VN cũng không phải ngoại lệ, kể từ hôm nay (1-7-2006), Luật SHTT 2005 chính thức có hiệu lực, điều này thể hiện nỗ lực của VN trong việc tuân thủ các nguyên tắc chung ở một sân chơi lớn đó là WTO. Phóng viên Báo Người Lao Động đã có trao đổi với ông Hoàng Văn Tân – Phó Cục trưởng Cục SHTT - Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề này.
. Phóng viên: VN gia nhập WTO chỉ còn tính từng ngày, mà ở sân chơi lớn này, SHTT là yêu cầu hàng đầu. Với tình hình SHTT hiện nay ở VN có phải là trở ngại cho việc gia nhập WTO? Và VN đã làm gì thế giới hiểu về nỗ lực của VN?
- Ông Hoàng Văn Tân: Đúng là nếu không giải quyết xong vấn đề SHTT thì không thể gia nhập WTO, có một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đầy đủ và có hiệu quả là điều kiện tiên quyết để một quốc gia có thể trở thành thành viên WTO. Đối với VN cũng không phải là ngoại lệ. Tuy vậy, cũng phải nói rằng hơn chục năm tiếp cận với khuôn khổ pháp luật của WTO, đặc biệt là Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS) chúng ta đã liên tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật SHTT theo hướng đáp ứng đầy đủ các điều kiện của WTO. Luật SHTT 2005 kết thúc quá trình đó với những quy định bảo đảm điều kiện trở thành thành viên WTO về lĩnh vực SHTT và chúng ta đã nói rõ trên bàn đàm phán cũng như bằng hành động thực tiễn làm cho các đối tác hiểu rõ điều đó, kết quả là những nỗ lực của VN trong lĩnh vực SHTT đã được thế giới thừa nhận. Vấn đề SHTT không còn là trở ngại chính cho việc gia nhập WTO và chúng ta đã ở tư thế sẵn sàng cho việc tham gia vào sân chơi lớn. Mặc dù tất cả còn phụ thuộc vào việc thực hiện những cam kết của chúng ta thế nào, tức là vào việc triển khai thực hiện Luật SHTTâ 2005 có tốt hay không.
. Việc Luật SHTT 2005 hiệu lực, theo ông có phải là động lực thúc đẩy sự quan tâm cũng như tôn trọng quyền SHTT ở VN?
- Hoàn toàn đúng như vậy! SHTT là vấn đề liên quan đến hầu hết các lĩnh vực hoạt động của con người; liên quan đến tất cả mọi người, trong đó trước hết là những người trực tiếp tạo ra và sử dụng các đối tượng SHTT. Việc Luật SHTT 2005 có hiệu lực là một điều kiện, là động lực thúc đẩy sự quan tâm của xã hội đến vấn đề SHTT nói chung cũng như vấn đề tôn trọng quyền SHTT nói riêng.
. Từ việc ban hành luật đến các quy định pháp lý khác cho thấy Chính phủ VN đã rất coi trọng vấn đề SHTT, xin ông nói rõ hơn về điều này?
- Nhận thức được vấn đề bảo hộ có hiệu quả quyền SHTT là một nhân tố quan trọng trong việc khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, áp dụng và đổi mới công nghệ, thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư … cho nên Chính phủ VN rất coi trọng vấn đề SHTT. Việc ban hành Luật SHTT 2005 và tổ chức triển khai thực hiện, đưa pháp luật SHTT vào cuộc sống vừa đáp ứng nhu cầu nội tại của VN trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, đồng thời cũng là đáp ứng đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. VN chỉ có thể gia nhập WTO khi có một hệ thống SHTT bảo hộ đầy đủ và có hiệu quả các đối tượng SHTT theo yêu cầu của Tổ chức này.
. Nhưng xem ra, nhận thức hạn chế về SHTT của đại bộ phận doanh nghiệp và người dân đã cản trở việc thực thi luật? Và ngay cả các cơ quan thực thi pháp luật thì nhận thức về việc này cũng có hạn chế?
- Việc triển khai thực hiện Luật SHTT 2005 cũng có một số khó khăn. Như đối với cơ quan xác lập quyền (phải thực hiện thủ tục trong thời hạn ngắn, đòi hỏi chất lượng cao, khối lượng công việc ngày càng tăng nhanh…) với cơ quan bảo vệ quyền – hay thường gọi là cơ quan thực thi (phải nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, đúng người, đúng vụ việc, có hiệu quả…) và đối với cả các đối tượng có liên quan như các nhà sản xuất, kinh doanh… Trong đó đáng lưu ý chính là vấn đề thực thi quyền vì đó được coi là khâu yếu nhất trong hệ thống SHTT ở VN hiện nay, mà nguyên nhân chính là vấn đề SHTT còn mới mẻ đối với các cơ quan có thẩm quyền, năng lực của các cơ quan này chưa cao, hoạt động chưa được chuyên môn hoá, cơ chế phối hợp hoạt động chưa hoàn hảo, chế tài chưa đủ mạnh, biện pháp dân sự chưa được ưa dùng. Trong khi nhận thức của các giới, các thành phần và toàn xã hội về SHTT chưa đúng mức…
. Xin ông cho nhận xét về sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp VN đối với vấn đề SHTT? Việc tôn trọng SHTT sẽ đem lại lợi ích gì đối với doanh nghiệp?
- Các cộng đồng doanh nghiệp VN đang ngày càng quan tâm hơn đối với vấn đề sở hữu trí tuệ, đó là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, tôi vẫn rất lo ngại vì sự quan tâm đó chưa được thoả đáng, số doanh nhân thông thạo SHTT còn ít, số doanh nghiệp đăng ký xác lập quyền còn chiếm tỷ lệ thấp, rất ít doanh nghiệp có phòng, ban hoặc cán bộ chuyên trách công tác SHTT… Nhiều doanh nghiệp đầu tư rất lớn cho việc xây dựng cơ sở vật chất như nhà xưởng, máy móc, thiết bị nhưng gần như không đầu tư gì cho việc tạo ra hoặc nhận chuyển giao, sử dụng các đối tượng SHTT hoặc thậm chí chưa muốn đoạn tuyệt với ý đồ sản xuất, kinh doanh dựa vào thành quả đầu tư sáng tạo trí tuệ của người khác… Đó là những khiếm khuyết cần phải khắc phục trong nền kinh tế mở cửa và hội nhập, một nền kinh tế khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, công bằng, có luật lệ rõ ràng, nghiêm ngặt.
Trong bối cảnh đó việc nắm vững và tôn trọng pháp luật SHTT trong sản xuất, kinh doanh là đòi hỏi bắt buộc đồng thời cũng mang lại lợi ích cơ bản, lâu dài đối với doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp tránh được tình trạng rơi vào vòng tố tụng vì xâm phạm quyền SHTT của người khác. Đồng thời bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình khi thành quả sáng tạo và đầu tư được bảo hộ theo pháp luật SHTT ở trong cũng như ngoài nước.
Biết coi trọng SHTT, doanh nghiêp sẽ có lợi Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp cả nước. VN hiện có gần 300.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết nằm ở các trung tâm phát triển như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng... Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy SHTT không phải là yếu tố được xem xét trong kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp này. Nhưng doanh nghiệp không hiểu rằng bài học về nhượng quyền thương mại của cà phê Trung Nguyên và Phở 24 đã khẳng định ý nghĩa của việc bảo hộ quyền SHTT. Bắt đầu thành lập vào năm 1996 với một quán cà phê nhỏ tại TP Buôn Mê Thuột, giờ đây Trung Nguyên đã có hơn 1.000 quán kinh doanh phát triển được nhượng quyền trên khắp cả nước và ở Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Đức và Australia. Phở 24 cũng vậy, hiện có hàng chục cửa hàng nhượng quyền ở VN và 1 ở Indonesia. |
Bình luận (0)