Ngày 24-6, tại TP HCM, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 với sự tham gia của các địa phương sản xuất gạo và thương nhân xuất khẩu gạo.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, xuất khẩu gạo diễn biến bất lợi trong những tháng đầu năm 2019, các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam như: Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm. Trong 5 tháng đầu năm 2019, 3 thị trường trên chỉ nhập của Việt Nam 239.000 tấn gạo, giảm hơn 83% so với cùng kỳ năm 2018 (1,44 triệu tấn). Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực tìm kiếm thị trường thay thế, kết quả 5 tháng đầu năm đã xuất khẩu được 2,76 triệu tấn, giảm 6,3%, cơ bản tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa cho nông dân. Trong khi đó, Thái Lan giảm tới 16% về sản lượng. Dự báo trong thời gian tới, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị ngày 24-6
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy 5 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập từ Việt Nam 223.078 tấn gạo, trị giá hơn 111,3 triệu USD, giảm gần 74% so với cùng kỳ năm 2018 do tồn kho cao và việc nước này nâng cao hàng rào kỹ thuật. Trung Quốc từng là thị trường số 1 của gạo Việt Nam, chiếm hơn 40% thị phần thì nay xuống thứ 3 (sau Philippines và Malaysia), còn 8,1%.
Năm 2019, Trung Quốc cấp hạn ngạch nhập khẩu gạo 5,32 triệu tấn nhưng dự báo chỉ nhập khoảng 3,5 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với năm 2018. Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu gạo của nước này trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt 850.000 tấn, giảm 24,4% trong khi xuất khẩu cũng xấp xỉ lượng nhập, với 829.900 tấn, tăng 112,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông tin thêm, các nước xuất khẩu gạo trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ,… đang xem Trung Quốc là đối thủ mới khi Trung Quốc có thể vươn lên vị trí thứ 5 thế giới về xuất khẩu gạo khi giải phóng tồn kho.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá sau 9 tháng thực thi Nghị định 107/2018 về xuất khẩu gạo đã có 41 DN mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng tổng số DN có giấy phép xuất khẩu gạo lên 177. Tuy nhiên, chỉ có 76 DN gửi báo cáo hoạt động xuất khẩu đến Bộ Công Thương, 101 DN không gửi báo cáo theo quy định có thể bị tước giấy phép xuất khẩu gạo. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý các DN cần kinh doanh trung thực, giữ chứ tín, tránh trường hợp xuất khẩu sản lượng quá năng lực, như trường hợp 2 DN đã bị Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu.
Bình luận (0)