Chiều 15-8, tại Hội nghị tổng kết đánh giá chương trình kích cầu đầu tư của TP HCM theo Quyết định 50/2015/QĐ-UBND (gọi tắt là Quyết định 50) ngày 20-10-2015, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, kiến nghị UBND TP xây dựng nghị quyết về chương trình kích cầu đầu tư của TP làm cơ sở điều chỉnh, thay thế Quyết định 50 nhằm phù hợp với tình hình thực tế của các dự án và xu hướng phát triển kinh tế TP. Đồng thời, bổ sung đối tượng là các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, bổ sung danh mục các dự án sử dụng vốn ngân sách có khả năng chuyển đổi sang các hình thức tham gia chương trình kích cầu đầu tư đặc biệt là các dự án có tổng mức đầu tư lớn và có khả năng mang lại nguồn thu. Bên cạnh đó, đề xuất cho phép nâng số vốn vay được hỗ trợ lãi suất của 1 dự án từ 100 tỉ đồng lên 200 tỉ đồng.
Theo ông Trần Anh Tuấn, chương trình là cơ sở quan trọng để DN lựa chọn phương án đầu tư hiệu quả. Thông qua chương trình, nhiều dự án đầu tư đổi mới, áp dụng khoa hoc công nghệ được hỗ trợ và đưa vào triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, y tế - giáo dục.
Chủ tịch UBND TP HCM cho biết chương trình kích cầu đầu tư theo Quyết định 50 là "đặc sản" riêng của TP HCM và đã chứng minh tính đúng đắn trong việc hỗ trợ DN trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh
Từ khi thực hiện Quyết định 50 đến nay, UBND TP đã phê duyệt 281 dự án với tổng mức đầu tư hơn 23.798 tỉ đồng. Số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 11.209 tỉ đồng, bình quân vốn đầu tư 1 dự án là 84,69 tỉ đồng.
Trong đó có 17 dự án lĩnh vực công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 3.006 tỉ đồng; vốn được hỗ trợ lãi suất là 1.051 tỉ đồng; 15 dự án công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn đầu tư 1.393 tỉ đồng, vốn được hỗ trợ lãi suất 584 tỉ đồng; 1 dự án nông nghiệp, chăn nuôi với tổng vốn đầu tư 205 tỉ đồng, vốn được hỗ trợ lãi suất 99,77% tỉ đồng.
Trong lĩnh vực hạ tầng có 188 dự án với tổng vốn đầu tư 9.567 tỉ đồng, vốn được hỗ trợ lãi suất 5.619 tỉ đồng; 8 dự án môi trường với tổng mức đầu tư 1.521 tỉ đồng, vốn được hỗ trợ lãi suất 712 tỉ đồng. Ngoài ra là 26 dự án giáo dục, đào tạo và 25 dự án y tế.
Trước đó, Chương trình kích cầu đầu tư theo Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND và Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND, UBND TP đã phê duyệt 127 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 10.881 tỉ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ lãi vay 5.243 tỉ đồng.
Luỹ kế số tiền ngân sách đã hỗ trợ cho toàn bộ các dự án tham gia chương trình kích cầu đầu tư từ 17-4-2000 đến nay hơn 3.885 tỉ đồng. "Ngân sách TP đã bỏ ra 3.885 tỉ đồng và thu hút được 52.259 tỉ đồng. Bình quân 1 đồng ngân sách bỏ ra đã thu hút được khoảng 13,45 đồng từ xã hội" – ông Trần Anh Tuấn cho biết.
Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM đánh giá chương trình kích cầu đầu tư là 1 trong những đặc sắc riêng của TP, đã phát huy hiệu quả giúp DN mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, tạo điều kiện cho DN đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại thay thế hàng nhập khẩu; thúc đẩy xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực. Thông qua chương trình kích cầu đầu tư của thành phố đã có nhiều dự án đầu tư đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ được hỗ trợ và đưa vào triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao, có giá trị gia tăng cao, cải tiến công nghệ, trình độ quản lý và tạo thêm nhiều việc làm trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Trong lĩnh vực y tế - giáo dục nhờ đổi mới máy móc, thiết bị tiên tiến cùng cơ sở hạ tầng hiện đại đã ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập và khám, chữa bệnh của người dân TP.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Phong, TP HCM luôn xem việc tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, cần phải tính đến hoàn thiện chương trình kích cầu đầu tư trong thời gian tới. Cụ thể, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu điều chỉnh bổ sung chương trình nhằm kích cầu đầu tư đúng mục tiêu đề ra, phù hợp với tình hình phát triển và yêu cầu thực tế.
Bình luận (0)