Chương trình có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM; ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM; cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp, hiệp hội, ngân hàng thương mại…
Các đại biểu và khach mời tham dự tọa đàm "Kết nối doanh nghiệp du lịch và ngân hàng - Gỡ khó về vốn, chính sách".
Hơn 2 tuần qua, TP HCM không có ca nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng, đem lại niềm hy vọng cho ngành du lịch. Trong đó, các doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng sự phục hồi.
Trong bối cảnh này, các chính sách hỗ trợ từ nhà nước vẫn chưa tới tay được với doanh nghiệp du lịch, từ chính sách về vốn tín dụng, các gói hỗ trợ của ngân sách như gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trả lương đối với người lao động ngừng việc 16.000 tỉ đồng… hay mới đây, TP HCM thông tin về gói tín dụng 4.000 tỉ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có ngành du lịch.
Sáng nay 23-12, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Kết nối doanh nghiệp du lịch và ngân hàng - Gỡ khó về vốn, chính sách", với mong muốn góp tiếng nói, là diễn đàn để các doanh nghiệp du lịch chia sẻ những trăn trở, khó khăn; cầu nối để các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại gặp nhau, có thể đề xuất những chính sách, kiến nghị để doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.
Đề xuất các gói hỗ trợ khẩn cấp, các gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, để ngành du lịch sớm hồi phục trong thời gian tới, đúng với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Các đại biểu trao đổi trước giờ tọa đàm
Ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động, chia sẻ trong những giải pháp ứng phó của ngành du lịch với các hoạt động liên kết, các hoạt động kết nối du lịch, tăng cường du lịch nội địa… Và toạ đàm do Báo Người Lao Động tổ chức hôm nay là bước đi đầu tiên để cụ thể hoá những vấn đề được đặt ra, nhằm lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
"Vốn là một trong những khó khăn nhất của doanh nghiệp là làm sao để duy trì hoạt động khi dịch đi qua? Làm sao để giữ được những thương hiệu du lịch, để khi trở lại và phục hồi mạnh mẽ hơn. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Chúng tôi hy vọng và mong muốn những vấn đề đặt ra sẽ được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, các ngân hàng thương mại sẵn sàng vào cuộc, tìm giải pháp hợp lý…" – ông Tô Đình Tuân bày tỏ.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động, phát biểu tại tọa đàm
Ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch, dẫn thống kê của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) vừa công bố cho thấy đại dịch Covid-19 làm ngành du lịch toàn cầu giảm 1 tỉ lượt khách, thiệt hại khoảng 1.100 tỉ USD, khoảng 230-240 triệu người lao động mất việc làm và tác động đến GDP toàn cầu giảm khoảng 2%. Đây là những con số khủng khiếp và theo đáng giá của UNWTO phải đến quý III/2021 du khách mới tăng trở lại. Và nhanh nhất khoảng 3-4 năm, ngành du lịch thế giới mới hồi phục hoàn toàn.
Ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch, phát biểu
Đối với Việt Nam, ước đến hết năm 2020, ngành du lịch đón khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế (chủ yếu lượng khách đến trong tháng đầu năm), giảm tới 80% so với cùng kỳ. Khách nội địa ước đạt 55 triệu lượt, giảm 35% so với cùng kỳ, tổng thu từ khách du lịch năm 2020 ước đạt 320.200 tỉ đồng, giảm tới 54% so với năm ngoái…
Để hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến các chính sách về tài khoá, tiền tệ, ông Ngô Hoài Chung cho biết ngành du lịch sẽ tiếp tục kiến nghị xem xét có chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay ngân hàng, áp dụng đến tháng 12-2021 vì hiện nay các doanh nghiệp du lịch không phát sinh doanh thu nên không có khả năng trả lãi.
Các ngân hàng hiện nay mới áp dụng việc giảm lãi suất cho vay 1-2 điểm %, hoặc giãn, lùi thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thuộc diện được tái cơ cấu, chứ chưa có chính sách lùi thời gian trả lãi vay.
Ngành du lịch cũng kiến nghị tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ vay, khoanh nhóm nợ, khoanh trả lãi tiền vay, không tính vay quá hạn…
"Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ, kịp thời với doanh nghiệp đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời để khôi phục hoạt động kinh doanh (giảm giá điện trong các cơ sở lưu trú và giảm tiền thuê đất) – ông Ngô Hoài Chung nói.
Là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc, Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), đề xuất Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem ngành du lịch là một trong những ngành ưu tiên hàng đầu để được ưu tiên trong những gói hỗ trợ, nhất là những chủ trương, chính sách từ Chính phủ, các bộ ngành.
Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc, Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group)
Theo đó, ngành du lịch, doanh nghiệp và người lao động trong ngành cần được xem là những đối tượng ưu tiên hàng đầu trong các cơ chế hỗ trợ, chính sách của bộ, ban ngành, cơ quan, trong đó có tài chính, tín dụng.
"Chúng tôi cũng đã đề xuất cơ chế On/Off (Mở/Tắt) đồng bộ của ngành du lịch để làm sao giải quyết, có thể thực hiện mục tiêu kéo, vừa phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện tối đa cho ngành du lịch có thể khai thác tối đa các cơ hội phục hồi ngành du lịch. Cơ chế này cũng có tính đến các tác động ngành du lịch, trong đó, các chính sách về tài chính, ngân hàng cũng cần linh hoạt để ứng phó với diễn biến của tình hình dịch bệnh thời gian tới" – ông Võ Anh Tài đề xuất.
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Thành viên HĐQT Công ty Vietravel, mong nhà nước tiếp tục kiểm soát dịch tốt hơn để tránh những cú sốc tiếp theo cho doanh nghiệp, từ đó mới kỳ vọng ngành du lịch sớm phục hồi.
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Thành viên HĐQT Công ty Vietravel
Về chính sách về tài chính hiện nay, lãnh đạo Vietravel đề xuất cần có thêm những chính sách hỗ trợ về giảm, giãn thuế, đặc biệt là giảm thuế GTGT từ 10% xuống 5% để khuyến khích người dân đi du lịch. Năm 2002, nhà nước từng có chính sách giảm thuế GTGT xuống 5%, góp phần giảm giá tour từ đó khuyến khích, kích cầu người dân đi du lịch, doanh nghiệp cũng có doanh thu, có dòng tiền từ đó phục hồi nhanh hơn…
"Những năm qua, doanh nghiệp du lịch đã đóng thuế nhiều cho ngân sách nhà nước, nay trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn cũng cần sự chia sẻ từ nhà nước để doanh nghiệp du lịch vượt qua giai đoạn này. Hay với các ngân hàng, doanh nghiệp hiện không có dòng tiền, doanh thu, không còn tài sản thế chấp vì đã thế chấp rồi… nên có thể xin giãn thời gian trả lãi vay" – ông Nguyễn Minh Ngọc gợi ý.
Chia sẻ tại toạ đàm, nhiều doanh nghiệp cho biết do không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng, các chính sách hỗ trợ từ nhà nước nên nhiều doanh nghiệp lữ hành chủ yếu dùng vốn tự có, vì doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn này chưa cao.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour
Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, đặt câu hỏi diễn biến dịch và khó khăn hiện nay, không biết còn bao nhiêu doanh nghiệp cầm cự được đến giai đoạn này? Và khi phục hồi cũng cần nguồn vốn rất lớn cho giai đoạn sắp tới… Trong khi đó, việc tiếp cận các gói hỗ trợ từ ngân sách không hề dễ dàng vì doanh nghiệp đang lúng túng về tiêu chí, điều kiện, thủ tục, làm sao để vay?
"Để giải quyết bài toán này, tôi đề xuất các ngân hàng có thể dựa trên mức thuế, tiền thuế đóng góp, nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp trong những năm trước đây. Cụ thể, doanh nghiệp đó có lợi nhuận, bộ máy thế nào, nộp thuế bao nhiêu hoặc uy tín, độ lớn của thương hiệu… dựa trên số liệu này có thể xem xét để ngân hàng duyệt cho vay" – ông Trần Thế Dũng nói.
Một giải pháp nổi bật được lãnh đạo Lữ hành Fiditour đề xuất nhằm gỡ khó cho bài toán vốn của doanh nghiệp là có thể kết hợp triển khai các chương trình kích cầu thông qua các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, như mua tour trả góp 0% lãi suất; phát hành thẻ đồng thương hiệu để cùng nhau khai thác, phục vụ du khách…
Ông Trương Quang Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du thuyền Viet Princess, kể câu chuyện công ty ông làm lĩnh vực khá đặc thù, với du thuyền 5 sao trên sông Mê Kông. Trong đó, 4 tàu du lịch được đóng mới trị giá khoảng 200 tỉ đồng, sau khi khấu hao đến giờ còn khoảng 180 tỉ đồng.
"Thời điểm du lịch làm ăn tốt, doanh thu mỗi năm của công ty chảy qua tài khoản ngân hàng thương mại cả trăm tỉ đồng nhưng từ khi dịch, không ngân hàng nào dám cho chúng tôi vay, cũng không cho thế chấp bằng tàu du lịch này vì là ngành rủi ro cao" – ông Trương Quang Cường băn khoăn.
Ông Trương Quang Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du thuyền Viet Princess
Vì sao doanh nghiệp lữ hành khó tiếp cận vốn? Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Y tế Ecom med, phân tích lữ hành chỉ là đơn vị tổ chức tour tuyến, vốn lớn nhất là thương hiệu và con người, không có tài sản thế chấp nên rất khó để vay ngân hàng, vì họ không tin tưởng công ty lữ hành. Ngay các quỹ đầu tư, công ty tài chính cũng chỉ quan tâm rót vốn vào resort, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vận chuyển…,
"Nhưng nếu không có đơn vị tổ chức, khai thác tour để quảng bá du lịch thì khách quốc tế có vào Việt Nam, khách du lịch có đi tour trong nước? Lữ hành là một phần quan trọng trong chuỗi liên kết du lịch, vậy phía ngân hàng có nên xem xét hỗ trợ, nhà nước có chính sách bởi lữ hành mới hiểu khách hàng cần gì, mong muốn gì?" - ông Trần Văn Long bộc bạch.
Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Y tế Ecom med
Dưới tác động của dịch Covid-19, không chỉ doanh nghiệp du lịch, lữ hành mà các ngành kinh tế đều khó khăn, như bất động sản liên quan đến nghỉ dưỡng cũng khó khăn không ít.
Ông Nguyễn Minh Khang, thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư LDG, cho biết khi đại dịch xảy ra, là đơn vị có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng chuẩn bị triển khai nên doanh nghiệp rất lo lắng. Bên cạnh nỗ lực chống dịch, nhà nước và bản thân từng doanh nghiệp phải hành động, phải làm bằng mọi cách để tự vực dậy. Những doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động du lịch nghỉ dưỡng như LDG rất cần cơ chế, chính sách thông thoáng, cũng như dòng vốn để triển khai các sản phẩm, phục vụ khách du lịch nội địa và quốc tế.
"Với niềm tin mãnh liệt vào sự hồi phục của ngành du lịch, của nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 được dần kiểm soát. Năm 2021, LDG sẽ công bố và triển khai trong giai đoạn 5 năm tới 4 dự án bất động sản nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao, quy mô 200-500 ha trên cả nước, gồm Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ... Tại các khu du lịch này chúng tôi triển khai các dịch vụ cao cấp để thu hút khách nội địa tiêu dùng trong nước, đúng với tiêu chí của Chính phủ là "Người Việt Nam du lịch Việt Nam", chứ không để chảy máu ngoại tệ do chúng ta còn yếu các dịch vụ thương mại liên quan này" – ông Nguyễn Minh Khang tin tưởng.
Ông Nguyễn Minh Khang, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư LDG
Liên quan đến câu chuyện vốn của doanh nghiệp, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại có mặt tại toạ đàm cũng chia sẻ vấn đề này.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nhìn nhận các doanh nghiệp đang quá khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19. Ở góc độ ngân hàng thương mại, để chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp du lịch.
Từ đầu năm đến giờ, Sacombank cũng ra tung ra những gói khoảng 20.000 tỉ đồng, ưu đãi giảm tới 2%/năm lãi suất cho vay. Nhưng doanh nghiệp không có doanh thu thì giảm lãi suất hơn nữa cũng không giúp được. Chưa kể, ngân hàng cũng huy động để đi cho vay, nên cũng không thể giảm nhiều.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)
Liên quan đến câu chuyện vay vốn, ông Phan Đình Tuệ cho hay phần lớn các ngân hàng cho vay cần có tài sản thế chấp nhằm bảo đảm an toàn cho cả ngân hàng, chỉ một phần cho vay tín chấp nhưng phải quản lý được dòng tiền, nguồn thu.
"Đúng là ngân hàng quan tâm hơn đến doanh nghiệp về lưu trú, khách sạn, nhà hàng, vận tải, trong khi doanh nghiệp lữ hành khó hơn vì khó vay tín chấp. Nếu muốn vay tín chấp, doanh nghiệp phải thật sự uy tín, có quá trình đồng hành với ngân hàng vì khi đã đi chung với nhau lâu, mới hiểu, mới tin, mới dám cho vay tín chấp" - ông Phan Đình Tuệ giải thích.
Trước đề xuất của nhiều doanh nghiệp về việc cho công ty lữ hành được vay tín chấp nhằm giải bài toán vốn khi không có tài sản thế chấp, ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng giám đốc NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), nói vốn của ngân hàng cũng huy động từ khách hàng và được quản lý chặt chẽ, nên cần sử dụng hiệu quả. Bởi trong trường hợp nợ xấu gia tăng, sẽ liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, người ký cho vay.
ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng giám đốc NH TMCP Nam Á (Nam A Bank)
Ngay như câu chuyện của một doanh nghiệp chia sẻ về việc chiếc tàu du thuyền không thể thế chấp để vay vốn, lãnh đạo Nam A Bank giải thích, nếu cho vay mà dịch vẫn tiếp tục diễn ra, chưa biết khi nào đón khách trở lại cũng rất khó cho ngân hàng trong việc quản lý hiệu quả khoản nợ…
"Nếu Ngân hàng Nhà nước có chính sách khoanh những khoản nợ cũ, có giải pháp để hỗ trợ cho các công ty du lịch, giải pháp để giãn nợ hoặc chúng ta có phần nợ xấu được tách bạch… thì các ngân hàng mới mạnh dạn cho vay. Ngay cả vay tín chấp ở Việt Nam với khách hàng cá nhân thì dễ nhưng với khách hàng doanh nghiệp thì quy định hiện nay chưa rõ ràng về trách nhiệm của công ty, ông chủ công ty nên ngân hàng cũng không dám đẩy mạnh" – ông Hoàng Việt Cường giải thích.
Bình luận (0)