Theo Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ, vàng trang sức phải đúng tiêu chuẩn, hàm lượng vàng mới được lưu thông trên thị trường. Với quy định này, thị trường sẽ không còn tình trạng gian lận tuổi vàng và người có vàng trang sức không còn chịu cảnh “mua đâu bán đó”. Tuy nhiên, lâu nay chưa có tổ chức nào công nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của vàng.
Từ thực trạng trên, Văn phòng Công nhận Chất lượng (BOA) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công nhận phòng thí nghiệm chất lượng sản phẩm vàng của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đạt chứng chỉ công nhận quốc tế ISO/IEC 17025, trong đó công nhận phương pháp đo tuổi vàng tại ACB phù hợp với các tiêu chuẩn Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP HCM (SJA), cho biết không chỉ ACB mà cả những công ty vàng lớn như Doji, PNJ... đều được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng vàng. Theo yêu cầu từ Thông tư 22, tất cả sản phẩm vàng trang sức lưu thông trên thị trường đều phải được kiểm định, công bố chất lượng và niêm yết hàm lượng vàng bao nhiêu phải bán giá bấy nhiêu.
Lâu nay, nhiều loại nhẫn, dây chuyền vàng được nhà sản xuất công bố hàm lượng vàng 75% nhưng thực tế chỉ 70%-73%. Thậm chí, một chiếc lắc tay bằng vàng ghi hàm lượng 75%, giá gia công 250.000 đồng nhưng chủ tiệm vàng chỉ tính chi phí gia công 100.000 đồng nhằm kích thích người mua. Đến khi người tiêu dùng tiến hành kiểm định thì hàm lượng vàng của chiếc lắc chỉ đạt 68%.
“Điều này chứng tỏ doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang không tin tưởng chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp khác, khiến người mua vàng của tiệm nào phải bán lại cho tiệm đó” - chủ một tiệm vàng tại khu vực chợ Bến Thành nói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh vàng cỡ lớn cũng cho hay các chủ tiệm vàng kiếm lời từ chênh lệch giá mua và bán, giá gia công sản phẩm. Để cạnh tranh, chủ tiệm vàng thường hạ giá gia công, bù lại là giảm tuổi vàng. Ví dụ, với món nữ trang vàng 18K phải có hàm lượng vàng không dưới 75%, còn nữ trang vàng 24K thì hàm lượng vàng không dưới 99,9% mới là sản phẩm đúng tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, do không ai kiểm soát, chế tài xử phạt nên nhiều chủ tiệm đã ăn gian tuổi vàng của người tiêu dùng bởi vàng nữ trang mà họ sản xuất có hàm lượng vàng thấp hơn rất nhiều (chỉ khoảng 58%-68%).
Từ giữa tháng 5-2015, cơ quan quản lý đã bắt đầu tiến hành kiểm tra chất lượng vàng trang sức trên diện rộng, đưa thị trường vàng trang sức hoạt động theo đúng quy định của Thông tư 22. Lúc này, phát sinh tình trạng giữa nhà sản xuất và cơ quan quản lý tranh cãi về chất lượng vàng trang sức do không có đơn vị làm trọng tài để phân giải.
Bình luận (0)