* Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành điện tử
Ngày 24-6, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP HCM và lãnh đạo các sở - ngành đã làm việc với một số doanh nghiệp (DN) dệt may trên địa bàn TP về phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành.
Ông Lê Đông Triều, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Gia Định, cho biết năm 2013, thị trường Mỹ chiếm khoảng 48% kim ngạch xuất khẩu dệt may của các DN trên địa bàn TP, thuế suất phải chịu từ 17%-32%. Sắp tới, với Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), DN xuất khẩu vào Mỹ muốn hưởng ưu đãi thuế quan phải đáp ứng quy tắc “xuất xứ từ sợi” (yarn forwarding). Đến cuối năm 2015, Việt Nam chính thức tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với nhiều ưu đãi thuế quan, trong đó cũng quy định sản phẩm dệt may xuất khẩu phải có tỉ lệ nội khối (nguyên liệu đầu vào từ các thành viên trong khối) chiếm 60%.
Theo các DN, tập trung công nghiệp phụ trợ không chỉ tăng tỉ lệ nội địa hóa mà có thể từng bước tự túc được nguyên phụ liệu và tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Đề án về tình hình phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và công nghiệp thời trang giữa Công ty Dệt may Gia Định và Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang được triển khai theo chỉ đạo của UBND TP.
Các dự án đầu tư nhà máy dệt vải, nhà máy sợi quy mô 40.000 cọc sợi và dự án xây dựng trung tâm thời trang - thương mại - dịch vụ trên địa bàn TP cũng đang được tiến hành. Việc đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp dệt may gần đây cũng được bổ sung vào danh sách các dự án thuộc chương trình kích cầu ưu đãi lãi suất theo Quyết định 33 của TP.
Chủ tịch Lê Hoàng Quân nhận xét: Dệt may đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của TP và cả nước nên sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ. Ngành dệt may TP cần chú trọng đẩy mạnh xúc tiến ở thị trường nội địa, tổ chức các hội chợ dệt may quốc tế, không chỉ gia tăng xuất khẩu mà còn phát triển ngành công nghiệp thời trang…
l Cùng ngày, UBND TP cũng có buổi làm việc với một số DN lắp ráp, sản xuất máy tính trên địa bàn TP. Theo các DN, hiện 20%- 30% nhà cung ứng linh kiện điện tử là DN Trung Quốc và gần 100% linh kiện điện tử được sản xuất tại Trung Quốc. DN Việt Nam chủ yếu nhập linh kiện về lắp ráp và đưa ra thị trường tiêu thụ.
DN đầu tư nước ngoài (FDI) lĩnh vực điện tử vào Việt Nam nhiều nhưng sản xuất trong nước chưa được hưởng lợi từ “đầu kéo” FDI. Ngoài ra, các DN cũng nêu các khó khăn do thuế nhập khẩu một số linh kiện, thiết bị lên đến 10%-20%; linh kiện đổi bảo hành ở nước ngoài nhập về cũng phải chịu thuế nhập khẩu và thuế GTGT…
Chủ tịch Lê Hoàng Quân ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của DN lắp ráp, sản xuất máy tính, đồng thời yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các DN điện tử xây dựng báo cáo về hoạt động của ngành trong thời gian qua, đặc biệt là những bất cập, kiến nghị để sắp tới, UBND sẽ mời Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cùng ngồi lại bàn cách tháo gỡ.
Bình luận (0)