Sáng 29-9, tại tọa đàm Định hướng phát triển các KCX-KCN TP HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 do Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP HCM (Hepza) tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng ngành công nghiệp nói chung và các KCX-KCN tại TP HCM chưa được quan tâm đúng mức nên chưa phát huy hết tiềm năng.
Việc phát triển các KCX-KCN TP HCM còn chậm Ảnh: TẤN THẠNH
Theo TS Trần Du Lịch, việc xây dựng các KCX-KCN mang ý nghĩa chiến lược đối với kinh tế trên địa bàn. Tuy nhiên, do bất lợi về điều kiện thổ nhưỡng, hạ tầng giao thông kết nối và nhất là giá đất nông nghiệp nên việc xây dựng mới và mở rộng các KCX-KCN tập trung gặp khó khăn. Sau 25 năm phát triển, diện tích các KCX-KCN tập trung chỉ đạt được khoảng 50% diện tích đất quy hoạch cho các KCX-KCN. Nếu không khắc phục những bất lợi trên để mở rộng và phát triển mới các KCX-KCN thì không chỉ khó khăn đối với việc phát triển 4 nhóm hàng công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ mà còn ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở công nghiệp ngoài KCN.
Ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng Hepza, cho biết các KCX-KCN trên địa bàn đang gặp một số thách thức như dự án đầu tư có quy mô vốn nhỏ, số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao chiếm tỉ lệ thấp. Mặt khác, chất lượng công tác quy hoạch chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển; các KCX-KCN có quy mô nhỏ, nằm rải rác, chưa tạo sự kết nối về hạ tầng... Các KCN chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chưa liên kết giữa các doanh nghiệp trong KCN để tạo nên cụm sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, mô hình quản lý theo cơ chế "một cửa, tại chỗ" đến nay phát sinh nhiều bất cập, do KCX-KCN chỉ chịu sự điều chỉnh ở cấp nghị định, chưa được thể chế hóa ở cấp luật. Do pháp luật chuyên ngành thường xuyên thay đổi nên việc ủy quyền cho ban quản lý thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành về lao động, thương mại, xây dựng, môi trường đối với các hoạt động phát sinh trong KCX-KCN chưa được thực hiện triệt để, thống nhất.
Tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định TP chưa phát huy được tiềm năng phát triển ngành công nghiệp. Phải tái cơ cấu việc sử dụng đất phù hợp với định hướng phát triển của TP. Hiện nay, ngành công nghiệp cũng như chưa thật sự quan tâm phát triển các KCX-KCN trên địa bàn. Công nghiệp, dịch vụ chiếm trên 90% GDP
TP HCM nhưng chỉ được dành 6,8% quỹ đất; riêng ngành công nghiệp tạo ra 40% GDP TP HCM thì được quy hoạch 2,3% quỹ đất thành phố. Trên thực tế, mới 50% đất quy hoạch cho KCX-KCN được sử dụng. "Đất cho KCN đã ít mà còn chưa dùng hết, sắp tới sẽ dùng như thế nào? Phải rà soát lại xem nhà đầu tư muốn gì, thành phố cần gì để từ đó triển khai quy hoạch lại KCX-KCN trên địa bàn" - ông Nhân yêu cầu.
Theo Bí thư Thành ủy, các KCX-KCN phải cải thiện tính cạnh tranh. Hiện tại, giá đất tại các KCN TP HCM cao hơn các tỉnh, thành lân cận nên tính cạnh tranh kém. Tương lai, TP HCM sẽ phát triển khu Đông Bắc, vì vậy, các KCN vùng Đông Bắc cần định hình lại theo vướng gắn với chức năng đô thị, hạ tầng giao thông...
Thu hút vốn đầu tư 10 tỉ USD
Từ khi KCX Tân Thuận được xây dựng thí điểm vào năm 1991 đến nay, TP HCM đã có 3 KCX và 16 KCN được thành lập với tổng diện tích 4.532 ha; trong đó 17 KCX, KCN đang hoạt động, 1.371 dự án đầu tư với tổng vốn gần 10 tỉ USD và đang tạo việc làm cho gần 290.000 lao động. Sản phẩm công nghiệp trong các KCX-KCN hiện chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của TP. Theo kế hoạch, đến năm 2020, TP HCM sẽ có 23 KCX-KCN tập trung, bảo đảm không gian cho 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực của thành phố phát triển.
Bình luận (0)