Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM, qua chủ động giám sát bệnh dịch tả heo châu Phi, đơn vị này đã phối hợp cùng chính quyền địa phương ghi nhận 1 hộ chăn nuôi heo tại phường Phú Hữu, quận 9 có triệu chứng điển hình của bệnh vào ngày 10-6. Cơ quan thú y đã lấy mẫu gửi xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng 6, kết quả được trả ngày 11-6 xác định các mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh tả heo châu Phi.
Chủ đàn heo là bà Lê Thị Ngọc Cẩm với tổng đàn 163 con (23 con nái sinh sản, 112 con heo thịt, 28 con heo sữa). Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM phối hợp với UBND phường Phú Hữu và UBND quận 9 tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn heo và thức ăn thừa tại khu đất xa dân cư.
Đồng thời, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp rải vôi bột tại khu vực chăn nuôi, khu vực xử lý và hố chôn, tiêu độc khử trùng liên tục 10 ngày kể từ ngày xử lý heo bệnh.
Xử lý ổ dịch bệnh tả heo châu Phi tại xã Phú Hữu (quận 9) - Ảnh do Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM cung cấp
Ông Phát thông tin đây là khu vực chăn nuôi có mật độ thấp, hộ chăn nuôi gần nhất cách ổ dịch hơn 1 km. Toàn xã Phú Hữu có 7 hộ chăn nuôi với tổng đàn 506 con, những hộ này sẽ được triển khai cấp phát thuốc sát trùng liên tục 7 ngày kể từ ngày 11-6 và tiêu độc khử trùng 3 lần/tuần trong 3 tuần tiếp theo và tạm thời trong 30 ngày các hộ này không được xuất bán heo. Đối với vùng uy hiếp (bán kính 3 km từ ổ dịch) có 29 hộ chăn nuôi, tổng đàn 2422 con, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp cùng UBND quận 9 và quận 2 triển khai cấp thuốc sát trùng cho các hộ định kỳ 3 lần/tuần trong 4 tuần kể từ ngày 11-6.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, cho biết hộ dân này không dùng cám công nghiệp mà sử dụng thức ăn thừa, nguyên nhân heo bị nhiễm bệnh đang được điều tra.
Về tiền hỗ trợ cho hộ dân này, ông Trung cho biết đang chờ UBND TP HCM phê duyệt trên tinh thần không dưới 80% giá thị trường.
Theo bà Lê Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch UBND quận 9, địa phương đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại khu vực cầu ông Nhiêu và cầu Xây Dựng gồm: CSGT, thú y, thanh niên xung phong, công an phường và dân quân tự vệ để kiểm soát vận chuyển động vật và tiêu độc khử trùng phương tiện.
Như vậy, đến nay có 55 tỉnh, thành trong cả nước đã có bệnh tả heo châu Phi khiến hơn 2,3 triệu con heo mắc bệnh phải tiêu hủy.
Bình luận (0)