Theo ông Hòa, trên địa bàn quận 1 hiện có 5 chợ truyền thống và 3 chợ tạm. Trong 3 chợ tạm không đủ điều kiện tồn tại, thuộc diện phải chấm dứt hoạt động thì chợ Tôn Thất Đạm đã có văn bản chỉ đạo của UBND TP HCM phải giải tỏa, chấm dứt hoạt động sau Tết Nguyên đán 2017. Tuy nhiên, đến nay việc giải tỏa chợ vẫn chưa thực hiện được do vướng về quy định hỗ trợ di dời cải tạo chợ.
Một góc chợ Tôn Thất Đạm. Ảnh: Tấn Thạnh
"Từ năm 2007, thành phố có Quyết định 06 về di dời cải tạo chợ. Theo Quyết định này, khi chấm dứt hoạt động chợ, các hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ 30% lợi nhuận của một năm sau thuế. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh tại chợ Tôn Thất Đạm đang đóng thuế khoán trên doanh thu nên không xác định được lợi nhuận để tính hỗ trợ.
Ngoài ra, quyết định này ra đời đã 11 năm, một số điều khoản không còn phù hợp với thực tế của quận 1 nên rất khó thực hiện. UBND quận 1 đã có kiến nghị UBND TP giao Sở Tài chính, Sở Công Thương tính toán trên cơ sở khảo sát thực tế tình hình chợ ở quận 1 để sửa Quyết định 06 theo hướng hỗ trợ chi phí di dời chợ theo tỉ lệ % trên doanh thu" – ông Hòa cho biết.
Việc giải tỏa chợ còn gặp khó do quận 1 không có mặt bằng để tái bố trí cho tiểu thương kinh doanh. UBND quận 1 đã phối hợp với Sở Công Thương giới thiệu một số chợ còn trống mặt bằng cho tiểu thương chợ Tôn Thất Đạm khảo sát, sắp xếp thuê địa điểm buôn bán mới.
Chợ Tôn Thất Đạm có hơn 200 hộ, sạp kinh doanh, nằm hoàn toàn trên lòng đường Tôn Thất Đạm, kinh doanh các ngành hàng gồm thực phẩm, ăn uống, thời trang… Trong đó, hơn 90% hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm, còn lại dưới 100 triệu đồng/năm.
Không riêng quận 1 mà hầu hết các quận huyện đang gặp khó khăn trong việc giải tỏa chợ tạm. Trừ chợ Tôn Thất Đạm thuộc diện phải giải tỏa theo quyết định của UBND TP HCM, khoảng vài chục chợ tạm còn lại trên địa bàn TP HCM đang được tạm duy trì hoạt động, chờ thực hiện chỉnh trang đô thị sẽ kết hợp giải tỏa trả mặt bằng.
Bình luận (0)