du lịch tiềm năng trong tương lai và thu hút lượng khách quốc tế lớn, bởi đây là phân khúc có doanh thu cao, khách chi tiêu nhiều, đòi hỏi năng lực phục vụ, chất lượng sản phẩm rất cao mới đáp ứng được nhu cầu của dòng khách này. Hiện TP HCM đã trở thành điểm đến quen thuộc và hấp dẫn trong hành trình của các hãng tàu biển quốc tế lớn như Royal Caribbean Cruise Line, Princess Cruises, Costa Cruises, Viking Cruises…
Ông Phạm Hà, nhà sáng lập và Chủ tịch HĐQT Lux Group, nhận định du lịch Việt Nam có tiềm năng và cần xây dựng sản phẩm tốt để thu hút và giữ chân du khách, đặc biệt là đối tượng khách cao cấp. Đối tượng khách hàng này không nhiều nhưng có khả năng chi trả lớn, họ ít quan tâm đến giá cả mà chú trọng nhiều về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, những gì họ được trải nghiệm. "Đây cũng là phân khúc khách mà tour du thuyền đang hướng tới. Hiện việc nhập khẩu du thuyền hiện nay khá dễ dàng nên du khách có rất nhiều sự lựa chọn. Phần đông có xu hướng lựa chọn những du thuyền mới và đẹp nhưng cần cung cấp thêm dịch vụ với những trải nghiệm văn hóa, lịch sử, tạo nên sự khác biệt và độc đáo để giữ chân khách cao cấp" - ông Hà nói.
Thay đổi tư duy "điểm đến giá rẻ"
Chia sẻ tại hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" của Báo Thanh Niên ngày 10-3, bà Trần Nguyện - Phó Tổng Giám đốc Khối Sun World, Tập đoàn Sun Group - kể câu chuyện khi đi xúc tiến, quảng bá du lịch ở một số địa phương của Trung Quốc gần đây và thấy rằng du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh để thu hút khách Trung Quốc chi tiêu "đáng đồng tiền bát gạo" chứ không phải là "điểm đến giá rẻ" như trước.
Do đó, theo bà Nguyện, người làm du lịch cần thay đổi tư duy để đón khách phân khúc trung - cao cấp, khách hạng sang từ Trung Quốc, đặc biệt là khi nước này chính thức đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn sau ngày 15-3. "Trước dịch COVID-19, khách Trung Quốc đến Việt Nam theo tour giá rẻ, tour 0 đồng chiếm tỉ lệ không nhỏ nên nhiều người nghĩ họ không có khả năng chi trả. Nhưng khi chúng tôi làm việc ở Quảng Châu, Thượng Hải và các tỉnh lân cận, khảo sát các khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch của nước họ rồi so sánh với Việt Nam mới thấy cảnh quan du lịch nước ta đẹp, giá cả hợp lý và hoàn toàn có thể cạnh tranh được, tại sao lại định vị tour giá rẻ? Phải chăng một số doanh nghiệp du lịch đang tự "dìm hàng" mình là "điểm đến giá rẻ" và tư duy này cần phải thay đổi để tăng lợi thế cạnh tranh, đón được khách hạng sang, khách chi tiêu cao của Trung Quốc" - bà Nguyện nói.
TS Justin Matthew Pang, giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn - Đại học RMIT Việt Nam, nhận định nhiều hệ thống khách sạn quốc tế như IHG, Marriott và Accor rất quan tâm đến thị trường Việt Nam khi họ quyết định mở loạt khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp. Đây sẽ là một lợi thế lớn cho ngành du lịch, hướng đến đối tượng du khách đang tìm kiếm trải nghiệm chân thực, mộc mạc và gần gũi với thiên nhiên. "Việt Nam cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đạt chất lượng quốc tế như các nhà hàng đạt sao Michelin, trung tâm mua sắm và bán lẻ cao cấp, sân golf đẳng cấp thế giới và công viên giải trí... để thu hút nhóm khách cao cấp" - TS Justin Matthew Pang nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-3
Phải gỡ được rào cản visa
Để tạo đột phá cho ngành du lịch, các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị cần sớm thay đổi chính sách về visa, vốn đang là rào cản lớn nhất đến thời điểm hiện tại. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, phân tích Việt Nam dù quyết tâm mở cửa du lịch rất sớm nhưng hiện tại, sau 1 năm vẫn kiên trì chính sách visa khắt khe. "Chúng ta đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm nay, so với mục tiêu đón 20 triệu khách và vừa điều chỉnh lên 30 triệu khách của Thái Lan có quá tụt hậu? Chúng ta đã đánh giá hết thị trường khách chưa? Phải chăng chúng ta đang tự hạn chế mình, nếu vậy du lịch sẽ khó đột phá. Quốc hội đang gợi mở thông qua chính sách nâng thời gian lưu trú cho khách có visa lên 30 ngày (hiện tại là 15 ngày), vậy sao không nâng hẳn lên 90 ngày? Indonesia thậm chí đã cho phép người ngoại quốc lưu trú đến 2 năm nếu đủ điều kiện và đa phần là 90 - 180 ngày" - ông Kỳ nói.
Do đó, các chuyên gia kiến nghị cần sớm gỡ rào cản về visa theo hướng mở rộng thị trường được miễn visa, có thể mở ngang bằng Thái Lan; nâng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30 - 45 ngày, cho du khách vào ra nhiều lần; áp dụng e-visa thông thoáng, đơn giản, nhanh chóng...
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch, kiến nghị cần nghiên cứu miễn visa cho các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam du lịch và tham gia các sự kiện, du lịch đánh golf (dựa trên danh sách của các đơn vị tổ chức sự kiện MICE, golf); du khách và phi hành đoàn đến Việt Nam bằng chuyên cơ vì mục đích kinh doanh hoặc du lịch. Đây là những nhóm khách "sộp", những người siêu giàu nhằm góp phần tăng doanh thu cho du lịch và những ngành khác.
Bình luận (0)