Nhiều câu chuyện thật về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp (startup) từ kinh nghiệm quốc tế cũng như những trăn trở làm sao thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo ở TP HCM đã được bàn thảo sôi nổi tại Diễn đàn Kết nối Startups Việt trong và ngoài nước, do Bộ Ngoại giao và UBND TP HCM phối hợp tổ chức, diễn ra ở TP HCM ngày 26-6. Khoảng 400 đại biểu trong và ngoài nước đã tham gia đóng góp ý kiến.
Thu nhập thấp vẫn khởi nghiệp được
"Thu nhập thấp có làm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được không? Có phải đợi dân thật đông mới làm khởi nghiệp sáng tạo?" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề khi phát biểu khai mạc diễn đàn. Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, Israel và một số nước châu Á đã đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo và gặt hái thành công nên Việt Nam và TP HCM cũng có thể làm được với điều kiện phải có phương thức hỗ trợ, phải hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, kết nối trong và ngoài nước.
Các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn Kết nối Startups Việt trong và ngoài nước Ảnh: TẤN THẠNH
Một trong những điểm yếu của TP HCM và cả nước là vai trò của khoa học công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ. Thực trạng này đã kéo dài 40 năm nay. "Chúng ta có chương trình của Chính phủ, TP nhưng chỉ khi nào các nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) coi đó là chương trình của mình, làm quyết liệt mới hiệu quả cao. Vấn đề không phải là số đông mà là chuẩn bị nhân lực tốt, có khả năng về công nghệ kết nối với tài chính…" - ông Nhân nói.
Hai năm trở lại đây, TP HCM đã đầu tư khá nhiều cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Khoảng 90 triệu USD ngân sách đã được chi cho các hoạt động này. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang dần hình thành, bước đầu TP đã xây dựng được cộng đồng khởi nghiệp. Đã có hơn 760 startup hình thành, chiếm hơn 42% số startup trên cả nước. Có hơn 46% startup (tương đương 350) đã và đang tham gia các chương trình hỗ trợ của những tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP. Trong đó, 222 startup đã và đang được hỗ trợ ươm tạo tại 10 cơ sở ươm tạo của nhà nước giai đoạn từ năm 2011 đến nay. Ngoài ra, có khoảng 49% startup đã tìm được nhà tài trợ và đầu tư; khoảng 70% trong số này đang ở các giai đoạn đầu tiên của quá trình gọi vốn đầu tư (seed-funding, series A).
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, đánh giá các startup ở TP HCM tuy phát triển mạnh so với cả nước nhưng về kích cỡ, số lượng và chiều sâu còn nhiều điều phải bàn. Chẳng hạn, startup Việt thiếu sự chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các startup thành công quốc tế lẫn trong nước; hầu hết DN mới thành lập trên dưới 1 năm đang trong giai đoạn đánh giá thị trường, chỉ một số ít mở rộng kinh doanh; gần 60% startup có vốn rất thấp, dưới 1 tỉ đồng…
Chưa đủ sức kết nối
Theo phân tích của Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là sự kết nối bền vững và hợp tác cùng phát triển giữa các thành phần gồm cộng đồng DN, tổ chức nghiên cứu phát triển, tổ chức hỗ trợ trực tiếp như nhà đầu tư, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ gián tiếp và các cơ quan nhà nước tạo môi trường kết nối các thành phần. Tuy nhiên, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TP chưa có đủ sự kết nối cộng sinh giữa các thành phần nói trên để cùng phát triển, đáp ứng được sự cạnh tranh ngày càng lớn của quá trình hội nhập.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy DN Việt quan tâm đến đổi mới sáng tạo nhưng chủ yếu chỉ phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn và mang tính cải tiến, ít phát triển sản phẩm dịch vụ hoàn toàn mới cho thị trường. Đa phần các DN được khảo sát chưa đầu tư nhiều vào bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D), một phần do chưa tạo lập được chuỗi giá trị phát triển bền vững mà chủ yếu tập trung nhiều vào khâu thương mại, dịch vụ hoặc gia công quốc tế. Các DN có yếu tố nước ngoài lại tập trung vào sản xuất để khai thác chi phí nhân công giá thấp của Việt Nam, thay vì đầu tư nhiều cho đổi mới sáng tạo.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng hiện các startup Việt đang gặp khó khăn vì không huy động được vốn, nguyên nhân do chưa chú trọng vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi việc cần làm đầu tiên là phải đăng ký chứng nhận sở hữu trí tuệ, giấy bảo hộ sáng tạo và thay đổi suy nghĩ, vươn tầm ra ngoài quốc gia. Một thách thức khác là làm sao kết nối với các startup thành công khác để họ đi xa hơn. "Đã có những DN Việt khởi nghiệp thành công nhưng khó đi xa vì dễ hài lòng với những gì mình làm được, không nâng tầm DN, nhất là khi đặt trong bức tranh toàn cảnh hội nhập vào khu vực ASEAN. Thực tế đến nay, số startup thành công của Việt Nam khá hạn chế nên DN có thể liên kết, học hỏi từ các startup thành công ở các nước. Chúng tôi đang nỗ lực cải thiện pháp lý và sẽ có những điều khoản dành riêng cho cộng đồng startup Việt" - ông Quất chia sẻ.
Phải vượt lên chính mình
Nhìn nhận cộng đồng startup Việt còn nhiều hạn chế, các chuyên gia kinh tế cho biết startup cần phải bước qua nhiều giới hạn, đặc biệt là thay đổi tư duy mới có thể đi đến thành công. Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Franchise & Retail Asia, cho biết điểm chung của cộng đồng startup ở nhiều nơi như Thái Lan, Ấn Độ, Singapore... là luôn nghĩ tới phát triển sản phẩm, tấn công ra khu vực và toàn cầu. Hiện tại, Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SIHUB- trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM) đã khởi động các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp với 6 quốc gia đối tác như Hàn Quốc, Canada, Úc… Trong chương trình này, Việt Nam và các nước trao đổi startup với nhau. Startup các nước sang Việt Nam đều có bằng sáng chế nghĩa là họ nghĩ đến việc vươn ra toàn cầu chứ không phải chỉ ở địa phương. "Họ đến TP HCM vì nhắm đến các quốc gia trong khu vực ASEAN chứ không phải chỉ nội địa. Trong khi đó, nhiều DN khởi nghiệp Việt Nam có sản phẩm rất tốt nhưng chỉ nhắm vào thị trường nội địa, chưa có tầm nhìn phục vụ cho thị trường nước ngoài" - vị chuyên gia này nêu thực tế.
Và từ thực tiễn này, bà Phi Vân gợi ý các DN khởi nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy, hướng đến tầm nhìn khu vực và quốc tế. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cần tạo ra cơ hội cho các tập đoàn lớn tham gia vào hệ sinh thái này, hỗ trợ DN khởi nghiệp.
Vai trò của các trường, viện rất quan trọng
Ông Shlomo Nimrodi - Giám đốc điều hành Ramot, ĐH Tel Aviv (Israel) - cho biết vai trò của các viện nghiên cứu, các trường đại học rất quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trong vòng 5 năm qua, huy động vốn cho các DN khởi nghiệp ở Israel liên tục tăng và đây là động lực rất lớn thúc đẩy thị trường công nghệ cao. Dù dân số chỉ 8,8 triệu người nhưng ở Israel, cứ 1.400 người có 1 DN khởi nghiệp, chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc. Israel đưa ra cơ chế khuyến khích kiều bào quay về nước làm việc, đồng thời có chính sách thúc đẩy sinh viên khởi nghiệp thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm với khoản đầu tư có thể lên tới 1 triệu USD, một số quỹ đầu tư khác dành cho DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng xã hội, internet vạn vật…
Hàng loạt chương trình hỗ trợ
Thời gian qua, TP HCM đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng nhằm phát huy vai trò của đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng TP khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các chương trình này nhằm gắn kết bền vững mối quan hệ giữa DN, trường - viện, nhà nước, tổ chức tài chính và cộng đồng khởi nghiệp (đặc biệt là các DN lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường). Đồng thời, hỗ trợ DN hiện hữu thực hành đổi mới sáng tạo, tái khởi nghiệp, tạo lập môi trường ươm tạo thử nghiệm phát triển sản phẩm mới. TP kỳ vọng sẽ hình thành nhiều hơn nữa DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, DN khoa học - công nghệ với những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao và khả năng tăng trưởng nhanh. Từ đó, góp phần phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TP có sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng DN đến xã hội.
Bình luận (0)