Chiều tối 8-8, tại TP HCM dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Công ty CP Ôtô Trường Hải (THACO) và Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã ký hợp tác chiến lược toàn diện.
Phát triển nông nghiệp bền vững
Theo cam kết, THACO sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc hỗ trợ HAGL tái cấu trúc toàn diện 2 công ty con là Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế HAGL (HAGL Agrico) và HAGL Myanmar dựa trên chiến lược phát triển bền vững, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thaco sẽ hỗ trợ HAGL Agrico phát triển, mở rộng ở các thị trường chính, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Đặc biệt, phát triển mạnh thị trường trong nước dựa trên 3 giải pháp đồng bộ là: ứng dụng công nghệ cao một cách phù hợp theo lộ trình; quản trị bằng ứng dụng công nghệ thông tin trên cơ sở số hóa và cơ giới hóa cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến cho các sản phẩm nông nghiệp chuyên biệt theo nhóm cây ăn trái và cây công nghiệp với tổng vốn đầu tư ước khoảng 12.000 tỉ đồng. Đồng thời, sẽ ứng dụng mô hình quản trị giao khoán trong nội bộ tiến đến hợp tác với nông dân bên ngoài, góp phần tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho nông nghiệp Việt Nam.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo TP HCM chứng kiến lễ ký hợp tác chiến lược giữa THACO và HAGL
Theo hợp đồng ký kết, đối với HAGL Agrico, thông qua hợp đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi mà công ty này chưa phân phối hết cho các cổ đông hiện hữu (để cấn trừ khoản nợ trên) và thông qua nghiệp vụ mua cổ phiếu, Thaco và nhóm cổ đông của công ty sở hữu 35% cổ phần tại HAGL Agrico với tổng số vốn đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng.
Đồng hành với HAGL
Cùng với đó, để đẩy nhanh việc xây dựng giai đoạn 2 khu phức hợp cao ốc ở Myanmar vốn đang bị chậm trễ và sớm hoàn thành dự án theo cam kết với chính phủ Myanmar, Công ty Địa ốc Đại Quang Minh, thành viên của THACO, đã đầu tư để sở hữu 51% Công ty HAGL Myanmar (chủ đầu tư dự án). Tới đây THACO sẽ tiếp tục nâng lên tỉ lệ sở hữu ở HAGL Myanmar lên 65%, tương đương số vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng. Theo đó, THACO sẽ chịu trách nhiệm chính đối với dự án này. Đây là dự án đầu tư tiêu biểu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam vào Myanmar, thể hiện mối quan hệ hợp tác kinh tế tốt đẹp giữa 2 nước.
Trong khuôn khổ đó, Công ty Địa ốc Đại Quang Minh sẽ đầu tư phát triển giai đoạn 2 của dự án HAGL Myanmar với tổng giá trị đầu tư xây dựng ước tính 319 triệu USD, tương đương hơn 7.300 tỉ đồng. Hoạt động này dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Tại lễ công bố hợp tác với HAGL, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO cho biết đầu năm 2018, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL, đã chia sẻ với ông về khó khăn mà HAGL đang gặp phải về vốn, nợ đến hạn đồng thời mời gọi THACO đầu tư, cùng vực dậy HAGL mà chủ yếu tập trung vào nông nghiệp và hoàn thành dự án bất động sản tại Myanmar.
Khi đó, ông nhận thấy HAGL là một trong những tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu Việt Nam, có diện tích quỹ đất rất lớn và vị trí địa lý thuận lợi, nằm ngay biên giới 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia đã được đầu tư lớn để trồng cây cao su và dự án Myanmar là HAGL Myanmar Center nhưng do điều kiện khách quan HAGL đã gặp khó khăn.
"Là một doanh nhân nên tôi hiểu rất rõ được khát vọng, ý chí và nỗ lực của ông Đoàn Nguyên Đức nói riêng và toàn thể cán bộ, nhân viên HAGL nói chung. Khi đi thị sát những rừng cao su bạt ngàn xanh tươi, những nông trường cây ăn trái rộng lớn, tôi nhận thấy phải có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ và hơn hết là phải chia sẻ đồng hành với ông Đoàn Nguyên Đức và HAGL vượt qua khó khăn và phát triển tiếp sự nghiệp của mình với tiềm năng vốn có từ tầm nhìn ban đầu và những thành quả mà phải mất nhiều công sức mới có được" - ông Trần Bá Dương chia sẻ.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết đến nay, THACO đã chính thức "rót" hơn 7.800 tỉ đồng để sở hữu 35% HAGL Agrico và 51% HAGL Myanmar. Với tỉ lệ sở hữu này, THACO sẽ hỗ trợ HAGL phát triển nhanh và bền vững, có lợi nhuận tốt cho những năm sau. Ngoài ra, THACO cam kết sẽ tiếp tục bỏ ra hơn 14.000 tỉ đồng để cơ cấu lại các khoản nợ vay đến hạn, đầu tư vào việc chăm sóc diện tích trồng cây ăn trái đã có, phát triển mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dự án bất động sản ở Myanmar. Như vậy, tổng số tiền THACO đầu tư sẽ lên đến hơn 22.000 tỉ đồng, tức gần 1 tỉ USD. Đây là khoản đầu tư rất lớn, là thương vụ đình đám nhất trên thị trường đối với 2 DN "nội" tầm cỡ.
Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví sự hợp tác giữa HAGL - THACO là cuộc "hôn nhân rất môn đăng hộ đối". Vì chủ trương của nhà nước là tăng cường phát triển nông nghiệp, cơ giới hóa, đưa công nghệ hiện đại vào phát triển nông nghiệp. HAGL có tình yêu nông nghiệp và quyết tâm lớn còn THACO có tiềm lực tài chính, công nghệ 4.0. THACO có thể bù đắp khoảng trống, biến nông nghiệp Việt Nam - Lào - Campuchia của HAGL thành nền nông nghiệp phát triển. "Nền nông nghiệp của ta đã có vị thế tốt qua các con số xuất khẩu. Thay vì kêu gọi mọi người mua thanh long, con cá, chúng ta kêu gọi DN lớn đem tâm sức góp phần phát triển nông nghiệp. Đây cũng là cơ hội, tạo điều kiện mua bán, sáp nhập để 2 bên cùng thắng. Đồng thời, xác lập hình mẫu tiên tiến, kiến tạo dòng vốn nhiều hơn vào nông nghiệp...." - Thủ tướng kỳ vọng.
Thủ tướng "đặt hàng" ngành gỗ
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dự hội nghị "Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm nghiệp xuất khẩu" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TP HCM.
Báo cáo của ngành gỗ cho thấy 7 tháng đầu năm, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản của cả nước đạt 5,3 tỉ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái, dự kiến cả năm 2018 sẽ đạt 9 tỉ USD (năm 2017 đạt 8 tỉ USD). Xuất khẩu gỗ của Việt Nam trước đây chỉ tập trung vào các thị trường trung chuyển như Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc… để tái xuất sang nước thứ ba thì nay đã xuất trực tiếp sang 120 thị trường trên thế giới.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngành tài chính, nông nghiệp phải đồng hành cùng DN gỗ hội nhập sâu rộng, phát triển bền vững, hiệu quả. Ngành gỗ phải trở thành ngành mũi nhọn xuất khẩu, trở thành trung tâm dẫn đầu về chế biến xuất khẩu có uy tín trên thế giới. Thủ tướng còn đặt hàng ngành gỗ phải đạt kim ngạch xuất khẩu 9 tỉ USD trong năm nay và nâng lên 10-11 tỉ USD năm 2019 và đến năm 2025 thu về 18-20 tỉ USD.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tạo môi trường đầu tư tốt hơn, thông thoáng để ngành gỗ phát triển hơn nữa. Khuyến khích đầu tư trồng rừng, đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ cây giống, trồng rừng, chế biến. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp công nghệ mới. Ngoài ra, ngành gỗ còn phải chú trọng đến thị trường trong nước với gần 100 triệu dân.
N.Hải
Bình luận (0)