Đồng hành cùng nông dân
Dẫn chúng tôi đi thăm các cánh đồng mía của những hộ nông dân liên kết với TTC Sugar ở Tây Ninh, đại diện TTC Sugar thông tin ở vụ Đông - Xuân, TTC Sugar đã đầu tư không hoàn lại đối với mía tơ là 12 triệu đồng/ha; đầu tư không hoàn lại đối với mía gốc 2 trở lên là 3,8 triệu đồng/ha. Riêng chính sách trồng mới mía tơ vụ Hè - Thu, TTC Sugar đầu tư không hoàn lại 18 triệu đồng/ha. Đồng thời, ban hành việc bảo hiểm giá mía...
Đại diện TTC Sugar cho biết: "Nhờ vào việc áp dụng cơ giới, trồng đúng khoảng cách hàng tạo điều kiện cho việc đưa máy thu hoạch vào hiệu quả, giảm gần 50% chi phí thu hoạch và đưa mía về Nhà máy kịp thời giúp cho chữ đường trong mía tốt hơn so với thu hoạch thủ công. Để đảm bảo ổn định đời sống nông dân, Công ty đã cung cấp vốn, giống, áp dụng khoa học kỹ thuật, chương trình tối ưu hóa theo quy mô, năng suất, hỗ trợ chi phí khi nông dân hợp thửa".
Nhiều doanh nghiệp mía đường đã triển khai các giải pháp để tồn tại và tìm hướng phát triển
Được biết, tại vùng nguyên liệu Gia Lai, doanh nghiệp này đầu tư không hoàn lại đối với mía tơ từ 5 triệu đồng - 7 triệu đồng/ha tùy theo quy mô; đầu tư không hoàn lại đối với mía gốc là 2,4 triệu đồng/ha; thực hiện đầu tư bao tiêu ứng trước với định mức 10 triệu đồng/ha, trường hợp đạt sản lượng thưởng hoàn thành hợp đồng 30.000 đồng/tấn. Song song, còn có chính sách bổ sung hỗ trợ tưới mía 1 triệu đồng/ha, chính sách bảo hiểm giá mua mía…
Thực tế của việc trợ giá và vay ngân hàng tái tài trợ
Đại diện TTC Sugar cho biết chính sách thu mua mía vụ 2018 - 2019 của Công ty tương đương với giá bình quân của các doanh nghiệp mía đường khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có những chính sách hỗ trợ về giá cho nông dân trồng mía thông qua chính sách đầu tư. Các nhà máy khác hiện nay không có chính sách này hoặc có rất ít, chủ yếu để nông dân tự xoay sở.
Bà Nguyễn Thị Liễu, nông dân trồng mía ở huyện Bến Cầu, cho biết: "Trong giai đoạn khó khăn chung của ngành mía đường Việt Nam hiện nay, TTC Sugar đã có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho người trồng mía. Tôi luôn tin tưởng và mong muốn gắn bó lâu dài với Công ty".
Đối với các trường hợp nông dân nợ xấu do năng suất thấp, đại diện TTC Sugar khẳng định để hỗ trợ nông dân tăng cường chăm sóc mía giúp giảm mức nợ, Công ty đã tiếp tục giải ngân ở mức phù hợp giúp khách hàng có vốn và vật tư chăm sóc. Ngoài ra, với những khoản nợ quá hạn này, dù TTC Sugar phải vay vốn ngân hàng để tái tài trợ cho nông dân nhưng Công ty vẫn không tính lãi suất quá hạn nếu nông dân vẫn còn trồng mía.
"Những trường hợp thuộc nhóm nông dân chăm sóc đặc biệt của Công ty, TTC Sugar có chính sách quan tâm chi tiết, cụ thể, sâu sát. Do đó, việc giải ngân vốn cũng tùy thuộc vào tình trạng chăm sóc, sinh trưởng cây mía của nông dân, nhằm đảm bảo vốn đầu tư hỗ trợ kịp thời cũng như sử dụng đúng mục đích. Ngoài ra, những nông dân tiềm năng, chính sách đầu tư của TTC Sugar khá linh hoạt", đại diện TTC chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, những nông dân gặp phải thực trạng mía cháy, thời tiết mưa nhiều gây ngập úng mía phát triển kém, năng suất giảm hơn 15 tấn/ha... TTC Sugar có nhiều giải pháp hỗ trợ tùy theo đối tượng. Đặc biệt, đối với chính sách mía cháy, TTC Sugar có chính sách giảm trừ có lợi hơn cho nông dân.
Phát triển vùng nguyên liệu, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao
Niên độ 2017 - 2018, TTC Sugar triển khai thành công kế hoạch phát triển cánh đồng mía lớn tại nhiều khu vực, như HTX Hoàng Thuận An diện tích 750 ha, hộ bà Nguyễn Thị Hiệp diện tích 850 ha (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), các cánh đồng mía lớn ở Gia Lai có diện tích trung bình trên 300 ha…
Đầu tư cơ giới hóa cần chi phí khá lớn nhưng mang lại hiệu quả lâu dài
Đồng thời, doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu mía organic chuyên nghiệp nhằm tăng giá trị chuỗi sản phẩm, cung ứng các sản phẩm xanh - sạch, tốt cho sức khỏe vì lợi ích chung của cộng đồng. Trong đó, có vùng nguyên liệu Nhà máy Đường Nước Trong, thổ nhưỡng lân cận đặc trưng rất thuận lợi để trồng mía organic. Được biết niên độ vừa qua, TTC Sugar đã xuất khẩu 4.000 tấn đường organic qua EU thông qua đối tác ED&F Man, được đối tác đánh giá cao, tiềm năng mở rộng thị trường rất lớn.
Theo thống kê từ Nông trường Thành Long 1, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, mỗi máy gặt mía tại đây có công suất trung bình 300 tấn mía/ngày, mỗi tấn mía chỉ tốn 1 - 1,2 lít dầu diesel và chỉ cần 2 công nhân thay phiên điều khiển, với công suất trên có thể thay thế cho khoản 300 lao động/ngày, hiện tại tỷ lệ thu hoạch máy chiếm khoản 30% và mục tiêu nâng lên 50% trong 3 năm tới.
Bình luận (0)