Theo đại diện chuỗi cửa hàng chuyên doanh trái cây và rau quả Grove Fresh (đơn vị tổ chức), các "siêu thị mini này" được tổ chức trên các xe buýt của Công ty Samco được tháo bỏ ghế ngồi, thay vào đó là các kệ, tủ đựng hàng hóa được sắp xếp khoa học để người tiêu dùng có thể chọn đủ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm sử dụng hằng ngày trong khoảng thời gian mua sắm nhanh nhất.
Trước đó, mô hình "siêu thị mini di động" trên xe buýt với hơn trăm mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu gồm thịt, cá, trứng, gạo,rau quả, trái cây, dầu ăn… được khởi động từ ngày 6-8 đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ người dân TP HCM.
Nhân viên phục vụ trên "siêu thị mini di động" sắp xếp hàng hoá trước giờ mở bán
"Trong thời gian thực hiện, nhận thấy nhu cầu cần thực phẩm sạch của người dân tại các khu vực xe Grove Fresh đi qua và được sự ủng hộ từ Sở Công Thương, chúng tôi đã khẩn trương triển khai thêm 3 xe, nâng tổng số lượng xe lên 4 chiếc để đẩy nhanh tốc độ phục vụ, kịp thời đưa thực phẩm sạch, bình ổn giá đến với người dân tại các khu vực đang gặp khó khăn" – đại diện Grove Fresh cho biết.
Trên xe có đủ thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô lẫn thực phẩm đông lạnh
Tại buổi lễ xuất phát "siêu thị mini di động" sáng 14-8, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết mô hình này là một phần trong chương trình doanh nghiệp đồng hành cùng người dân TP, tham gia "Kênh phân phối bổ trợ nguồn lương thực thực phẩm cho TP".
Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ về các hoạt động bổ trợ nguồn cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân TP HCM
Ngoài lượng hàng bày bán trên quầy kệ bên trong xe, các "siêu thị mini di động" còn bố trí các kệ bán rau củ quả bên ngoài để phục vụ những khách hàng muốn mua nhanh
Theo ông Vũ, sau 1 tháng triển khai "Kênh phân phối bổ trợ nguồn lương thực thực phẩm cho TP HCM", chương trình "Thực phẩm bình ổn lưu động" đã thực hiện 1.635 điểm bán với 2.108 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận, huyện, TP Thủ Đức đưa hàng hóa thực phẩm với chất lượng bảo đảm, giá cả bình ổn đến người dân.
"Chương trình đã được nhân rộng với nhiều mô hình đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong phương thức phân phối hàng hóa. Từ những chiếc xe tải bán hàng thông thường đến các xe buýt bán thực phẩm lưu động và nay là những xe buýt được cải tạo, lắp đặt quầy kệ thành các "siêu thị mini di động" với đầy đủ hàng hoá mang thực phẩm và hàng thiết yếu, giá cả bình ổn phục vụ người dân" – ông Vũ nói.
Tất cả hàng hoá đều được kiểm soát chặt về chất lượng, an toàn thực phẩm và có giá hợp lý
Về hoạt động kết nối các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics góp sức vào chuỗi cung ứng "linh hoạt", các doanh nghiệp đã trưng dụng các hệ thống bưu cục, phương tiện vận chuyển, nhân lực của các công ty bưu chính… bán hàng hoá thiết yếu. Vào một số thời gian cao điểm, chương trình đã tổ chức hơn 1.000 điểm bán/ngày. Các doanh nghiệp thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Lazada… cũng tổ chức bán rau củ quả, thực phẩm cho người dân với sản lượng hơn 100 tấn/ngày.
Quầy thanh toán được bố trí bên ngoài xe
"Sau ngày 15-8, TP HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ngoài việc tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả của chuỗi các "Kênh phân phối bổ trợ nguồn lương thực thực phẩm cho TP", Sở Công Thương tiếp tục phát động chương trình "Đưa thực phẩm, nông sản trực tiếp từ nhà máy, nông trại đến người tiêu dùng" thông qua tổ chức kết nối các đơn vị cung ứng, các tỉnh thành để đưa hàng hóa nông sản, thực phẩm phân phối trực tiếp đến người dân tại từng địa bàn dân cư và phân phối trực tiếp cho người dân tại các khu phong tỏa theo chương trình "bán hàng đồng giá"; giúp người dân được tiếp cận nguồn thực phẩm tươi, chất lượng, giá cả phù hợp" - ông Vũ thông tin.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, đánh giá mô hình "siêu thị mini lưu động" là sự sáng tạo của các đơn vị dưới sự kết nối của Sở Công Thương và Sở Giao thông vận tải, nếu được nhân rộng sẽ rất tốt.
"Những chiếc xe lưu động được tổ chức bắt mắt, trưng bày phù hợp với nhu cầu, bảo đảm phòng chống dịch. Vấn đề ở đây là cần sự phối hợp giữa đơn vị cung ứng với Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải và ban chỉ đạo phòng chống dịch từng địa phương để bảo đảm làm sao vừa phòng chống dịch vừa đáp ứng nhu cầu của người dân" – bà Bích Châu nhận xét.
Bình luận (0)