Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về đề xuất phương án thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư. Trong đó, cơ quan này đã nêu kinh nghiệm của Trung Quốc, Nhật Bản về thu phí trên đường cao tốc được đầu tư từ ngân sách.
Theo Bộ GTVT, từ năm 1990 đến năm 2005, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng 42.000 km đường cao tốc có thu phí, trong đó chủ yếu là mạng lưới đường trục cao tốc. Giai đoạn từ 2005 - 2025, Trung Quốc đã lập quy hoạch mở rộng mạng lưới cao tốc thu phí lên 85.000 km, trong đó 66% - 90% chi phí đầu tư sẽ từ ngân sách Chính phủ, ngân sách các tỉnh, TP chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng và một phần huy động từ nguồn vốn tư nhân.
Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên do Nhà nước đầu tư, hiện không tổ chức thu phí - Ảnh: Minh Phong
"Toàn bộ các tuyến đường cao tốc, dù đầu tư bằng nguồn vốn nào cũng đều được thu phí để hoàn vốn, vận hành, bảo trì và phát triển hạ tầng giao thông khác"- Bộ GTVT vận tải cho hay.
Sau khi hoàn vốn, một số trạm thu phí ở Trung Quốc tiếp tục tiến hành thu phí, điển hình như đường cao tốc sân bay Bắc Kinh. Nguyên nhân là do chấm dứt thu phí làm lượng phương tiện đi cao tốc tăng đột biến, gây tình trạng tắc nghẽn giao thông và hư hỏng đường. Bộ GTVT cũng nhấn mạnh, doanh thu từ việc tiếp tục thu phí trên các tuyến đường này được dùng để tiếp tục bảo trì đường và ngoài ra còn để tái phân bổ cho các khu vực nghèo hơn.
Đối với Nhật Bản, Bộ GTVT cho biết từ thập niên 50 tới đầu những năm 2000, Nhật Bản đã thông qua hai cơ chế tài chính: Thu phí sử dụng đường cao tốc và thu phí nhiên liệu phương tiện đường bộ, để phát triển và mở rộng được hơn 10.000 km đường cao tốc, trải nhựa được hầu hết các tuyến đường bộ chính.
Trong giai đoạn đầu, Chính phủ Nhật Bản sử dụng ngân sách để phát triển mạng lưới đường bộ, đường cao tốc, đồng thời bảo lãnh cho chính quyền trung ương và địa phương huy động vốn để xây dựng các dự án đường cao tốc và thu phí để hoàn vốn.
"Giai đoạn tiếp theo, để huy động hiệu quả hơn nữa các nguồn lực từ khối tư nhân, Nhật Bản đã thành lập Công ty công chính đường cao tốc Nhật Bản (JH). JH thay mặt cho Chính phủ Nhật Bản để thu phí đường bộ và hoàn trả các khoản vốn huy động ban đầu"- Bộ GTVT nêu kinh nghiệm của Nhật Bản.
Sau khi hệ thống đường cao tốc và đường bộ của Nhật Bản đã được đầu tư và xây dựng đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển, JH đã được tư nhân hóa và tái cấu trúc thành Cơ quan trả nợ và đường cao tốc Nhật Bản (JEDRA) và 6 Công ty đường cao tốc.
Theo Bộ GTVT, các Công ty đường cao tốc chịu trách nhiệm xây dựng đường với nguồn kinh phí được huy động từ các khoản vay, JEDRA thì chịu trách nhiệm hoàn trả khoản vay trong vòng 45 năm, với các nguồn thu từ đường bộ.
Về phía Việt Nam, Bộ GTVT đề xuất và Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề "phí chồng phí" đã được đặt ra bởi hiện nay người dân đã đóng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện hàng năm.
Hiện nay, đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư không thu phí sử dụng đường bộ qua trạm thu phí, gồm: Láng - Hòa Lạc (30 km), Hà Nội - Thái Nguyên (64 km), Nội Bài - Nhật Tân (15 km), Mai Dịch - Thanh Trì (Vành đai III 28 km), TP HCM - Trung Lương (40 km), Lào Cai - cầu Kim Thành (trên biên giới Việt - Trung, 19 km).
Theo Bộ Tài chính, nếu thu phí với mức 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn trên tổng 196 km này thì dự kiến hằng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỉ đồng.
Bình luận (0)