Tại buổi giao ban với các tổ đại biểu của HĐND TP HCM sáng 17-10, nhiều ý kiến đề xuất cần đưa vấn đề hậu giải quyết các dự án treo ra chất vấn tại kỳ họp cuối năm nay. Theo đại biểu Trần Trọng Dũng, sau khi tiến hành “xóa treo”, nhiều dự án vẫn cứ “nằm lì” năm này qua tháng nọ, không triển khai thực hiện. Trong khi đó, quyền lợi người dân không biết đến bao giờ mới được giải quyết.
Bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM, cho biết chủ trương của thành phố là kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án chậm tiến độ. Tính đến nay, TP đã rà soát hủy bỏ chủ trương chấp thuận đầu tư và các quyết định giao đất, cho thuê đất của 135 dự án với diện tích hơn 2.000 ha. TP cũng hỗ trợ, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân trong vùng quy hoạch. Trong thời gian tới, HĐND TP sẽ tiếp tục giám sát chặt vấn đề này.
Cùng ngày, thông tin với đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM về đời sống của người dân sau tái định cư giai đoạn 2007-2012, ông Lê Văn Vân, Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 6, cho biết chỉ 20%-30% hộ dân bị giải tỏa của các dự án trên địa bàn quận nhận suất tái định cư, 70% còn lại nhận tiền tự lo nơi ở mới. Báo cáo của quận 6 cho thấy chính quyền chỉ nắm được phần nào đời sống của người dân sau tái định cư, còn đối tượng nhận tiền tự lo nơi ở mới thì không có điều kiện khảo sát, đánh giá.
Với con số 70% hộ bị giải tỏa nhận tiền tự lo nơi ở mới, ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, lo ngại: “Coi chừng nơi ở mới của số hộ này lại là “khu ổ chuột trong tương lai”. Ông Hùng đề nghị quận 6 cần phối hợp với các đoàn thể tổ chức khảo sát sâu hơn về đời sống của những người tự lo nơi ở mới để có đánh giá một cách toàn diện.
Cũng trong ngày 17-10, HĐND TP HCM đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM về vấn đề nhà ở xã hội (NOXH). Đại diện ngân hàng cho biết đã có 137 khách hàng (đều là cá nhân) được ký hợp đồng vay vốn gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng của Chính phủ với tổng mức vay 78,4 tỉ đồng, trong đó đã giải ngân 22,6 tỉ đồng cho 58 khách hàng.
Việc triển khai gói vay ưu đãi đang gặp nhiều khó khăn: Nhiều văn phòng công chứng ngại công chứng tài sản hình thành trong tương lai, NOXH sau 10 năm mới được chuyển nhượng nên ngân hàng không thể công chứng hoặc giao dịch bảo đảm các hợp đồng đối với loại tài sản này... Trong số 137 khách hàng, chỉ có 2 người mua NOXH, còn lại mua nhà thương mại vì NOXH hiện chưa nhiều.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, nhận xét gói vay 30.000 tỉ đồng chủ yếu hỗ trợ người thu nhập thấp nhưng người lao động thu nhập thấp không dám mơ đến. “Người thu nhập thấp là thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng. Theo quy định vay vốn trong vòng 10 năm thì mỗi tháng họ phải trả 6-7 triệu đồng, số tiền còn lại không đủ sống. Theo tôi, nên tăng thời gian cho vay vốn để giảm số tiền trả nợ hằng tháng” - ông Cường kiến nghị.
Theo đại diện Agribank, các ngân hàng hiện không hào hứng với gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng vì thời gian cho vay quá dài nên chậm thu hồi vốn. Bên cạnh đó, đối tượng là người thu nhập thấp nếu “vợ ốm, con đau” sẽ ảnh hưởng khả năng trả nợ, xuất hiện nợ xấu.
Bình luận (0)