Theo đó, đối với các nội dung kiến nghị vướng mắc có liên quan đến sự bất cập, xung đột giữa Quy định, Điều, Khoản của các Luật về Đất đai, Quy hoạch đô thị, Đầu tư, Xây dựng, Nhà ở... trong quy trình thủ tục thực hiện đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Hiệp hội Bất động sản TP (HoREA) và các sở, ngành liên quan khẩn trương tổng hợp các nội dung và dự thảo công văn cho UBND TP báo cáo, xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương hoặc Thủ tướng Chính phủ nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với nội dung kiến nghị vướng mắc khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản về những hồ sơ đang tồn động, chưa xem xét giải quyết tại các sở, ngành có liên quan, TP giao Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động tiếp xúc, làm việc với HoREA và các doanh nghiệp bất động sản để tổng hợp phân loại từng nhóm vướng mắc, báo cáo trình UBND TP bố trí lịch họp xem xét giải quyết từng nhóm vướng mắc, từng trường họp cụ thể.
Một dự án bị ngưng trệ tại quận 7, TP HCM
Về những nội dung kiến nghị vướng mắc có liên quan đến kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, UBND TP giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, kiểm tra, để có tham mưu đề xuất hướng giải quyết, báo cáo trình UBND TP.
Trước đó, UBND TP đã tổ chức "Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TP với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản". Tại cuộc họp, HoREA đã gửi đến UBND TP một bản kiến nghị, đề xuất giải quyết các vướng mắc dày 30 trang, đề cập toàn diện các vấn đề nổi cộm hiện nay.
Các nhóm vấn đề HoREA tập trung kiến nghị liên quan đến quy trình thủ tục 5 bước để triển khai một dự án bất động sản, quy trình xác định tiền sử dụng đất, xử lý phần đất công (đường giao thông, mương, kênh rạch...) trong dự án tư nhân.
Những nhóm vấn đề vướng mắc này hiện đang làm cho các doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều dự án bị bế tắc; nhiều dự án bị đình trệ vì chỉ vướng một tỉ lệ rất nhỏ đất công xen cài trong dự án; nhiều dự án được xây dựng đất có nguồn gốc đất công bị đình hoãn vô thời hạn khi bị thanh tra, kiểm tra....
Hiện trên địa bàn TP có 415.000 doanh nghiệp, với gần 9.000 doanh nghiệp lớn, trong đó 30% là doanh nghiệp bất động sản. Tuy chỉ chiếm 2% số doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp lớn chiếm 70% tổng vốn đăng ký và đóng góp hơn 80% đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Trong năm 2019, TP chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án; 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư giảm 64 dự án; trong đó chỉ có 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới. Ngoài ra, chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn, giảm 30 dự án...
Bình luận (0)