Thời gian gần đây, tại TPHCM, cua, tôm càng, tôm hùm… la liệt “xuống đường” với giá rẻ bằng 1/2, 1/3 giá bán tại các vựa và siêu thị. Nhiều người tiêu dùng thấy giá rẻ, mua về mới phát hiện chất lượng những đặc sản này rất kém.
Tôm hùm, cua… đại hạ giá
Khoảng 2 tuần trước, gần khu vực Rạch Chiếc thuộc địa bàn quận 2, quận 9 (TPHCM) có hơn chục chiếc xe tải nhẹ và xe ba gác bán tôm hùm chết với giá 100.000 đồng - 110.000 đồng/kg. Gần đây, cơ quan chức năng lo ngại tôm kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nên không cho bán. Mặc dù vậy, cách vài ngày, những xe bán tôm này lại tiếp tục đến đây bán tôm hùm.
Tại một điểm bán tôm hùm trên đường Võ Thị Sáu, quận 3 - TPHCM, những con tôm hùm to được người bán ràng dây chằng chịt bán với giá 120.000/kg. Chúng tôi yêu cầu tháo dây ra để xem tôm còn tươi không thì người bán nhất quyết không chịu vì sợ bị lộ hàng tróc vỏ, gãy càng, rớt râu. Chúng tôi ấn vào mình tôm thấy nó mềm nhũn.
Ông Nguyễn Văn Thành, một người có nhiều năm kinh doanh thủy hải sản tại quận 1 - TPHCM, cho biết: Dân trong nghề không bao giờ mua tôm hùm bán lề đường vì không biết họ ướp chất bảo quản gì mà suốt ngày tôm vẫn tươi. Đã vậy, tôm còn bị bơm nước (1 kg tôm bị bơm khoảng 200 g nước).
Không “sốc” như tôm hùm, tại khu vực đường Bắc Hải, quận 10 có cả chục điểm bán nghêu, sò, ốc, hàu, ba ba, cua biển, ghẹ... Cua biển được bán với giá 120.000 đồng - 150.000 đồng/kg; ghẹ chết 120.000 đồng/kg; hàu 30.000 đồng/kg... Chị Bảy, một người dân ở quận Gò Vấp - TPHCM, mua 2 kg cua bán ở lề đường giá 130.000 đồng/kg, bức xúc: Đã cẩn thận chọn từng con kỹ càng nhưng khi luộc lên thì chỉ còn... vỏ và nước.
Chất lượng rất “bèo”
Ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TPHCM, cho biết cách đây khoảng 3 tháng, khi có thông tin tôm hùm chết ở khu vực miền Trung bày bán trên nhiều tuyến đường ở TPHCM, chi cục đã lấy mẫu xét nghiệm để cảnh báo cho người tiêu dùng. Chi cục cũng đã liên hệ với Cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Khánh Hòa - nơi có nhiều người nuôi tôm hùm, để phối hợp quản lý, giám sát. Theo địa phương này, tôm chết là do sốc nước nhưng không có ai mua nên nhiều người mang vào TPHCM bán.
Theo giới thương lái, hiện tôm hùm ở Nha Trang, Bình Thuận đang rớt giá thê thảm vì không có đầu ra, phải bán tháo cho các thương lái đưa về TPHCM và một số tỉnh tiêu thụ. Tuy nhiên, đó là tôm sống, chủ yếu bán vào các nhà hàng, quán ăn. Còn các loại tôm bán trên xe đẩy, xe tải dọc các tuyến đường đều là tôm chết do bệnh hoặc do sốc nước. Đáng ngại là những loại tôm này được ngâm formaldehyde để giữ tươi lâu.
Ông Ba Ngọc, một người chuyên cung cấp tôm, cua cho các công ty chế biến thủy hải sản xuất khẩu, cho biết: Phần lớn cua được nuôi ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Sau khi đã lựa, cua loại 1 được xuất khẩu hoặc cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn; cua loại thường bán cho các siêu thị. Hàng “dạt” được đẩy ra bán ở lề đường.
Theo bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam - Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, tôm chết lâu ngày nếu bảo quản không tốt dễ nhiễm nhiều loại vi khuẩn cũng như độc tố; ăn vào dễ bị ngộ độc. |
Bình luận (0)