Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT), đưa ra 9 nhóm vấn đề mong muốn nhận được ý kiến đóng góp từ phía các nhà đầu tư gồm: lĩnh vực đầu tư; quy mô dự án áp dụng PPP; hợp đồng PPP; bảo lãnh Chính phủ; quyết toán công trình dự án PPP… Theo ông Trương, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước chưa rõ ràng nên hầu hết các nhà đầu tư đang tự "bơi" đến từng cơ quan. "Các cơ quan không có sự liên kết với nhau từ tư vấn, thẩm định, triển khai dự án… Đây là trách nhiệm của nhà nước nhưng chưa thực hiện đầy đủ" - ông Nguyễn Đăng Trương nhấn mạnh.
Góp ý thêm về vai trò của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc triển khai các dự án PPP từ góc nhìn của nhà đầu tư, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, cho biết khi dự án Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang) gặp nhiều khó khăn, với sự đồng thuận của các bên, Chính phủ đã đồng ý việc chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND tỉnh Tiền Giang với kỳ vọng tỉnh sẽ tích cực chủ động xử lý các vấn đề vướng mắc nhằm sớm hoàn thành dự án, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện tại địa phương lại thiếu quyết liệt nên các yêu cầu hỗ trợ của nhà đầu tư không được giải quyết. "Địa phương đùn đẩy, hứa hẹn xem xét nhưng không chốt được thời gian, giải phóng mặt bằng còn vướng, trong khi giá vật liệu cát tại địa phương chưa được xác định… dẫn đến việc nhà đầu tư không có cơ sở cam kết thông tuyến vào cuối năm 2020" - ông Hoàng nhấn mạnh.
Ông Hồ Minh Hoàng kiến nghị đối với các dự án PPP đã triển khai, Bộ KH-ĐT cần tổ chức giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư khi phần vốn đã được phân bổ hỗ trợ cho dự án mà tỉnh sẽ tiếp quản giải ngân. Qua đó xác định trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo đảm thủ tục đầu tư, thực hiện giải ngân tránh gây thất thoát lãng phí ngân sách.
PGS-TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), đánh giá các dự án PPP đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, là động lực về quản lý xây dựng hạ tầng. Tuy vậy, ông Chủng cho rằng tư duy quản lý của nhà nước vẫn đang cản trở PPP phát triển. "Tiền đầu tư vào dự án là của doanh nghiệp nhưng nhà nước nhận thức đó là của mình nên áp đặt cách quản lý của nhà nước. Nhiều nội dung trong hợp đồng ký kết không bình đẳng. Trong dự án luật PPP này, tôi kiến nghị vấn đề hợp đồng phải được thảo luận kỹ để cơ quan nhà nước là đối tác chứ không phải trở thành người quản lý"- ông Chủng đề xuất.
Ông Nguyễn Viết Tân, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco, cũng thẳng thắn cho rằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang can thiệp vào hợp đồng bằng các biện pháp hành chính quá nhiều, gây ra không ít rủi ro cho các nhà đầu tư. Do đó, doanh nghiệp này kiến nghị trong dự án Luật PPP tới đây cần phải có các quy định rõ ràng để hạn chế việc này, bảo đảm bình đẳng khi thực hiện các hợp đồng đã ký kết.
Bình luận (0)