Vài năm gần đây, chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đã tạo điều kiện rất lớn cho người nước ngoài giao dịch. Đặc biệt, số liệu mới nhất của Công ty CBRE Việt Nam vừa công bố cho thấy tỉ lệ người có quốc tịch Trung Quốc mua căn hộ tại TP HCM tăng đột biến từ 2% năm 2016 lên 31% trong 9 tháng đầu năm 2018.
Mua để cho thuê
Thống kê lượng giao dịch qua CBRE cho thấy nếu như 6 tháng đầu năm 2017, nhà đầu tư Việt chiếm 79% giao dịch trên thị trường căn hộ thì 9 tháng đầu năm 2018, khách Việt chỉ còn chiếm khoảng 24% các giao dịch trên thị trường. Khách Trung Quốc từ vị trí thứ 6 với chỉ 4% vào năm 2017, hiện đã vươn lên dẫn đầu thị trường.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam, nếu 2 năm trước, lượng khách đến từ Hàn Quốc đông đảo nhất thì hiện nay số lượng khách mua từ Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) đang dẫn đầu về các hoạt động đầu tư. Họ tập trung nhiều ở phân khúc căn hộ cao cấp tại những khu vực trung tâm TP HCM. "Người Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hồng Kông thường quan tâm đến các dự án có quy mô lớn, có vị trí thuận lợi ở trung tâm, đặc biệt là dự án của các tập đoàn lớn hoặc họ quen biết" - bà Dung thông tin.
Bà Sunny Hoàng, Phó Giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở quốc tế của Savills TP HCM, cũng cho biết hiện nay lượng khách Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan đang dẫn đầu về các hoạt động đầu tư căn hộ tại TP HCM.
Khảo sát về nhu cầu mua nhà với người mua của CBRE còn cho thấy mục đích "mua để cho thuê" đang chiếm tỉ trọng lớn nhất lên tới 61%. Trong khi đó, mục đích "mua để ở" và "đầu tư ngắn hạn" chỉ chiếm tỉ trọng lần lượt 26% và 13% đều nằm trong xu hướng giảm so với những năm trước.
Khách hàng Trung Quốc chuộng đầu tư vào phân khúc căn hộ cao cấp. Đồ họa: VƯƠNG FƯƠNG ANH
Dấu hiệu tích cực cho thị trường bất động sản
Một chuyên gia bất động sản lý giải thời gian vừa qua, việc một số tập đoàn lớn đến từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan tham gia vào các dự án tại Việt Nam là một trong những nguyên nhân thu hút nhiều khách hàng từ các thị trường này đến Việt Nam để đầu tư, mua căn hộ ở chính những dự án đó. Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu, cho biết từ năm 2015 đến nay, khi chính sách của nhà nước cho phép người nước ngoài mua nhà đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện thông thoáng để người dân các nước sở hữu nhà tại Việt Nam. Điều này phù hợp với xu thế của các nước nhìn nhận về môi trường đầu tư, nhất là người Trung Quốc. Các nhà đầu tư này đã có những chuyến khảo sát thực tế và nhận thấy Việt Nam là lựa chọn hấp dẫn. Họ nhìn ra được giá trị một căn hộ đầu tư tại các TP lớn ở Trung Quốc như Thâm Quyến, Quảng Châu… có thể mua được 2 căn hộ tại Việt Nam. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng thúc đẩy các nhà đầu tư Trung Quốc tìm đến Việt Nam để hưởng lợi. Điều này lý giải vì sao lượng giao dịch của người Trung Quốc trên thị trường căn hộ tăng mạnh. Ông Lê Hoàng Châu lưu ý con số về người Trung Quốc mua căn hộ tại TP HCM tăng đột biến có thể chỉ là những khách hàng của CBRE Việt Nam, vì họ có dịch vụ môi giới bất động sản chứ không phải của toàn TP HCM.
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn dòng ngoại hối rót vào không chỉ từ Trung Quốc mà từ nhiều quốc gia khác. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư nhận thấy chi phí tại Việt Nam cạnh tranh, khả năng thu lợi nhuận cao.
Nhiều dự án có tỉ lệ vượt mức khống chế
Luật sư Lê Thế Hùng, Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam, cho biết quy định hiện nay khống chế số lượng người nước ngoài được mua căn hộ không được vượt quá 30% số lượng căn hộ là nhà ở thương mại áp dụng đối với một tòa nhà chung cư. Ngoài ra, người nước ngoài cũng bị giới hạn không quá 250 số lượng căn hộ hoặc không quá 10% số căn hộ đối với dự án có dưới 2.500 căn hộ. Người nước ngoài cũng bị một khống chế khác về quyền sở hữu đó là không quá 50 năm. Theo luật sư Hùng, tỉ lệ 30% là lũy kế của tất cả người nước ngoài trong tòa nhà chung cư, tính từ khi dự án đủ điều kiện mở bán tới khi đạt đủ số lượng khống chế. Chủ đầu tư phải báo cáo cơ quan chức năng về số lượng căn hộ do người nước ngoài mua trong dự án.
Tuy nhiên, luật sư Hùng cũng chỉ ra một thực tế là các tỉ lệ sở hữu nói trên vẫn có những hạn chế nhất định. Ví dụ, một căn hộ ban đầu được sở hữu bởi một doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam nhưng sau khi chủ sở hữu chuyển nhượng cổ phần hoặc phần góp vốn của doanh nghiệp cho người nước ngoài thì về khía cạnh pháp lý, căn hộ là một phần tài sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, trên thực tế, chủ sở hữu của các căn hộ là người nước ngoài. Không hiếm để bắt gặp các dự án, chung cư có tỉ lệ sinh sống của người nước ngoài vượt quá 30% như quy định.
Luật sư Hùng khẳng định việc mua đất ở hay nhà ở gắn liền với đất là như nhau, không phân biệt giữa bất kỳ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. Ngoài những dự án nhà ở thương mại (bao gồm cả chung cư, nhà ở liền kề, biệt thự) thì người nước ngoài không được quyền mua đất ở, nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cũng ghi nhận những thỏa thuận giữa các cá nhân, tổ chức Việt Nam và cá nhân, tổ chức nước ngoài trong việc mua nhà ở, đất ở để người nước ngoài sử dụng. Mặc dù vậy, dưới khía cạnh pháp lý là giấy chứng nhận thì chỉ có người Việt Nam đủ điều kiện và cơ sở để mua nhà ở, đất ở.
Sỹ Đông
Bình luận (0)