Đa số doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với lãi suất cao trên 20%/năm. Trong ảnh: Vận hành dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Tôn Hoa Sen. Ảnh: Tấn Thạnh
Tiếp tục “đói” vốn
Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1-2012 ngày 4-2 cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1-2012 ước giảm 12,9% so với tháng trước và giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2011. Nhìn chung, sản xuất kinh doanh của các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, tiếp tục khó khăn do nhu cầu tiêu thụ giảm, lãi suất NH còn ở mức cao…
Theo Cục Thuế TPHCM, các DN bất động sản đã và sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm nay. Không ít đơn vị phải chấp nhận bán tháo dự án để gỡ vốn. Hiện 70% các dự án ngưng thi công do thiếu vốn. TS Lê Đăng Doanh dự báo ngành dệt may sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Những năm trước, thời điểm này khoảng 80% DN đã có đủ đơn đặt hàng cho đến hết năm nhưng năm nay chỉ mới nhận đơn hàng đến quý II/2012. Các mặt hàng đồ gỗ, hàng điện tử dân dụng, vật liệu xây dựng… cũng chịu nhiều sức ép lớn. Riêng xi măng, lượng tồn kho hiện lên đến 2 triệu tấn, trong khi mặt hàng này không thể để quá 3 tháng.
Thống kê của NH Nhà nước về tình hình hoạt động tuần qua cho thấy lãi suất cho vay tiền đồng tại các NH thương mại vẫn ở mức cao. Hiện lãi suất cho vay phổ biến ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu ở mức 14,5%-17%/năm, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh khác từ 17%-20%/năm và lĩnh vực phi sản xuất lãi vay vẫn 22%-25%/năm.
Doanh nghiệp “tự cứu mình” trước
Theo NH Nhà nước, mức tăng 1% của lạm phát trong tháng 1 đã tạo tiền đề tốt để thực hiện chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, NH Nhà nước vẫn phải cân nhắc về thời điểm để tiến hành điều chỉnh, tránh gây ra tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô. TS Trần Du Lịch cho rằng mục tiêu đưa lạm phát về 1 con số phải được đặt lên hàng đầu. Nếu không kiểm soát được thì không có cơ sở để kéo giảm lãi suất cho vay, đây là yếu tố tiên quyết mà mọi biện pháp phải hướng đến. Chính sách của Nhà nước phải giống như hoa tiêu dẫn đường trên con tàu để DN đi theo. Đồng thời, ngay bản thân các NH cũng phải giải quyết những khó khăn, thách thức đang gặp phải. Đầu tiên là thị trường liên NH: Nhiều NH gặp khó khăn về thanh khoản phải vay mượn trên thị trường này nhưng lãi suất vẫn ở mức cao và phải có tài sản thế chấp. Theo thống kê của NH Nhà nước đến đầu tháng 2-2011, lãi suất giao dịch bình quân qua đêm vẫn đứng ở mức 14,18%/năm. Ở kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng, lãi suất giao dịch còn vượt trên 20%/năm...
Không phải là thời kỳ bành trướng làm ăn Tại hội thảo do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh tổ chức gần đây, ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc phụ trách nguồn vốn của NH HSBC Việt Nam, nhận xét năm 2012 sẽ là năm có nhiều bất ổn khi tình hình kinh tế thế giới còn nhiều vấn đề như cuộc khủng hoảng đồng tiền chung euro, sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế tại các thị trường mới nổi và việc tái cấu trúc ở Việt Nam… Vì vậy, các DN sẽ cần phải rất cẩn trọng trong việc phát triển kinh doanh. Còn ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư Vina Capital, cho rằng các DN cần chủ động hơn nữa tìm kiếm nguồn vốn thay vì trông chờ vào các NH như có thể huy động vốn từ việc phát hành trái phiếu DN, trái phiếu chuyển đổi… “Năm nay không phải thời kỳ của làm ăn bành trướng, phát triển mạnh mà là phát triển chất lượng và ưu tiên thanh khoản. Nếu DN không có thanh khoản sẽ khó tồn tại được. DN nào có thể tận dụng được những cơ hội của thị trường như việc mua bán, sáp nhập và vượt qua được những thách thức về nguồn vốn thanh khoản hạn chế sẽ thành công” - ông Phạm Hồng Hải nhận xét. |
Bình luận (0)