xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TỌA ĐÀM “TÌM GIẢI PHÁP TIÊU THỤ NÔNG SẢN: TRƯỚC MẮT VÀ LÂU DÀI”: Phát triển tam giác nhà nước - thị trường - xã hội

Thanh Nhân

Ngành nông nghiệp sẽ khó phát triển nếu nông dân vẫn mang tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ và chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Chỉ khi đẩy mạnh liên kết, phát triển tam giác nhà nước - thị trường - xã hội thì ngành nông nghiệp mới bớt rủi ro

Tọa đàm "Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản: Trước mắt và lâu dài" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 4-9 đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), chính quyền địa phương, giới chuyên gia, doanh nghiệp (DN).

Đồng lòng vượt khó

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn kiểm soát được nhưng còn nhiều khó khăn. Trong khi các hợp tác xã, tổ hợp tác có điều kiện tiêu thụ sản phẩm thì nông dân không bán được hàng, chi phí sản xuất tăng gấp 3-4 lần. Trái thanh long chủ lực của tỉnh cũng đang gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Còn ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đánh giá tình hình sản xuất, phân phối, lưu thông nông sản của Cần Thơ gặp rất nhiều khó khăn, 95% DN tại TP đã đóng cửa. Từ thực trạng khó khăn trong tiêu thụ nông sản, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đề nghị nên có gói hỗ trợ tài chính cho DN thủy sản. Ông Trường cũng đề nghị Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT nghiên cứu tổ chức bố trí trung tâm logistics của ĐBSCL đặt tại Cần Thơ để hỗ trợ kết nối cho nông dân, DN và giữ cho chuỗi cung ứng - sản xuất không đứt gãy, duy trì hoạt động của DN và bảo đảm đời sống người dân.

TỌA ĐÀM “TÌM GIẢI PHÁP TIÊU THỤ NÔNG SẢN: TRƯỚC MẮT VÀ LÂU DÀI”: Phát triển tam giác nhà nước - thị trường - xã hội - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm “Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản: Trước mắt và lâu dài” Ảnh: VĂN HÙNG

Ở góc độ DN, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, nhìn nhận chưa bao giờ các DN trải qua nhiều khó khăn như hiện nay. Khó khăn lớn nhất không chỉ là đứt gãy chuỗi cung ứng mà khi sản xuất "3 tại chỗ" thì cũng chỉ có 30%-40% DN sản xuất, dẫn đến lượng tiêu thụ đầu ra (chủ yếu cung ứng cho TP HCM) của các tỉnh cũng bị ảnh hưởng.

Theo bà Chi, trước những khó khăn này, tất cả DN đều đồng lòng, cố gắng "chạy" hết công suất và nỗ lực giữ giá. "Chúng tôi được sự giúp đỡ của Tổ công tác 970 trong việc kết nối DN với từng hợp tác xã ở địa phương. Dù việc kết nối mua hàng trực tiếp từ vùng nguyên liệu cũng gây nên một số trở ngại so với việc mua hàng từ hệ thống thương lái trước đây nhưng đây là giải pháp thay thế trong tình huống dịch" - bà Chi nói.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, kể lại câu chuyện ngay trong tối của ngày đầu tiên tỉnh Bạc Liêu siết chặt việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, xe chở hàng của công ty về tới tỉnh này phải dừng lại. Sau đó, nhờ có sự can thiệp kịp thời của Tổ công tác 970 thì mọi việc được giải quyết. Xe của lực lượng quân đội còn dẫn đường cho xe của công ty vào vùng nguyên liệu thu hoạch. Theo ông Tùng, sự nỗ lực của DN cùng sự hỗ trợ của bộ, ngành địa phương trong thời gian qua đã giúp DN duy trì hoạt động và xuất khẩu đều đặn.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu, thì cho rằng cái lợi lớn nhất DN thu được trong đợt dịch này là việc kết giữa DN và nông dân đã chặt chẽ hơn, nông dân chủ động hợp tác hơn. Trong khó khăn càng thấy rõ giá trị của việc liên kết, hợp tác.

Tìm đối tượng canh tác ít bị ảnh hưởng

Ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, khẳng định ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ngân hàng này đã "bơm" vốn cho nhiều DN thu mua lúa gạo, giảm lãi vay cho nông dân và DN ảnh hưởng do dịch Covid-19, đồng thời cơ cấu lại nợ. Cũng theo ông Huy, trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nông nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng bơm vốn cho ĐBSCL trong vụ mua lúa gạo và các ngân hàng đang triển khai. Đây là chỉ đạo rất kịp thời nhằm khai thông thế bế tắc cho tiêu thụ nông sản.

Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, kiến nghị nhiều giải pháp, trong đó có việc chính quyền địa phương và nông dân nên tìm đối tượng canh tác (cây trồng, vật nuôi) ít bị ảnh hưởng bởi điều kiện khách quan để giảm thiểu rủi ro. Cây mắc ca có thể là một lựa chọn bởi đầu ra lớn và việc chế biến, vận chuyển dễ.

TỌA ĐÀM “TÌM GIẢI PHÁP TIÊU THỤ NÔNG SẢN: TRƯỚC MẮT VÀ LÂU DÀI”: Phát triển tam giác nhà nước - thị trường - xã hội - Ảnh 2.

Việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác sẽ góp phần hạn chế đứt gãy trong sản xuất, tiêu thụ, cung ứng nông sản Ảnh: NGỌC TRINH

Trong khi đó, theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, thành viên Tổ công tác 970 - hiện có quá nhiều vướng mắc phát sinh khi 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện Chỉ thị 16. Trong đó có phần nguyên nhân do sự liên kết lỏng lẻo trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Cùng quan điểm này, bà Lý Kim Chi chỉ ra sự gắn kết rời rạc giữa các đơn vị sản xuất, thu mua với nông dân và hợp tác xã và cần có giải pháp căn cơ. "Chúng tôi xin cơ chế lãi suất và thời gian để DN có thể mạnh dạn đầu tư một kho lạnh quốc gia nhằm giải quyết câu chuyện dự trữ hàng hóa nông sản, giảm thiểu tổn thất do những biến cố bất ngờ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng" - bà Chi nêu.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao nỗ lực của các địa phương, DN trong thời gian qua, đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong tiêu thụ nông sản do tư duy cắt khúc trong quản lý. Theo ông Hoan, phải khắc phục tư duy này thì ngành nông nghiệp mới có thể giảm thiểu được các rủi ro, bất trắc. "Nông nghiệp Việt Nam sẽ khó phát triển nếu nông dân vẫn mang tư duy mùa vụ, DN tư duy thương vụ và chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Cả DN, nông dân lẫn ngành NN-PTNT phải thay đổi. Khi nào tam giác phát triển là nhà nước - thị trường - xã hội có 3 đỉnh hội tụ vào nhau, khoảng giao thoa càng lớn thì ngành nông nghiệp mới bớt rủi ro" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ NN-PTNT đã giao Tổ công tác 970 hình thành các ngành hàng đúng nghĩa để dần kết nối các hiệp hội, hợp tác xã, nông dân. "Dịch Covid-19 là dịp để thử thách tư duy liên kết vùng của 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Bộ NN-PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ có nghị quyết về ĐBSCL, trong đó nhấn mạnh tính liên kết vùng" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT LÊ MINH HOAN:

Xây dựng chiến lược dài hạn cho ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ đề án sắp xếp lại hệ sinh thái từng ngành hàng. Mục tiêu là làm cho hệ sinh thái vùng ĐBSCL không còn bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Hệ sinh thái bao gồm nông dân, DN, chuyên gia, cơ quan quản lý ngành, cơ quan quản lý sản xuất, cơ quan quản lý lưu thông... cùng phối hợp để tạo ra sự bền vững cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Bộ đã giao Tổ công tác 970 làm nhiệm vụ giúp đưa nông sản về TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Bên cạnh đó, hướng dẫn nông dân chuẩn bị mùa vụ, xây dựng chiến lược dài hạn cho ĐBSCL theo tư duy thị trường và không gian phát triển chung.

Tôi cũng đề nghị DN dành thời gian đánh giá lại DN, cơ cấu lại thị trường, nền tảng DN và các yếu tố khác để khi dịch bệnh được kiểm soát thì DN tiếp cận thị trường tốt nhất. Nếu nhìn thấu đáo hệ thống phân phối, luân chuyển hàng hóa trong chuỗi cung ứng đứt gãy từ khâu thương lái, tại sao DN không nghĩ đến việc hợp tác với thương lái, cho họ mua cổ phần, định vị rõ ràng sứ mạng của họ. Ngành ngân hàng cũng cần có sự thấu cảm, chia sẻ với bà con nông dân.

Ông NGUYỄN ANH ĐỨC, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op:

Chọn thực hiện trách nhiệm với xã hội

Với thị phần thấp (tại TP HCM là 28%; các tỉnh, thành là 16%), các DN phân phối hiện đại không thể hấp thu được hết các nguồn nguyên liệu. Trong khi đó, các kênh khác hình thành không kịp dẫn đến nguồn nguyên liệu chưa thể trực tiếp đến với người tiêu dùng, gây nên tình trạng dư thừa, ế ẩm nông sản tại một số nơi. Saigon Co.op đã tăng sản lượng nông sản, thủy hải sản gấp 7 lần bình thường, cao điểm tăng gấp 9 lần nhưng không thể hấp thu hết nguồn nông sản từ các địa phương.

Trong lúc này đang có sự đấu tranh giữa cung cầu thị trường và trách nhiệm xã hội. Ngành nông sản là ngành hàng thu hút, chi phí vận hành rất cao, lãi gộp thấp nhưng đang chiếm đến 90% doanh thu hệ thống, vì vậy càng kinh doanh mặt hàng này thì DN càng không có lợi nhuận. Saigon Co.op đã chọn thực hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng nên sản phẩm vẫn bảo đảm chất lượng, giá cả bình ổn, góp phần ổn định thị trường và san sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Ông LÊ THANH TÙNG - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, thành viên Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT:

Phải có sự chuẩn bị tốt hơn

Vừa qua, chúng ta đang giải quyết những vấn đề ách tắc trong dịch Covid-19, không chỉ Bộ NN-PTNT mà nhiều DN đều nỗ lực.

Sắp tới, chúng ta phải thống nhất việc chuẩn bị nông sản tốt hơn, phải biết 3-5 năm tới chúng ta có những sản phẩm gì, có thị trường tiêu thụ hay chưa... Quản lý vùng trồng thì cơ quan nhà nước phải thực hiện theo Luật Trồng trọt và khi đã hình thành quản lý vùng trồng thì quản trị vùng trồng đòi hỏi hợp tác xã, nông dân phải đáp ứng các quy định để bảo đảm đi đến kết quả.

Phương An ghi

Báo Người Lao Động làm cầu nối đặt hàng "combo" nông sản

Kết thúc buổi tọa đàm, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, tóm tắt 8 vấn đề chính nổi bật trong buổi làm việc. Theo ông Tô Đình Tuân, với góc nhìn, tư duy "không ngồi yên than khóc" mà "mạnh mẽ xông pha", biến nguy thành cơ, chuyển hóa thách thức thành cơ hội, trong tương lai, chúng ta có thể không chỉ giải quyết được vấn đề đứt gãy chuỗi cung - cầu trong sản xuất và cung cấp nông sản, thủy hải sản mà còn có thể thay đổi, xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến, trong đó người nông dân truyền thống sẽ trở thành người nông dân hiện đại với khả năng ứng dụng công nghệ cao để đưa sản phẩm do mình làm ra đến với người tiêu dùng trong nước và cả thị trường quốc tế.

Song song đó, ông Tô Đình Tuân cho biết đã đề nghị và được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thống nhất: Báo Người Lao Động sẽ mở kênh kết nối trên phiên bản báo điện tử để nhận đơn đặt hàng từ bạn đọc và chuyển cho Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT triển khai. Cụ thể, Báo Người Lao Động sẽ tập hợp tất cả thông tin bà con yêu cầu và chuyển cho Tổ công tác 970 để tổ này cung ứng hàng hóa và thu tiền. Như vậy, đây sẽ là một trong những "đại lộ" góp phần giúp hàng hóa nông sản từ nông dân đến người tiêu thụ thuận tiện nhất, dễ dàng nhất.

Cảm ơn Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC), Công ty CP Tập đoàn Masan và Tổng Công ty CP Đất Xanh Miền Tây đã tài trợ, đồng hành với chương trình tọa đàm.
TỌA ĐÀM “TÌM GIẢI PHÁP TIÊU THỤ NÔNG SẢN: TRƯỚC MẮT VÀ LÂU DÀI”: Phát triển tam giác nhà nước - thị trường - xã hội - Ảnh 6.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo