Trong chương trình hoạt động dày đặc từ ngày 14-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các bộ trưởng và đoàn công tác của Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các đối tác song phương và lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU).
Một trong những nội dung nổi bật là việc hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy sớm ký kết, phê chuẩn và đưa vào hiệu lực Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Bỉ Charles Michel
Kết quả rất tích cực là 12h trưa ngày 17-10, Ủy ban Châu Âu đã kết thúc phiên họp và đã thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng Châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA (dự kiến cuối năm 2018) và trình Nghị viện Châu Âu phê chuẩn (đầu 2019). Ngay chiều ngày 17/10/2018, Uỷ ban Châu Âu đã họp báo chính thức công bố thông tin tích cực này và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy đưa hiệp định này vào thực thi trong thời gian sớm nhất.
Đây là kết quả của cả quá trình phối hợp tích cực các nỗ lực về chính trị, đối ngoại, đàm phán, hợp tác, đấu tranh… của cả hai bên, là tin vui cho toàn thể người dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU.
Ngay trong chuyến công tác này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc hội đàm cấp cao với Thủ tướng Cộng hoà Áo, quốc gia hiện đang là chủ tịch EU; hội đàm với Thủ tướng Vương quốc Bỉ - nơi đặt trụ sở các cơ quan thuộc EU và rất nhiều cuộc gặp với chính giới, tổng thống, chủ tịch Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp, tham dự và phát biểu tại các diễn đàn doanh nghiệp với thông điệp nổi bật và được trao đổi sôi nổi là việc sớm ký, phê chuẩn và thực thi EVFTA, IPA do đây là lợi ích quan trọng của cả Việt Nam và EU.
Ngay sau khi Uỷ ban Châu Âu thông qua EVFTA, đầu giờ chiều ngày 17-10, Thủ tướng đã tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu (EP), cơ quan có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy EVFTA.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của cá nhân ông Chủ tịch trong việc tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU nói chung và giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu ÂU nói riêng.
Ông Bernd Lange bày tỏ vui mừng trước việc EVFTA đã được Uỷ ban Châu Âu thống nhất trình Hội đồng châu Âu để ký, đây là bước quan trọng để Nghị viện Châu Âu bắt đầu quá trình xem xét phê chuẩn, đáp ứng được sự mong đợi của cả hai bên, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa EU và Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương.
Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam – EU trên tất cả các lĩnh vực.
Cùng ngày, Thủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (EP) Antonio Tajani, gặp Chủ tịch Hạ viện Bỉ Siegfried Bracke.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Châu Âu; khẳng định Việt Nam luôn coi hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và EP là trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – EU.
Trên cơ sở việc Uỷ ban Châu Âu đã thông qua EVFTA, Thủ tướng đề nghị EP sớm xem xét tiến trình phê chuẩn các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) từ đầu năm 2019. Chủ tịch EP đặc biệt vui mừng trước việc Ủy ban Châu Âu đã thông qua việc trình EVFTA lên Hội đồng Châu Âu và nhấn mạnh EP sẽ nỗ lực để hoàn tất việc phê chuẩn các hiệp định EVFTA và IPA ngay trong đầu năm 2019, nhấn mạnh đây là lợi ích quan trọng của cả hai bên và có ý nghĩa lớn đối với thương mại châu Âu và châu Á.
Chủ tịch Antonio Tajani cũng khẳng định EP ủng hộ tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác phát triển giữa EU và Việt Nam, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của Việt Nam đồng thời hoan nghênh hợp tác đa phương và phối hợp giữa EU và Việt Nam trên các diễn đàn và tổ chức quốc tế; khẳng định ủng hộ các nỗ lực duy trì hoà bình, an ninh, tránh leo thang căng thẳng, tôn trọng lợi ích của các bên ở biển Đông trên cơ sở của luật pháp quốc tế.
Việc Ủy ban Châu Âu thông qua EVFTA ngay trước khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu lần thứ 12 (ASEM 12), nơi quy tụ sự tham dự của nguyên thủ 53 quốc gia châu Á và châu Âu là một thông điệp mới, mạnh mẽ và là hành động cụ thể khẳng định với cộng đồng quốc tế về nỗ lực đẩy mạnh kết nối, hợp tác liên khu vực giữa châu Âu và châu Á.
Trong thông báo của EU cũng đã nêu ý kiến của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jean Claude Junker nhấn mạnh Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam là ví dụ điển hình thể hiện chính sách thương mại hiện nay của EU, mang lại những lợi ích chưa từng có đối với doanh nghiệp và người dân Châu Âu và Việt Nam.
Chủ tịch EC nêu rõ việc Ủy ban Châu Âu thông qua việc trình EVFTA lên Hội đồng Châu Âu ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao Á – Âu lần thứ 12 là sự khẳng định cam kết của EU mở cửa thương mại với Châu Á và đề nghị Nghị viện Châu Âu cũng như các nước thành viên thực hiện các bước cần thiết để hiệp định này nhanh chóng có hiệu lực.
Cao ủy Thương mại EC, bà Cecilia Malstrom, nhấn mạnh Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và một thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp và các nhà đầu tư châu Âu, bày tỏ tin tưởng Nghị viện Châu Âu và các nước thành viên EU sẽ nhanh chóng thông qua hiệp định này để cho phép doanh nghiệp và người dân hai bên có thể sớm hưởng lợi những lợi ích từ EVFTA.
Tuyên bố chung Việt Nam - Bỉ
Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã thăm làm việc chính thức Vương quốc Bỉ từ ngày 16-18.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Charles Michel; tiếp kiến Nhà vua Philippe; hội kiến Chủ tịch Hạ viện Siegfried Bracke. Thủ tướng Chính phủ cũng đã tiếp xúc với các chính quyền vùng Flanders và vùng Wallonie. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Bỉ.
Tại hội đàm, hai Thủ tướng đã hoan nghênh những bước phát triển liên tục và tích cực trong quan hệ song phương. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ trong các lĩnh vực như đối ngoại và hợp tác kinh tế - xã hội, thương mại, giáo dục và khoa học. Hai Thủ tướng cũng đã thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Trong bối cảnh trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 (tại Bruxelles, từ 18 đến 19-10-2018), hai Thủ tướng tái khẳng định sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên trong hợp tác tại ASEM.
Hai Thủ tướng khẳng định vai trò trung tâm của Liên Hiệp Quốc vì hòa bình, an ninh quốc tế và phát triển bền vững. Hai nhà lãnh đạo khẳng định gắn bó với Hiến chương của Liên Hiệp Quốc và nhất trí tiếp tục những nỗ lực chung nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương hiệu quả, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và công bằng. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên ngôn về Quyền con người và cam kết quốc tế mà hai bên đã tham gia. Việt Nam chúc mừng Bỉ được bầu là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2019-2020. Bỉ tái khẳng định ủng hộ Việt Nam là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Hai bên cam kết thúc đẩy hợp tác trong các khuôn khổ đa phương.
Hai Thủ tướng khẳng định cần duy trì thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc ở tất cả các cấp. Hai bên nhắc lại tầm quan trọng tổ chức họp định kỳ các cơ chế tham vấn như Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Bỉ về hợp tác kinh tế. Hai bên đang tích cực phối hợp triển khai các kết quả đã đạt được tại khóa họp thứ 4 của Ủy ban Hỗn hợp đã diễn ra vào tháng 11-2017 tại Việt Nam và chuẩn bị tốt cho kỳ họp lần thứ 5 dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2019 tại Bỉ. Hai Thủ tướng hoan nghênh việc ký Bản ghi nhớ về thiết lập cơ chế tham vấn chính trị giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Hợp tác phát triển của Vương quốc Bỉ. Kỳ họp đầu tiên sẽ được tổ chức đồng thời với kỳ họp tới của Ủy ban Hỗn hợp.
Hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những tiến triển quan trọng và mong muốn tăng cường hợp tác trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước, tạo môi trường an toàn, công bằng và thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, đầu tư và trao đổi, đặc biệt trong các lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh và tiềm năng như hậu cần cảng biển và vận tải biển, công nghệ môi trường và năng lượng tái tạo.
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Bỉ trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và bày tỏ mong muốn EVFTA sẽ được ký kết và phê chuẩn trong thời gian sớm nhất. Hai bên đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình phát triển bền vững, là lĩnh vực mà Bỉ đã có bề dày kinh nghiệm trong hợp tác với Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn các chính quyền Bỉ về sự hỗ trợ và giúp đỡ dành cho Việt Nam từ 41 năm qua thông qua hợp tác phát triển; đánh giá cao việc triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác định hướng (ICP) và các chương trình, dự án trong khuôn khổ ENABEL và FINEXPO cũng như thông qua các tổ chức phi chính phủ. Hai Thủ tướng nhất trí trong thời gian tới cùng nghiên cứu các mô hình hợp tác mới, mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác và giữa nhiều đối tác đa dạng hơn, như hợp tác trực tiếp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và hợp tác vùng. Hai Thủ tướng hoan nghênh các nỗ lực nhằm tạo ra khuôn khổ mới về việc tài trợ ưu đãi các dự án hợp tác phát triển.
Nhận thấy lĩnh vực nông nghiệp là mảng hợp tác phong phú, đa dạng và đầy tiềm năng, hai nhà lãnh đạo nhất trí ủng hộ sự tham gia của các đối tác của hai bên, cấp liên bang và cấp vùng, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân trong việc soạn thảo và triển khai mối quan hệ đối tác đa dạng. Hai Thủ tướng hoan nghênh việc ký Hiệp định Đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp. Trên tinh thần đó, hai Thủ tướng hoan nghênh Bản ghi nhớ về hợp tác nâng cao năng lực vệ sinh an toàn thực phẩm giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Cơ quan Liên bang về an toàn thực phẩm Bỉ được ký nhân dịp chuyến thăm này.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh sự hợp tác và các kết quả thiết thực trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học giữa hai nước. Những chương trình nghiên cứu và dự án được triển khai giữa Cơ quan Định hướng chính sách nghiên cứu của Bỉ - BELSPO với các đối tác Việt Nam và thông qua hợp tác đại học. Phía Bỉ khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác này, đặc biệt thông qua sự ủng hộ của chính quyền liên bang đối với các kế hoạch 5 năm của Cơ quan Nghiên cứu và Đào tạo đại học (ARES) và Hội đồng liên trường đại học vùng Flanders (VLIR) và Viện Y học Nhiệt đới Anvers. Hai Thủ tướng bày tỏ quan tâm đối với dự án thành lập trường đại học châu Âu về quản lý tại Hà Nội và TP HCM. Trường đại học này sẽ dựa vào kết quả 23 năm hợp tác đào tạo quản lý của Trường Kinh doanh, Quản trị và Kinh tế Solvay.
Hai Thủ tướng khẳng định hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục – đào tạo giữa hai nước là phong phú và đa dạng, thể hiện sức sống trong quan hệ giữa Việt Nam và chính quyền các cộng đồng của Bỉ.
Lãnh đạo hai nước khẳng định tăng cường hợp tác, phối hợp quan điểm tại các diễn đàn đa phương; ủng hộ nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương hiệu quả, tự do hóa thương mại, liên kết kinh tế và sự gia nhập của các nước đang phát triển vào nền kinh tế thế giới. Với vai trò của Việt Nam trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và của Bỉ trong Liên minh Châu Âu (EU), Việt Nam và Bỉ cùng nỗ lực để thúc đẩy những cam kết của EU với khu vực, thông qua các tiến trình do ASEAN dẫn dắt, đồng thời hoan nghênh sự phát triển tích cực trong quan hệ EU - ASEAN.
Việt Nam và Bỉ sẽ cùng phối hợp để tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, đặc biệt trong khuôn khổ triển khai Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA).
Hai bên ủng hộ những nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, thịnh vượng và thượng tôn pháp luật; khẳng định vai trò tích cực của ASEAN trong thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đó có hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không trên biển cũng như giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982. Hai bên tái khẳng định ủng hộ nỗ lực của ASEAN và của Trung Quốc trong việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hai Thủ tướng bày tỏ tin tưởng những kết quả tích cực trong chuyến thăm sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bỉ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng mời Thủ tướng Bỉ thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp. Thủ tướng Charles Michel đã vui vẻ nhận lời./.
Bình luận (0)