Tại buổi gặp gỡ, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM, Trưởng đoàn kiểm tra, cho biết tháng 2-2017, từ đơn kiến nghị của thương nhân chợ An Đông, TP đã thành lập đoàn thanh tra hoạt động để kiểm tra 3 nội dung: pháp lý của việc nộp tiền thuê sạp, nộp tiền sửa chữa nâng cấp chợ An Đông và nhà vệ sinh chợ.
Trong đơn kiến nghị, thương nhân chợ An Đông đề nghị làm rõ số tiền thu được từ cho thuê quầy sạp của tiểu thương là 237 tỉ đồng, 219 hay 217 tỉ đồng? tiền này quản lý, sử dụng như thế nào và có hay không có việc Ban Quản lý Trung tâm TM – DV An Đông gửi số tiền cho thuê quầy sạp của tiểu thương vào ngân hàng để lấy lãi 400 triệu đồng?
Về vấn đề này, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết qua đối chiếu với sao kê của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương – Phòng Giao dịch An Đông từ 1-3-2013 đến 11-1-2017, sổ sách kế toán cho thấy Ban Quản lý đã nộp 217 tỉ đồng vào Kho bạc Nhà Nước quận 5 (đã bao gồm 400 triệu đồng tiền lãi ngân hàng và trừ chi phí phục vụ cho công tác triển khai ký kết hợp đồng giai đoạn 2013-2017). Theo hồ sơ chứng từ của ban quản lý chợ An Đông cung cấp, số tiền thuê quầy sạp theo phương án dự trù là 237 tỉ nhưng ban quản lý đã có giảm trừ cho thương nhân đóng 1 lần 10%, thương nhân đóng 2 lần 5% và thương nhân có quầy sạp vị trí không thuận lợi... số tiền thực thu là 217 tỉ. Số tiền này chưa sử dụng vào các hoạt động của chợ.
Về số tiền thuê quầy sạp trong hợp đồng có tính thuế giá trị gia tăng nhưng Ban Quản lý giao tiểu thương hóa đơn thông thường, không thể hiện thuế giá trị gia tăng. Như vậy, tiền thuế giá trị gia tăng trên tổng số tiền thuê sạp trên 200 tỉ đồng đi đâu?
Chợ An Đông, quận 5, TP HCM.Ảnh: Nhân dân
Qua quá trình xác minh hồ sơ, tài liệu liên quan thì Ban Quản lý đã nộp các khoản thu GTGT từ tiền cho thuê sạp vào Kho bạc Nhà nước quận 5. Tuy nhiên, việc Ban Quản lý có áp dụng GTGT vào tiền thuê quầy sạp là chưa chấp hành đúng quy định theo Luật Thuế GTGT.
Về kiến nghị cho rằng Ban Quản lý đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến việc sửa chữa nâng cấp chợ và xây nhà vệ sinh, kết quả kiểm tra cho thấy các gói thầu tư vấn đều có giá trị nhỏ hơn 3 tỉ đồng và các gói thầu xây lắp đều có giá trị nhỏ hơn 5 tỉ đồng, nằm trong hạn mức được chỉ định thầu theo các quy định nêu trên. Việc thuê tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh, điện động lực vào thời điểm năm 2013 cũng phù hợp các quy định nêu trên.
Tuy nhiên, thương nhân lại cho rằng công trình cải tạo hệ thống điện động lực thực tế Ban Quản lý không sửa chữa toàn bộ trung tâm mà chỉ sửa ở tầng hầm và một phần tầng 2 nhưng lại tính tiền toàn trung tâm. Kết quả kiểm tra cho thấy kế hoạch sửa chữa hệ thống điện động lực được thực hiện ở các vị trí tầng hầm, tầng trệt, lầu 1 và lầu 2. Tuy nhiên, do tính chất liên thông và yêu cầu kỹ thuật của hệ thống điện động lực nên hồ sơ thiết kế, thi công đã thể hiện thực hiện cho cả các tầng, kể cả lầu 3, lầu 4 (gồm tủ điện, hệ thống dây dẫn, máng cáp…).
Ngoài ra, tiểu thương cho rằng Ban quản lý chợ chi đến 1,9 tỉ đồng để cải tạo 4 nhà vệ sinh nhưng chỉ thay gạch men lót sàn, lắp đặt bồn cầu, lavabo rửa tay là hàng sản xuất trong nước thì qua kiểm tra thấy kinh phí thực hiện nâng cấp, sửa chữa nhà vệ sinh công cộng là 2,1 tỉ đồng (bao gồm thuế GTGT), tương ứng suất vốn đầu tư nằm trong mức dao động cho phép (từ 4,4 triệu đồng– 5,3 triệu đồng đồng/m2). Tuy nhiên, qua rà soát và kiểm tra cho thấy một số khoản mục dự trù kinh phí thực hiện nâng cấp, sửa chữa chợ chưa đúng theo Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29-9-2009 của Bộ Xây dựng về việc công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình và việc vận dụng, áp dụng một số đơn giá, định mức chưa phù hợp nên sẽ giảm trừ trong quá trình thẩm tra quyết toán công trình hoàn thành.
Kết luận kiểm tra việc thu tiền phí vệ sinh hằng ngày lên đến 8 triệu đồng/ngày (2.000 đồng/lượt đi vệ sinh), việc chỉ định thầu khai thác nhà vệ sinh công cộng và trích nguồn thu từ phí sử dụng dịch vụ nhà vệ sinh công cộng để nộp ngân sách trong giai đoạn vừa qua là chưa phù hợp cũng như đảm bảo tính công khai minh bạch.
Căn cứ vào kết luận thanh tra, UBND TP đã giao UBND quận 5 công khai số tiền thu, chi từ hợp đồng cho thuê địa điểm kinh doanh trong giai đoạn 2012-2016; việc gửi tiền thu được từ việc cho thuê sạp vào ngân hàng và các khoản thu, chi khác theo đúng quy định. Tạm dừng việc thu tiền cho thuê địa điểm kinh doanh của giai đoạn 2 theo hợp đồng đã ký kết với tiểu thương (đến hết ngày 31-12-2017). Đồng thời, khẩn trương xây dựng bảng giá thuê quầy sạp cho 5 năm tiếp theo căn cứ theo Luật Giá, Luật phí và lệ phí (trước quý III/2017), giá cho thuê địa điểm kinh doanh của giai đoạn 2017-2021 được tính trên cơ sở phí quản lý và các khoản phí khác.
UBND TP cũng đề nghị UBND quận 5 chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành thẩm tra quyết toán công trình đã hoàn thành trên cơ sở tính đúng, tính đủ đồng thời công khai đến tiểu thương kinh doanh tại chợ. Các đơn vị liên quan sử dụng toàn bộ 217 tỉ đồng tái đầu tư xây dựng "Phương án nâng cấp, sửa chữa toàn diện Trung tâm TM – DV An Đông đến năm 2021" đảm bảo thực hiện đúng các quy định pháp luật về đầu tư công, về đấu thầu, về xây dựng, hoàn thành chậm nhất trong tháng 6-2017.
Theo UBND TP, trung tâm TM – DV An Đông sẽ phát triển theo hướng thành trung tâm phân phối quy mô hàng đầu khu vực phía Nam về các mặt hàng giày dép, va ly, túi xách, vải sợi, quần áo may sẵn, thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm, trang sức xi mạ, vàng bạc - đá quý…; góp phần hình thành khu mua sắm tập trung trên địa bàn quận 5 (trên trục đường An Dương Vương – Yết Kiêu – Hùng Vương) đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, vui chơi, giải trí người dân và tham quan, mua sắm khách du lịch trong nước và quốc tế.
Bình luận (0)