Ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty TNHH Việt Á Agrifood (TP HCM) - chuyên xuất khẩu chính ngạch trái cây sang Trung Quốc, cho biết 2 mặt hàng công ty đang xuất khẩu là thanh long và chuối đang trong tình trạng không đủ bán.
Nhiều loại tăng giá
Thanh long hiện có giá trung bình 20.000 đồng/kg (ruột trắng), 35.000-40.000 đồng/kg (ruột đỏ); chuối 12.000-16.000 đồng/kg. Đây là mức giá rất tốt cho nông dân.
Theo ông Chất, phía Trung Quốc đang hút chuối từ Việt Nam do vùng trồng tại tỉnh Quảng Tây và nơi nhập khẩu Philippines đang mất mùa. Ông Chất cho biết từ khi Trung Quốc siết nhập khẩu biên mậu, hoạt động xuất khẩu chính ngạch tăng trưởng tốt do ít phải cạnh tranh với dòng hàng này.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (tỉnh Long An), xác nhận thông tin thương lái Trung Quốc tăng mua chuối Việt Nam, đẩy giá thị trường lên cao. Tuy nhiên, do chi phí nhân công và bao bì đóng gói khá cao, hơn 4.000 đồng/kg, nên giá chuối nông dân thực nhận chỉ khoảng hơn 10.000 đồng/kg.
"Hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đang chạy đua với quy định về truy xuất nguồn gốc, các lô hàng phải thể hiện vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… để được thông quan. Mốc thời gian 1-6 là thời điểm 100% lô hàng nông sản nhập khẩu phải thực hiện quy định trên chứ không phải bắt đầu thực hiện như cách hiểu của một số người" - ông Huy cho biết.
Theo ông Chất, Trung Quốc không chỉ siết về thông tin truy xuất nguồn gốc trên nhãn mác mà sắp tới còn siết về an toàn thực vật, tức kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. "Những quy định này trước mắt có thể gây khó khăn cho xuất khẩu nhưng về mặt tích cực sẽ tốt cho toàn thị trường vì người tiêu dùng ở đâu, Trung Quốc hay Việt Nam, cũng cần trái cây an toàn" - ông Chất nhìn nhận.
Ngoài thanh long và chuối, giá mít Thái vẫn "nóng" liên tục trong nhiều tháng qua. Mít hiện vào cuối vụ, giá lên đến 60.000-70.000 đồng/kg nhưng nông dân không có hàng bán.
Theo các doanh nghiệp, sự ấm lên của thị trường Trung Quốc trong tháng 3-2019 hy vọng sẽ đưa xuất khẩu rau quả vào quỹ đạo tăng trưởng dương như những năm trước đây.
Mít Thái ở ĐBSCL đang được thương lái săn lùng, giá cả tăng vọt so với vài tháng trước. Ảnh: CA LINH
Chưa bền vững
Trong khi đó, khoai lang là một trong những mặt hàng thuộc nhóm rau quả đang phải "giải cứu" do bí đầu ra, một phần vì Trung Quốc siết nhập khẩu tiểu ngạch trong khi mặt hàng này chưa có trong danh sách được phép xuất khẩu chính ngạch.
Vừa qua, vùng khoai lang giống Nhật hơn 600 ha tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đã phải tiêu thụ qua kênh "giải cứu" của các tổ chức cộng đồng. Trong đó, Ngân hàng Thực phẩm (Food Bank Việt Nam) đã phát động chương trình "Khoai lang nghĩa tình" với 700 tấn khoai lang được tiêu thụ sau 2 tuần.
Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc Food Bank Việt Nam, cho biết đang khởi động dự án HTX nông nghiệp chia sẻ (theo kiểu Grab) với kỳ vọng tạo đầu ra bền vững cho nông dân nhờ công nghệ. "Dự án sẽ làm việc với các nông dân ở những vùng trồng từng phải "giải cứu" như chuối ở Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), khoai lang ở Phú Thiện để vận động họ vào HTX. HTX sẽ quản lý vùng trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và minh bạch quá trình sản xuất để người tiêu dùng hiểu và tin vào sản phẩm. Nhờ công nghệ, HTX sẽ không cần trung gian, bán trực tiếp đến người tiêu dùng với giá hợp lý" - ông Khởi nêu giải pháp.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, trái cây Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ở dạng tươi (khoảng trên 90%), còn lại để chế biến. Điều này tạo ra một sức ép tiêu thụ lớn trong thời gian ngắn khi rau quả đến kỳ thu hoạch khiến tình trạng giải cứu nông sản liên tục lặp lại.
Cả nước hiện chỉ có khoảng 145 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp, với tổng công suất thiết kế trên 800.000 tấn sản phẩm/năm nhưng hầu hết các nhà máy đều trong tình trạng thiếu nguyên liệu, công suất thực tế chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Các sản phẩm quả chế biến hiện nay chủ yếu gồm: đồ hộp (dứa, nước quả... - chiếm khoảng 50%), đông lạnh (dứa, sầu riêng…), nước quả, sấy chiên chân không, sấy dẻo, muối,…
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn trong nước, đã quan tâm đầu tư mạnh vào lĩnh vực chế biến rau quả. Nhiều công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại đã được sử dụng - như thiết bị đóng gói của Tetra Pak; công nghệ và thiết bị cô đặc có thu hồi hương; công nghệ và thiết bị sấy lạnh, sấy bơm nhiệt... - kỳ vọng sẽ giúp gia tăng giá trị rau quả, hỗ trợ tiêu thụ cho các vùng trồng.
Bình luận (0)