Đây là năm thứ 16 chương trình bình ổn thị trường được triển khai thực hiện trên địa bàn TP HCM.
Theo kế hoạch năm 2017, 88 đơn vị (tăng 2 đơn vị) tham gia 4 chương trình bình ổn thị trường TP HCM: lương thực - thực phẩm thiết yếu; các mặt hàng sữa; hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2017-2018 và dược phẩm thiết yếu. Sản lượng hàng hóa của từng nhóm mặt hàng bình ổn sẽ chiếm từ 25%-40% nhu cầu thị trường và tăng bình quân 30%-35% so với kết quả thực hiện năm 2016. Trong đó, chương trình lương thực - thực phẩm sẽ tham gia bình ổn đối với 9 nhóm mặt hàng, gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản. Hàng hóa bình ổn sẽ chiếm 25%-30% nhu cầu thị trường trong các tháng thường và khoảng 30%-40% trong tháng giáp Tết. Hàng hóa bình ổn mùa khai trường chiếm 35%-50% nhu cầu tiêu dùng và tăng 15%-30% so với kết quả thực hiện năm 2016. Các mặt hàng sữa trong chương trình bình ổn thị trường cũng dự kiến chiếm 30%-35% thị trường TP HCM; các mặt hàng dược phẩm bình ổn chiếm trên 50% thị phần các nhóm thuốc thiết yếu với 21 nhóm hàng và hơn 600 hoạt chất. Ở mỗi chương trình, các doanh nghiệp (DN) tiếp tục bổ sung chủng loại hàng hóa nhằm tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Theo UBND TP HCM, chương trình bình ổn thị trường năm 2017 tiếp tục gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng hóa phải bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và phải được phân phối rộng khắp trên địa bàn. Cơ chế thực hiện chương trình cũng tương tự như năm 2016. Cụ thể, tiếp tục sử dụng nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện chương trình, không sử dụng ngân sách nhà nước. Các DN tham gia chương trình được giới thiệu, kết nối vay vốn tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình với hạn mức, mức lãi suất hợp lý để đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường và dự trữ hàng hóa. Giá bán hàng bình ổn vẫn do DN tự xây dựng, tự kê khai với Sở Tài chính và theo nguyên tắc chung của chương trình. Trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động 5%-10% so với thời điểm kê khai giá trước đó, DN sẽ kê khai lại giá để được xem xét điều chỉnh; trường hợp thị trường giảm giá chưa đến 5% thì DN chủ động thực hiện các chương trình khuyến mãi. Cũng trong năm nay, thành phố tiếp tục kết nối ngân hàng - DN và triển khai sâu rộng chương trình kích cầu cùng khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 đến các DN tham gia bình ổn.
Bình luận (0)