Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, nếu có cần giảm, bỏ bớt sắc thuế phí, nên là những sắc thuế thu cào bằng, thu của người lao động chứ không phải bỏ sắc thuế thu trên người có tài sản.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển
Sở hữu ít nộp ít, sở hữu nhiều nộp nhiều
- Phóng viên: Nhiều ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp và người dân cho rằng thu thuế tài sản là bất hợp lý, trong khi ông cho rằng đây là sắc thuế cần thiết phải thực hiện, vì sao?
TS Đinh Thế Hiển: Thuế tài sản là một trong những sắc thuế quan trọng nhất của một quốc gia, hầu như các nước đã áp dụng. Việt Nam cũng cần triển khai khi các quyền sở hữu ở và kinh doanh nhà đất đã được nhà nước công nhận và bảo vệ. Nhà nước chi phí rất nhiều thứ gián tiếp và trực tiếp để người sở hữu nhà đất được bảo đảm, sinh sống, khai thác… thì việc nộp thuế tài sản theo nguyên tắc sở hữu ít nộp ít, sở hữu nhiều nộp nhiều là hợp lý. Nếu không nộp từ thuế này, nhà nước sẽ sử dụng các nguồn thu thuế phí khác để thực hiện, khi đó sẽ thiếu công bằng cho rất nhiều người sở hữu nhà đất ít cũng phải đóng bằng với người có nhiều nhà đất.
Nếu nói rằng các thuế phí đã quá nhiều, quá cao, không nên đưa thêm sắc thuế này thì lý luận đó chưa đầy đủ. Bởi nếu cần giảm, bỏ bớt sắc thuế phí thì đó nên là những sắc thuế thu cào bằng, thu của người lao động chứ không phải bỏ sắc thuế thu trên người có tài sản.
- Một số ý kiến cho rằng hiện nhà nước đã thu tiền sử dụng đất, giờ còn dự tính thu thêm thuế tài sản đóng theo mức hằng năm là thuế chồng thuế?
Theo tôi, 2 sắc thuế này có bản chất khác nhau. Thuế tiền sử dụng đất là thu trên giá trị đất cho phép chuyển từ hình thức nông nghiệp sang dịch vụ hoặc nhà ở; tức là thay đổi công năng sử dụng của đất. Còn thuế tài sản là thu trên tài sản đang được sở hữu của người dân. Thuế thu hằng năm vì mỗi năm nhà nước vẫn chi phí cho việc bảo đảm quyền sở hữu và sử dụng của người dân (chi phí an ninh quốc phòng, trị an, hạ tầng….).
Ở TP HCM, nên miễn thuế nhà dưới 3 tỉ
- Quan điểm của ông cho rằng thu thuế tài sản là sắc thuế quan trọng và công bằng, được các nước thực hiện, ông có thể phân tích cụ thể?
Công bằng ở đây là nguồn thu thuế không bổ đồng mọi người; ai có nhà đất nhiều thì phải nộp nhiều; ai có nhà đất dưới trung bình thì không phải nộp. Điều này cũng tương tự như thuế thu nhập cá nhân; trong góc độ nào đó nó cần phải áp dụng trước thuế thu nhập cá nhân, là nguồn thuế thu từ lao động.
- Nhưng mức thu nhà đất có giá từ 700 triệu đồng trở lên là quá thấp, vì hiện giờ giá các căn hộ chung cư bình dân cũng phải xấp xỉ 1 tỉ đồng. Mức thuế đánh từ nhà 700 triệu đồng dường như không hợp lý với người dân ở TP HCM, Hà Nội…?
Trong các bài viết về thuế tài sản, tôi luôn nhấn mạnh việc nhà nước ra sắc thuế tài sản là cần thiết như đã nêu trên nhưng không nói mức thuế đánh với nhà ở từ 700 triệu đồng - 1 tỉ đồng là hợp lý hay không!
Tôi nghĩ Bộ Tài chính đưa ra mức này là tính trên bình quân cả nước; qua đó có nhiều hộ dân nông thôn không phải nộp thuế. Tuy nhiên, việc áp dụng như vậy có thể chưa hợp lý theo từng khu vực; cũng như cách tính thuế chưa tính đến trường hợp nhà đông người ở chung…
Theo tôi, mức giá 700 triệu đồng chỉ nên là mức tối thiểu và được nhân hệ số tùy theo TP và khu vực mới phù hợp hơn. Chẳng hạn, tại TP HCM, tôi cho rằng miễn thuế với nhà ở dưới 3 tỉ đồng. Ngoài ra, cần miễn trừ diện tích đất theo đầu người; tỉ lệ thu thuế nên có nhiều mức từ thấp đến cao, chẳng hạn từ 0,1% và tăng dần với diện tích chênh lệch có thể lên đến mức tối đa là 0,8% - 1% cho các diện tích (giá trị) ở khung cao nhất. Khi đó, người có nhà giá trị thấp sẽ chịu mức thuế thấp nhất. Nói chung, các phương thức tính thuế, miễn trừ cần phải thảo luận nhiều hơn để sắc thuế tài sản có tính công bằng và khả thi trong điều kiện Việt Nam.
Bình luận (0)