Tại TP HCM, 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng KH-CN chiếm tỉ trọng cao là: cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa, cao su và chế biến tinh lương thực thực phẩm đang tăng dần qua các năm. Ngoài ra, ngành nông nghiệp TP HCM đang chuyển dần sang nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây, giống con và các sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị sản xuất tập trung có năng suất cao.
Trong thời gian tới, TP HCM tiếp tục phấn đấu giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Để đạt được mục tiêu này, cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực nêu trên.
"TP HCM cần đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực có ưu tiên như: công nghệ xanh, trí tuệ nhân tạo, và internet vạn vật (IoT). Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi để chuyển giao công nghệ từ các trung tâm nghiên cứu sang doanh nghiệp, từ ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm và dịch vụ thực tế. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa các doanh nghiệp công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và cộng đồng địa phương sẽ tạo ra một môi trường thúc đẩy sự phát triển bền vững hơn" - ông Nguyễn Hồ Hải gợi ý.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TP HCM, thông tin dù TP HCM đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực KH-CN nhưng cũng gặp không ít thách thức. Trong đó có thể kể đến việc đầu tư cho KH-CN còn nhỏ lẻ, tỉ lệ chi cho KH-CN dù cao hơn trung bình chung của cả nước nhưng chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của TP HCM và xu hướng chung trên thế giới.
Bình luận (0)