Ngày 8-4, Bộ Tài chính cho biết trong quý I/2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã phát hành là 24.708 tỉ đồng. Trong đó, khối lượng phát hành chiếm tới 96% (23.825 tỉ đồng) kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 5-3.
Trong khi giai đoạn trước Nghị định 08 ra đời, số lượng TPDN được phát hành rất khiêm tốn. Thị trường TPDN trầm lắng khi trong tháng 2, chỉ có 3 lô trái phiếu phát hành thành công, trị giá khoảng 2.000 tỉ đồng.
TPDN phát hành thuộc lĩnh vực bất động sản chiếm tới 98,2% trong tổng khối lượng của quý I/2023 (Ảnh minh hoạ)
Theo Bộ Tài chính, trong quý I, lãi suất, kỳ hạn phát hành bình quân là 7,75%/năm và 2,37 năm. Về cơ cấu, 98,2% khối lượng phát hành thuộc lĩnh vực bất động sản, khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức chiếm 99,99%, trong đó các ngân hàng chiếm 77%.
Về tình hình thanh toán nợ trái phiếu và tái cơ cấu, trong quý I/2023, có 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán gốc, lãi TPDN với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19.200 tỉ đồng. Có 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư và báo cáo cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với khối lượng khoảng 9.600 tỉ đồng (chiếm 50% khối lượng chậm thanh toán).
Trước đó, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5-3-2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.
Theo Nghị định 08, đơn vị phát hành được thoả thuận với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo các nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đồng thời, cho phép được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
Nghị định mới ban hành cũng tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Về thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP), lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 31-3, tổng khối lượng huy động là 104.873 tỉ đồng, đạt 26,2% kế hoạch năm (400.000 tỉ đồng) và 97,1% kế hoạch quý I/2023 (108.000 tỉ đồng). Do tác động của tình hình thị trường, từ ngày 10-3, mặt bằng lãi suất giao dịch TPCP có xu hướng giảm và nhu cầu mua TPCP tăng cao trở lại.
Về thị trường chứng khoán, tính đến ngày 31-3, chỉ số VNIndex đạt 1.064,64 điểm, tăng 3,9% so với cuối tháng trước và tăng 5,7% so với cuối năm 2022. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 207,5 điểm, tăng 2,5% so với cuối tháng trước và tăng 1,1% so với cuối năm 2022.
Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM ngày 31-3 đạt 5.474 nghìn tỉ đồng, tăng 4,7% so với cuối năm 2022, tương đương 57,5% GDP ước tính năm 2022.
Bình luận (0)