Ngày 7-6 tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã tổ chức công bố nghị định thư xuất khẩu gạo và cám sang thị trường Trung Quốc. Nghị định thư này vừa được Bộ NN-PTNT ký kết với Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) hôm 30-5 và có hiệu lực kể từ ngày ký.
“Gỡ” được nhiều điểm bất lợi
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thông thường, AQSIQ không ký kết với nước riêng lẻ mà phải ký với một nhóm các nước như ASEAN.
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, cho biết không chỉ riêng Việt Nam mà các nước xuất khẩu gạo sang Trung Quốc như Thái Lan, Campuchia, Mỹ đều bị “áp lực” kiểm dịch của AQSIQ. Với thị trường chính ngạch, Trung Quốc không hề tỏ ra dễ tính. Ngay như Mỹ, phải mất rất nhiều năm đàm phán, mãi đến đầu năm 2016 mới ký được hiệp định xuất khẩu gạo sang nước này.
Trong khi đó, Việt Nam đã có hiệp định với Trung Quốc từ năm 2004 nhưng sau đó bị trục trặc do cơ sở khử trùng gạo (biện pháp xử lý dịch hại trước khi xuất khẩu) duy nhất của ta được cổ phần hóa. Phía Trung Quốc yêu cầu đơn vị khử trùng phải thuộc nhà nước nên buộc Việt Nam đàm phán lại nghị định thư.
Ông Hoàng Trung cho rằng việc chỉ có duy nhất cơ sở khử trùng gạo cũng khiến xuất khẩu gạo bị động nếu máy móc hư hoặc thiếu người giám sát. Do vậy, trong nghị định thư mới, Việt Nam chỉ định 9 đơn vị khử trùng gạo và đang chờ Trung Quốc thẩm định. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng phải được lập danh sách để AQSIQ kiểm soát thay vì để DN xuất khẩu tự do như hiện nay.
Đáng chú ý, trong dự thảo, phía Trung Quốc đưa ra yêu cầu nếu phát hiện bất kỳ lô gạo nào vi phạm về dịch hại sẽ dừng ngay hoạt động nhập khẩu nhưng Việt Nam đã đàm phán để AQSIQ chỉ gửi cảnh báo để phía DN Việt khắc phục. Trong thời gian này, AQSIQ cũng gửi danh sách 66 lô gạo Việt Nam thời gian qua xuất khẩu sang Trung Quốc vi phạm về dịch hại cũng như an toàn thực phẩm để Việt Nam biết, đồng thời cảnh báo thời gian tới nếu phát hiện tiếp sẽ xử lý chứ không bỏ qua như khi đang đàm phán.
Vì vậy, ông Hoàng Trung đề nghị DN xuất khẩu gạo phải tuân thủ các quy định phía Trung Quốc vì quy định về dịch hại rất ngặt nghèo. Ví dụ, 1 lô gạo 60 tấn chỉ cần phát hiện 1 con dịch hại thuộc đối tượng kiểm dịch của Trung Quốc là cả lô sẽ bị kết luận nhiễm bệnh.
Cũng theo nghị định thư, trong năm nay, AQSIQ sẽ cử người kiểm tra vùng trồng, cơ sở vật chất của DN xuất khẩu (kho, nhà máy xay xát…). Toàn bộ chi phí cho việc khảo sát sẽ do nhà xuất khẩu Việt Nam chi trả (bao gồm chi phí đi lại, tiêu vặt, ăn ở) như thông lệ quốc tế.
Giảm phiền hà cho doanh nghiệp
Theo đánh giá của ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nghị định thư được ký kết là nỗ lực rất lớn của Việt Nam, tháo gỡ về mặt kỹ thuật, giảm phiền hà cho DN. Đây là một hành lang pháp lý rõ ràng, giúp DN xuất khẩu và tạo “thế” cho gạo Việt Nam ở những thị trường khác.
Ông Nam yêu cầu VFA đến cuối tháng 6 này phải chủ động lên danh sách các DN xuất khẩu sang Trung Quốc và lên kế hoạch chuẩn bị đón đoàn của họ sang kiểm tra vào thời điểm hợp lý.
Theo ông Huỳnh Minh Huệ, hiện Trung Quốc là thị trường nhập gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng lượng gạo xuất khẩu chính ngạch. Nếu tính thêm lượng gạo xuất tiểu ngạch thì có thể chiếm trên 50%. Gạo tiểu ngạch bị phía Trung Quốc xếp vào dạng hàng lậu nên họ đang tìm cách kiểm soát để giảm tỉ lệ thẩm lậu.
Với danh sách các DN xuất khẩu gạo gửi cho phía Trung Quốc, ông Huệ cho biết về nguyên tắc, 131 DN đủ điều kiện xuất khẩu gạo đều đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, VFA sẽ ưu tiên cho các DN đang đưa hàng sang Trung Quốc với số lượng lớn (khoảng 30-40 DN), có cơ sở vật chất tốt, có uy tín để họ kiểm tra. Bởi lẽ, những DN này sẽ dễ đạt ngay lần kiểm tra đầu tiên vì nếu không đạt thì DN sẽ càng tốn nhiều chi phí cho việc kiểm tra lại.
Giá lúa ĐBSCL giảm mạnh
Hai tuần qua, những cơn mưa lớn đầu mùa diễn ra trên diện rộng ở các địa phương ĐBSCL khiến nhiều diện tích lúa hè thu bị đổ ngã, gây thiệt hại rất lớn.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, đến thời điểm này, huyện chỉ mới thu hoạch hơn 4.000 ha/24.900 ha diện tích lúa hè thu do mưa đầu mùa. Hiện diện tích đổ ngã khoảng 80% tổng diện tích thu hoạch, năng suất giảm khoảng 500 kg/ha. Nhiều nông dân trồng lúa ở Kiên Giang, Hậu Giang cũng cho biết lúa đổ ngã không chỉ khiến chi phí thu hoạch tăng cao mà tỉ lệ hao hụt cũng tăng 20%-30% so với lúa bình thường.
Anh Đặng Văn Hiệp (ngụ xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh) than: “Đầu vụ hè thu, thương lái đến đặt cọc mua toàn bộ 1 ha lúa OM 5451 do gia đình tôi trồng với giá 5.000 đồng/kg. Khi mưa lớn, lúa bị ngã hơn 50% diện tích thì thương lái bảo không mua nữa. Họ nói lúa bị ngã thì chất lượng thấp. Có thương lái khác đến hỏi mua với giá 4.100 đồng/kg, tôi đành chấp nhận bán. Không bán thì không có nơi phơi lúa vì thời tiết mưa dầm như hiện nay”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - ở xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang - cho biết cách đây gần 1 tuần, lúa tươi Jasmine 85 (một trong những loại được chọn làm thương hiệu gạo Việt Nam) có giá 5.100 đồng/kg, lúa hạt dài loại OM 4900 là 5.000 đồng/kg nhưng hiện đã giảm chỉ còn lần lượt 4.700 đồng và 4.650 đồng/kg. Trong khi đó, lúa thường IR 50404 hiện chỉ còn 4.300 -4.400 đồng/kg, tức đã giảm 200-400 đồng/kg. Chính vì vậy mà nhiều thương lái đành bỏ tiền cọc mua lúa trước đó của nông dân. C.Linh - T.Nốt
Bình luận (0)