Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa đưa ra dự thảo thông tư quy định về hoạt động thẻ NH để lấy ý kiến rộng rãi, trong đó điểm đáng chú ý là cho phép trẻ từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có tài sản riêng hoặc từ 11 tuổi đến dưới 15 tuổi có người bảo lãnh được đứng tên sở hữu thẻ thanh toán.
Xu thế chung
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là bước tiến mới trong chính sách về hoạt động thẻ NH của cơ quan quản lý theo thông lệ quốc tế. Trước đó, các chính sách về việc trẻ em có thể sở hữu sổ tiết kiệm, tài khoản NH do cha mẹ mở và là người trực tiếp giám hộ, theo dõi số dư của sổ, tài khoản cũng đã được áp dụng.
Ở các nước trong khu vực, việc trẻ đứng tên trên thẻ phụ (đồng sở hữu với một chủ thẻ khác là người đủ 18 tuổi) được áp dụng từ nhiều năm nay. Anh Hải Nguyên, một Việt kiều Mỹ làm việc tại TP HCM, cho biết tại Mỹ, trẻ em sở hữu thẻ thanh toán NH chung với cha mẹ là điều bình thường. Cha mẹ sẽ đứng ra mở thẻ, sau đó thêm tên các con vào (có thể vài người cùng lúc) làm chủ thẻ phụ và sử dụng chung trên thẻ, miễn sao thanh toán trong hạn mức cho phép.
Theo dự thảo thông tư đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến, trẻ từ 11 tuổi đến dưới 15 tuổi có người bảo lãnh sẽ được đứng tên sở hữu thẻ ngân hàng thanh toán Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Huỳnh Trung Minh, Phó Giám đốc khối khách hàng cá nhân của NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), nhận xét xu hướng ở nước ngoài là khuyến khích người trẻ tự lập và tự thanh toán một số hàng hóa, dịch vụ cho mình. Có khi trẻ chỉ 3-4 tuổi, đã biết nói rõ, đi siêu thị thì ba mẹ cũng dạy con cách cầm thẻ và thanh toán hàng hóa… Làm thẻ NH cũng không ngoại lệ nhằm giúp trẻ tạo tính tự lập.
“Bản thân các NH cũng rất muốn có thêm nhiều đối tượng khách hàng mở thẻ để đa dạng sản phẩm. Với trẻ em, dùng thẻ thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ có thể tránh các sự cố đáng tiếc như cướp giật, móc túi…” - ông Minh nói.
Chuyên gia tài chính - NH, TS Nguyễn Trí Hiếu hoan nghênh quy định mới này vì ở nước ngoài cũng cho phép trẻ em được mở thẻ NH dưới sự bảo trợ của cha mẹ. Chính sách này giúp thị trường thẻ Việt Nam phát triển ngang hàng với các nước trong khu vực, thu hút thanh toán không dùng tiền mặt.
Phải kiểm soát được rủi ro
Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB) nhìn nhận chính sách khuyến khích trẻ em sử dụng thẻ NH sẽ dần hình thành một xu hướng thanh toán qua thẻ trong tương lai. Hằng ngày, trẻ em đi nhà sách, siêu thị… và trả tiền mua hàng bằng thẻ sẽ giúp các em quen dần với văn hóa không dùng tiền mặt. Quan trọng là cha mẹ phải quan tâm, giám sát được việc dùng tiền của con một cách hợp lý, tiết kiệm.
“Trẻ em thường tò mò và có thể lên các trang mạng để mua hàng, thanh toán qua mạng, các NH thương mại cần tính đến việc kiểm soát một số trang web xấu. Ở Thái Lan, Malaysia, Philippines… đã có công nghệ hạn chế người dùng truy cập vào một số trang web có nguy cơ tiêu cực cao” - ông Huỳnh Trung Minh dẫn chứng.
Việc bảo mật liên quan đến thẻ, mật khẩu, mã PIN đối với trẻ em cũng cần được chú ý để phòng tránh rủi ro không đáng có. Làm sao để NH quản lý được rủi ro khi trẻ em có thể cho người khác mượn thẻ, quên mật khẩu. Việc giáo dục kỹ năng tài chính cho trẻ khi sử dụng thẻ NH và kiến thức về NH lúc này là cần thiết. “Các chương trình giáo dục kỹ năng tài chính cho người dân, nhất là trẻ em và những người ít tiếp xúc với NH nên xem là chương trình quốc gia do Chính phủ, Bộ Tài chính đứng ra triển khai” - TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Ngoài ra, theo ông Huỳnh Trung Minh, quy định việc phát hành thẻ với trẻ từ 11 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi phải do Thống đốc NH Nhà nước xem xét từng văn bản cũng nhằm kiểm soát tốt hơn chính sách mới này để việc phát hành thẻ đúng đối tượng, không phát sinh nợ xấu trên thẻ tín dụng.
Thị trường tiềm năng
Lĩnh vực thẻ NH tại Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng khi số lượng phát hành thẻ không ngừng tăng qua các năm. Nếu năm 2011, cả nước có 42 triệu thẻ thanh toán các loại, trong đó khoảng 40 triệu thẻ ghi nợ nội địa (ATM) thì đến cuối tháng 10-2014 đã có trên 77,3 triệu thẻ được phát hành với gần 15.900 máy ATM và trên 164.000 máy cà thẻ (POS/FDC) được lắp đặt và sử dụng. Phân khúc phát hành thẻ đem lại lợi nhuận lớn cho NH nên đang cạnh tranh rất gay gắt. Các NH thường hợp tác, liên kết với những trung tâm thương mại, siêu thị, hàng không, du lịch hoặc điểm mua sắm hàng hóa, dịch vụ... giảm giá, khuyến mãi cho khách hàng khi thanh toán qua thẻ.
Ông Nguyễn Đình Quý, Giám đốc Trung tâm Thẻ NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam:
Hạn mức nên từ 5-10 triệu đồng
Vấn đề nhiều người quan tâm là làm thế nào để chủ thẻ chính (thường là cha mẹ) kiểm soát chi tiêu của con mình. Phương án tốt nhất là chủ thẻ chính đề nghị NH luôn để thẻ phụ ở tình trạng đóng và chỉ mở giao dịch khi có yêu cầu của chủ thẻ chính, đồng thời khống chế hạn mức sử dụng từ 5-10 triệu đồng.
Một nỗi lo khác là các em dưới 15 tuổi có thể làm mất thẻ bất cứ lúc nào. Khi đó, kẻ xấu sẽ sử dụng thông tin thể hiện trên thẻ để mua hàng qua mạng. Vì thế, các bậc phụ huynh nếu mở thẻ tín dụng cho con thì nên mở thẻ ATM thông thường.
Ông Trịnh Thường Thức, Trưởng phòng Thanh toán Thẻ NH TMCP Ngoại Thương Việt Nam:
Cần khống chế phạm vi sử dụng
Có thể NH Nhà nước cho phép trẻ em mở thẻ phụ ATM là để phát triển thị trường thẻ trong học đường. Tại các quốc gia như Nhật Bản, Đức... đã phát hành thẻ ATM cho người dưới 15 tuổi có bảo lãnh của chủ thẻ chính. Tuy nhiên, đây là loại thẻ không được rút tiền mặt. Người sử dụng thẻ chỉ có thể thanh toán học phí, mua sắm dụng cụ học tập, thanh toán tiền mua hàng tại căng-tin trường học... Muốn làm được điều này, các NH phải có công cụ khống chế phạm vi lẫn hạn mức sử dụng thẻ, nếu không chủ thẻ chính sẽ đối mặt rủi ro bởi các em ở lứa tuổi 12-13 chưa thể kiểm soát tốt việc chi tiêu qua thẻ ATM.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tư vấn của NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam:
Phát hành thẻ không rút tiền mặt
Việc NH Nhà nước dự kiến cho phép phát hành thẻ ATM cho trẻ là để hạn chế tình trạng thanh toán bằng tiền mặt, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế thế giới. Tuy vậy, các NH cần thiết kế loại thẻ không rút tiền mặt, đồng thời hướng dẫn kỹ cho các em về an toàn sử dụng thẻ, tư vấn cho chủ thẻ chính nhiều cách thức kiểm soát chi tiêu của thẻ phụ.
T.Thơ ghi
Bình luận (0)