Sở Xây dựng TP HCM cho rằng muốn xây căn hộ 25 m2 phải có thêm nhiều điều kiện đi kèm và tỉ lệ căn hộ chiếm bao nhiêu phần trăm là hợp lý, đồng thời phải bảo đảm không gian sống và hạ tầng đô thị.
Chưa có quy chuẩn
Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND TP HCM nghiên cứu cho phép thực hiện căn hộ thương mại diện tích 25 m2 theo những tỉ lệ nhất định.
Tại văn bản này, Bộ Xây dựng phân tích hiện nay quy định về mặt pháp luật căn hộ 25 m2 chỉ áp dụng đối với nhà ở xã hội, trong khi đó nhà ở thương mại phải từ 45 m2 trở lên. Nếu thực hiện căn hộ diện tích nhỏ hơn Luật Nhà ở cho phép thì sẽ không cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, qua nắm bắt thực tiễn, bộ nhận thấy hiện nay rất nhiều người có nhu cầu sở hữu căn hộ diện tích nhỏ (dưới 45 m2) vì thu nhập thấp, độc thân, nhà ít người…
Việc xây dựng căn hộ 25 m2 ở TP HCM sẽ khó bảo đảm về hạ tầng giao thông và tiện ích Ảnh: TẤN THẠNH
"Do vậy, đề nghị TP HCM nghiên cứu theo hướng không bắt buộc tất cả dự án phải áp dụng tiêu chuẩn diện tích căn hộ thương mại tối thiểu 45 m2 mà có thể cho phép xây một tỉ lệ nhất định (20%-25%) số căn hộ diện tích nhỏ 25-45 m2 đối với các dự án nhà ở tại trung tâm, mật độ dân cư cao, điều kiện hạ tầng kỹ thuật không thuận lợi. Đối với khu vực ngoài trung tâm, nơi tập trung công nhân lao động thì có thể áp dụng tỉ lệ căn hộ diện tích nhỏ cao hơn" - văn bản của Bộ Xây dựng nêu rõ.
Trước những lo ngại về làm nhà diện tích nhỏ sẽ gia tăng dân số, áp lực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phá vỡ quy hoạch…, Bộ Xây dựng cho rằng công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự, mỹ quan đô thị không chỉ phụ thuộc vào quy định tiêu chuẩn diện tích tối thiểu căn hộ chung cư mà còn nhiều yếu tố khác. Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước trên thế giới đều cho phép xây dựng căn hộ có diện tích nhỏ (Hàn Quốc: 14 m2, Pháp: 15 m2, Thái Lan: 15-20 m2) nhưng những quốc gia này vẫn thực hiện tốt việc quản lý dân số, quản lý quy hoạch kiến trúc và bảo đảm điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các đô thị.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về đề nghị của Bộ Xây dựng, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết hiện UBND TP HCM vẫn chưa có chủ trương thực hiện đại trà mô hình căn hộ diện tích nhỏ. Bởi Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015 của Chính phủ chỉ cho phép xây dựng căn hộ thương mại 45 m2 trở lên. "Chúng tôi phải thận trọng trong mô hình nhà ở này và hiện TP HCM vẫn chưa có chủ trương làm nhà 25 m2. Muốn làm phải chờ Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, trong đó có quy định diện tích tối thiểu đối với căn hộ chung cư thương mại" - ông Tuấn nói.
Sẽ khó thành công
PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho rằng ai cũng mong muốn sở hữu một căn nhà vừa túi tiền; đặc biệt là đối tượng sinh viên, người lao động từ các tỉnh lên TP HCM sinh sống, làm việc. Và câu chuyện về nhà diện tích nhỏ đã được bàn tới bàn lui suốt 10 năm qua.
Nay Bộ Xây dựng lật lại vấn đề nhưng chỉ xem xét nhu cầu xã hội mà không tính toán đến tầm nhìn tương lai. "Nói thật, làm vài căn hộ diện tích nhỏ thì khả thi nhưng nếu vẽ ra kịch bản 2.000 căn hộ thì đường đâu mà đi? Chưa kể, đối tượng mua nhà 25 m2 ngoài những người có nhu cầu thật sự còn có nhiều người mua để đầu cơ, cho thuê. Phải tính luôn việc căn hộ 25 m2 sẽ được nhóm sinh viên, nhóm công nhân 6-7 người cùng thuê, cùng ở, lúc đó tính sao?" - ông Hiệp băn khoăn.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cũng lo lắng về vấn đề mất vệ sinh, ô nhiễm, chật chội khi cho phép xây dựng căn hộ 25 m2. Từ đó, ông Hiệp khẳng định còn lâu TP HCM mới làm thành công nhà 25 m2 vì muốn làm được phải giải quyết bài toán giao thông, trật tự xây dựng.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM, cho rằng nhà 25 m2 không phải chia nhỏ căn hộ mà chỉ là chia sẻ tiện ích liên quan. Nói một cách dễ hiểu, nhà 25 m2 nhưng vẫn có đầy đủ cây xanh, công viên, khu sinh hoạt chung… Như ở Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản có những căn hộ chỉ 10 m2 mà vẫn đầy đủ tiện ích, sạch sẽ, ngăn nắp.
"Không thể nói làm nhà nhỏ là có khu ổ chuột trên cao. Nhiều người ở căn hộ 100-200 m2 những ý thức kém, rác ném khắp nơi thì cũng như ổ chuột. Điều quan trọng ở đây là ý thức sinh hoạt của cư dân" - ông Nhã bày tỏ quan điểm.
Không nên áp dụng ở trung tâm
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng lý do các nhà đầu tư muốn xây dựng những căn hộ có diện tích tối thiểu 25 m2 là vì hiện giá nhà ở TP HCM khá cao so với đa số người dân, khi hạ diện tích xuống sẽ hợp với túi tiền và dễ bán hơn. Nếu Bộ Xây dựng đã cho phép xây dựng căn hộ 25 m2 thì TP HCM cũng không nên áp dụng đại trà mà chỉ khu biệt một vài khu vực được phép như vùng ven, KCN có đông công nhân, lao động và nơi có nhu cầu nhà ở cao; còn khu vực trung tâm thì hoàn toàn không nên.
"Thu nhỏ kích thước căn hộ đồng nghĩa với mật độ dân số tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hạ tầng đô thị. Hạ tầng ở khu vực trung tâm vốn đã quá tải mà còn tăng dân số lên thì càng quá tải, chất lượng cuộc sống bị giảm" - kiến trúc sư Nam Sơn dẫn chứng.
Đối với những dự án mới ở vùng ven, khu đô thị mới nếu được cho phép xây căn hộ diện tích nhỏ thì cũng phải làm lại bài toán quy hoạch. Cụ thể, dự án đó có 1 triệu m2 sàn, chia diện tích tối thiểu trước đây là 45 m2 thì có khoảng 22.000 dân nhưng nếu chia cho nhà có diện tích 25 m2 thì tăng lên 40.000 dân, gấp 1,8 lần. Như vậy, yêu cầu về hạ tầng đô thị như giao thông, trường học, bệnh viện, thương mại… cũng bắt buộc phải tăng lên tương ứng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Điều này thể hiện trách nhiệm của nhà đầu tư chứ nhà đầu tư chỉ muốn giảm diện tích căn hộ xuống cho dễ bán thì thiếu trách nhiệm với cư dân mua sản phẩm của họ.
Bình luận (0)