Bộ Công Thương sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi dưới dạng thông tư hướng dẫn.
Doanh nghiệp tự định giá
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho biết phương án quản lý giá sữa thời gian tới vẫn dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành cũng như các cam kết quốc tế... và áp dụng chung cho tất cả thương nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.
Cụ thể, các doanh nghiệp (DN), HTX đầu mối (sản xuất, nhập khẩu) có trách nhiệm tự xác định giá bán lẻ sữa và thực phẩm chức năng đến người tiêu dùng cuối cùng và đăng ký hoặc kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; triển khai giá bán này cũng như chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng trong toàn chuỗi phân phối trên cả nước; thông báo hệ thống phân phối của mình để cơ quan quản lý nhà nước giám sát việc thực hiện giá bán sản phẩm trên thị trường như đã đăng ký hoặc kê khai. Cơ quan quản lý nhà nước dựa trên khai báo của DN sẽ xác định tính hợp lý, hợp pháp của giá sữa do DN, HTX đăng ký, kê khai và giám sát việc thực hiện giá bán này trên thị trường.
Theo đó, DN, HTX đầu mối sẽ tự xác định giá bán lẻ đối với sữa và thực phẩm chức năng do mình cung ứng và thực hiện việc kê khai, đồng thời thông báo hệ thống phân phối của mình với Bộ Công Thương. Sau khi xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký hoặc kê khai, Bộ Công Thương sẽ thông báo mức giá này và thông tin về hệ thống phân phối của từng DN, HTX đầu mối đến cơ quan quản lý địa phương để phối hợp giám sát ở khâu bán lẻ cuối cùng. Giá này sẽ là mức trần sản phẩm sữa bán trong toàn hệ thống của DN.
“Phương thức quản lý mới sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả... mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đồng thời, xác định được trách nhiệm của các DN, HTX khi có vi phạm hoặc có thể thu hồi được sản phẩm trong trường hợp có vấn đề về chất lượng” - ông Lộc An nhận định.
Việc này cũng được Bộ Công Thương đánh giá vừa bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng vừa tôn trọng nguyên tắc thị trường cũng như các quy định về thương mại, quản lý giá hiện hành.
Cần kiểm tra tính hợp lý
Theo các kết quả nghiên cứu, thị trường sữa công thức cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi tại Việt Nam có lượng cầu không lớn so với các nước trong khu vực nhưng lượng cung lại khá cao. Trong đó, phân khúc cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi có 28 công ty tham gia với 50 nhãn hàng, phân khúc cho trẻ từ 6-12 tháng có 27 công ty với 53 nhãn hàng. Điều này chứng tỏ sự đa dạng trong cạnh tranh và khả năng xảy ra độc quyền nhóm, phản cạnh tranh là rất ít.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá việc bỏ trần giá sữa là cần thiết và lẽ ra nên làm từ lâu. “Việc áp trần giá sữa vừa qua là khiên cưỡng, không theo thị trường. Thị trường sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là cạnh tranh thực sự nên không cần nhà nước định giá” - ông Long nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, muốn áp trần giá sữa, cơ quan nhà nước cần xem có DN nào độc quyền, thống lĩnh thị trường hay không. Nếu có độc quyền, có liên kết thao túng giá thì mới áp trần giá sữa, còn ngược lại thì nên gỡ bỏ ngay biện pháp quản lý theo kiểu hành chính. “Nên bỏ mức trần nhưng phải có cách kiểm tra tính hợp lý của giá sữa mà DN đăng ký” - ông Ngô Trí Long kiến nghị.
Về cách thức quản lý, các chuyên gia cho rằng cần phải dựa vào hàm lượng protein, khoáng chất, vitamin..., bởi các yếu tố này sẽ quy định giá bán. “DN đăng ký, kê khai giá nhưng cơ quan nhà nước làm sao để kiểm tra, đánh giá chính xác. Đấy mới là vấn đề cần làm để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, với việc bỏ trần giá sữa, việc cần làm đầu tiên của cơ quan quản lý là khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các DN; đồng thời, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn độc quyền, thao túng giá sữa” - ông Long cảnh báo.
“Sách trắng” năm 2016 của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam đánh giá việc Việt Nam đưa ra các quy định can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của DN là đáng lo ngại về một môi trường đầu tư chưa thực sự ổn định, thân thiện và hội nhập, đồng thời ngược với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường của Chính phủ.
Đến “Sách trắng” năm 2017, chuyện này lại được Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam nhắc lại và khuyến cáo: “Biện pháp áp giá trần với sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi không chỉ tác động tới kết quả hoạt động ngắn và trung hạn của DN mà còn ảnh hưởng đến thương mại và triển vọng đầu tư trong dài hạn”.
Doanh nghiệp, người tiêu dùng đồng tình
Trước thông tin trần giá sữa có thể được gỡ bỏ, phần lớn DN cho rằng như vậy giá mặt hàng này được trả về cho thị trường và giảm thiểu sự can thiệp hành chính. Theo họ, việc kiểm soát giá bán các sản phẩm ở phân khúc cao cấp và trung bình là không cần thiết mà chỉ nên áp dụng biện pháp bình ổn giá lên phân khúc thấp hơn để bảo đảm khả năng tiếp cận sản phẩm của người tiêu dùng có thu nhập thấp. “Thị trường hiện có hơn 900 mặt hàng sữa, tức là cạnh tranh lắm rồi. Việc áp giá trần có thể là không cần thiết nữa. Các DN tự cạnh tranh và rời khỏi thị trường nếu không trụ được, như Meiji và Dumex Danone chẳng hạn. Dumex có mặt tại Việt Nam hơn 20 năm và là một trong những công ty lớn trên thế giới nhưng cũng phải rời đi” - đại diện một DN sữa nhìn nhận.
Chủ một đại lý sữa trên đường Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cho biết đã nghe thông tin việc DN kinh doanh sữa sẽ tự xác định giá bán. “Như vậy là hợp lý. Về phía DN phân phối như chúng tôi có thể dễ dàng trong quản lý mặt hàng cũng như điều phối sản phẩm, lựa chọn nhà cung cấp có giá hợp lý và được người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh đó, nhà cung cấp sữa có thể tự điều chỉnh mức giá ưu đãi cho khách hàng trong thời gian khuyến mãi nhưng không bán phá giá. Ngoài ra, người dân cũng được hưởng lợi khi các công ty, đại lý cung cấp mở các chương trình khuyến mãi” - chủ đại lý này phân tích.
Chị Hoàng Hải Vân (quận Đống Đa) cho rằng việc gỡ trần giá sữa nếu như giúp các sản phẩm có giá thành cạnh tranh hơn, nâng cao chất lượng thì chị hoan nghênh. “Biện pháp quản lý nào cũng được, miễn là không làm tổn hại đến người tiêu dùng” - chị Vân nói.
Ph.Nhung - Ng.Hưởng
Bình luận (0)