UBND huyện Vạn Ninh cho biết đang ghi nhận các thiệt hại về tôm hùm, cá bớp chết trên địa bàn, báo cáo lên cơ quan chuyên môn để có hướng xử lý giảm thiệt hại cho bà con.
Mỗi ngày mất vài chục triệu đồng
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, hiện toàn huyện có khoảng 9.800 ô lồng nuôi tôm hùm, tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Vạn Thạnh, Vạn Hưng, Vạn Giã... Tỉ lệ hao hụt do các loại bệnh trong quá trình nuôi tôm hùm thời gian qua khá cao.
Hàng ngàn lồng bè nuôi tôm hùm ở Vạn Ninh đã ghi nhận tình trạng tôm chết
Ông Trần Hiệp, một người nuôi tôm tại Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, cho biết chỉ khoảng hai tuần quam gia đình đã mất gần 300 con tôm, tổng thiệt hại gần 200 triệu đồng. Tôm hùm vào đúng kích cỡ mới có giá trên 1,5 triệu đồng/kg nhưng tôm chết chỉ bán được khoảng 300.000 đồng/kg gọi là vớt vát.
Theo ông Hiệp, tôm chết nhưng người nuôi đều không rõ vì sao. Chỉ thấy tôm bỏ ăn, các đốt ở phần bụng tôm chuyển từ màu trắng trong sang màu trắng đục; một số khác thì bị đen ở phần mang khiến tôm chết.
Tôm hùm chết khiến các hộ nuôi thiệt hại hàng tỉ đồng.
Toàn bộ 3.200 lồng nuôi của 400 hộ nuôi tôm hùm lồng ở Vạn Thạnh đều chung cảnh ngộ. Những người đầu tư càng lớn thì thiệt hại càng cao, như trường hợp ông Trương Văn Việt đầu tư trên 10.000 con tôm hùm, đến nay đã mất khoảng 4 tỉ đồng. Hay hộ ông Lê Văn Nam thả 8.000 tôm nhưng phải bán non hơn 4.000 con với trọng lượng khoảng 0,7 kg/con vì dịch bệnh đã khiến tôm chết gần một nửa, chấp nhận lỗ hơn 1 tỉ đồng.
Không chỉ tôm hùm, từ ngày 24-10, cá bớp ở khu vực này cũng chết đồng loạt. Hội Nông dân xã Vạn Thạnh cho biết chỉ sau vài giờ, đã có khoảng 10.000 con cá bớp của người dân nuôi trong lồng bè bị lờ đờ, chết trắng bụng.
Anh Nguyễn Văn Toàn (Vạn Thạnh) cho biết 300 con cá bớp đang phát triển tốt chưa đến thời gian xuất bán nhưng chỉ trong buổi sáng đã có 250 con bị lờ đờ nên phải bán gấp. Nhiều gia đình khác, cá chết hàng loạt, trắng bè. Giá cá lao dốc từ 140.000 đồng/kg xuống còn khoảng 80.000 đồng/kg.
Đã có khoảng 10.000 con cá bớp của người dân nuôi trong lồng bè bị lờ đờ, chết trắng bụng.
Nuôi dày, ô nhiễm
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, cho biết ngay sau khi có thông tin, phòng đã phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, Trạm Thủy sản và UBND xã Vạn Thạnh thu thập thông tin dịch tễ, lấy mẫu nước và cá. Cá bớp có dấu hiệu lờ đờ, bơi chậm và phản xạ kém, nhiều ô lồng có cá chết dưới đáy.
Thông tin ban đầu, theo tiêu chuẩn thì mỗi lồng chỉ thả 100 con/lồng nhưng người nuôi thả đến 200 con/lồng. Qua xét nghiệm mẫu, nhận định ban đầu về nguyên nhân cá chết là do thiếu oxy. Độ thông thoáng giữa các ô lồng kém, lại gần khu vực tàu thuyền neo đậu và gần bờ. Phòng Kinh tế khuyến cáo người dân nên san thưa lồng, kéo giãn bè nuôi ra vùng nước thông thoáng, nuôi dày thì phải có bình sục khí oxy đảm bảo cho cá phát triển.
Ngư dân xếp tôm hùm vào thùng để bán cho thương lái
Nuôi tôm hùm là lĩnh vực kinh tế quan trọng của huyện nên việc khảo sát được tiến hành khá kỹ càng. Theo Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, qua khảo sát các vùng nuôi trong huyện đang có hiện tượng tôm chết rải rác, tỉ lệ hao hụt khá cao, từ 20% - 30%. Nguyên nhân có thể do môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, chất lượng thức ăn cho tôm không đảm bảo, mật độ nuôi dày đã khiến các loại bệnh lây lan.
Tôm hùm chết liên tục được xác định vì bệnh sữa, đỏ thân và thiếu oxy
Mới đây, Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung đã phân tích 7 mẫu và nhận định đa số tôm hùm nuôi bị nhiễm bệnh sữa, sau đó là đỏ thân, đen mang. Ngoài việc xuất hiện các tác nhân gây bệnh trên tôm, một số chỉ tiêu môi trường tại các vùng nuôi tôm hùm ở Vạn Ninh vượt giới hạn cho phép như: oxy hòa tan trong nước thấp, mật độ vi khuẩn Vibrio cao…
Trung tâm khuyến cáo người dân vệ sinh lồng nuôi, tránh để hàu hà, rong rêu bám làm bịt lỗ lưới; giãn cách lồng nuôi, không đặt lồng nuôi quá gần bờ. Cần thả nuôi tôm hùm với mật độ hợp lý; quản lý và điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm hùm, không để thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Để phòng và trị bệnh cho tôm hùm cần bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất vào thức ăn cho tôm hùm nuôi; kịp thời phát hiện, tách những cá thể yếu ra khỏi đàn để điều trị kịp thời, tránh lây lan…
Bình luận (0)