xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ: Sẽ dễ dàng hơn

Thanh Nhân

Quy định có nhưng hướng dẫn mù mờ, nếu sử dụng không hết hoặc không đúng thì phải truy thu, phạt chậm nộp thuế… khiến doanh nghiệp không dám trích lập, sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ

Đó là vấn đề được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm thảo luận tại hội thảo tháo gỡ khó khăn trong việc trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ (KHCN) của DN do Bộ KHCN, Hiệp hội DN và Cục Thuế TP HCM tổ chức sáng 17-4 ở TP HCM.

“Tắc”, “vướng”

Theo ông Phạm Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ KHCN, Chính phủ, Bộ KHCN có nhiều chương trình hỗ trợ hoạt động KHCN trong DN. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2008 đã quy định về trích lập quỹ phát triển KHCN. Một số thông tư của Bộ Tài chính cũng đã hướng dẫn về việc tính thuế TNDN, trong đó có quy định liên quan đến việc trích lập quỹ phát triển KHCN. Mới đây, Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định DN nhà nước phải trích 3%-10% thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển KHCN, DN ngoài nhà nước thì trích lập tối đa 10% để lập quỹ. Tuy nhiên, rất nhiều DN cho biết không sử dụng được quỹ này. Một số DN cao su ở Bình Dương, Công ty Vissan sau khi tìm hiểu về thủ tục trích lập quỹ đã thoái lui, không dám thực hiện.

 

Nhiều doanh nghiệp chưa dám trích lập, sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ do quy định pháp lý còn mù mờ Ảnh: tấn Thạnh

Nhiều doanh nghiệp chưa dám trích lập, sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ do quy định pháp lý còn mù mờ Ảnh: Tấn Thạnh

 

Trên thực tế, việc lập, quản lý và sử dụng quỹ quá rắc rối nên DN không dám trích lập quỹ. Từ năm 2011 đến tháng 9-2014, TP HCM mới có 76 báo cáo thành lập Quỹ Phát triển KHCN. Trong đó, 30 DN đã trích và sử dụng quỹ với tổng số tiền 430,1 tỉ đồng. Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Sài Gòn, cho rằng có quá nhiều ràng buộc và gắn với chế tài khắt khe nên không nhiều DN dám trích lập quỹ phát triển KHCN.

Hiện có 3 ách tắc lớn. Cụ thể, cơ chế kiểm tra, giám sát chi tiêu hợp pháp của quỹ đang gặp vướng do Thông tư 123 về thuế TNDN chỉ chấp nhận khoản chi sử dụng cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của DN tại Việt Nam là khoản chi hợp pháp. Thông tư 78 về thuế TNDN, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 cũng quy định tương tự. Song song đó, chế tài đối với DN trích lập quỹ nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích (trong thời hạn 5 năm) thì DN sẽ bị thu hồi số thuế TNDN tính trên khoản thu nhập đã trích lập quỹ và phần lãi phát sinh từ số thuế TNDN đó. Ngoài ra, quy định về hóa đơn chứng từ hợp lý hợp lệ cũng làm khó DN.

Cần đơn giản hóa

Khẳng định nghiên cứu ứng dụng KHCN không chỉ là vấn đề sống còn đối với DN lớn mà cả DN nhỏ và vừa, ông Đỗ Hướng Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco), cho biết ngay khi Bộ Tài chính có quy định cho DN lập quỹ phát triển KHCN, Maseco rất phấn khởi tìm hiểu. “Thế nhưng, khi đọc hết các hướng dẫn thấy rối quá, sợ quá, DN không dám trích lập quỹ. Chúng tôi sợ nhất là vấn đề thế nào là đúng, thế nào là sai. Quỹ được trích lập từ thu nhập trước thuế, DN phải lập hội đồng thẩm định, nghiệm thu theo tiêu chuẩn khoa học nhưng tiêu chí nào để xác định đạt hay không đạt. Đề tài nghiên cứu phải được áp dụng trong thực tế nhưng nếu điều kiện chưa phù hợp hoặc công trình nghiên cứu đã lạc hậu, không còn khả thi, nghiên cứu bỏ dở thì có được tính là chi phí hợp lý? Hay như trong đào tạo KHCN tại DN, nếu DN cho nhân viên đi học ở nước ngoài thì kinh phí đó có được tính vào chi phí cho phát triển KHCN không, tỉ lệ cho phép là bao nhiêu...” - ông Dương dẫn ra hàng loạt thắc mắc.

Theo các DN, trong việc trích lập quỹ KHCN, nhà nước chỉ tham gia hỗ trợ DN hơn 20% chi phí, còn lại hơn 70% là DN tự bỏ tiền túi ra làm nên nhà nước cần đơn giản hóa để dễ sử dụng. Thực tế lâu nay, mỗi năm DN đều chủ động đầu tư cho phát triển KHCN theo khả năng của mình, tất cả các chi phí đó đều được tính vào chi phí DN khi quyết toán thuế. “Giữa việc có bao nhiêu đầu tư bấy nhiêu và lập quỹ, đối diện với nguy cơ bị phạt, bị truy thu thuế… thì DN chẳng mặn mà lập quỹ làm gì” - ông Đỗ Hướng Dương nói.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, đề nghị Sở KHCN và Cục Thuế TP HCM cần ngồi lại, thống nhất chung các biểu mẫu hướng dẫn cho DN. Đặc biệt, Bộ KHCN nên có hướng dẫn chung để DN thuận tiện, yên tâm sử dụng làm cơ sở trích lập quỹ phát triển KHCN.

 

Sẽ sửa cho phù hợp thực tế

Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho biết với những quy định ngoài thẩm quyền, Cục Thuế TP HCM sẽ tổng hợp, báo cáo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế. “Sau hội nghị này, tôi sẽ có văn bản hướng dẫn DN, các chi cục thuế về quỹ KHCN theo hướng đơn giản, thuận lợi cho DN. Ngoài ra, kiến nghị Bộ Tài chính áp dụng theo Nghị định 95/2014/NĐ-CP: không quy định hành vi vi phạm về việc trích lập quỹ mà trong vòng 5 năm, không sử dụng hoặc sử dụng dưới 70% và điều khoản chế tài hành vi vi phạm đó. Còn việc sử dụng quỹ như thế nào về mặt kỹ thuật là do Bộ KHCN hướng dẫn, đề nghị Bộ KHCN sớm có thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 95 trên tinh thần đơn giản hóa thủ tục” - bà Nga cho biết.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo