Hơn 20 doanh nghiệp (DN) trong nhiều lĩnh vực đã kể nhiều câu chuyện vượt qua khó khăn trong thời kỳ ảnh hưởng dịch bệnh tại tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm vượt "bão" Covid-19 và những đề xuất từ các DN" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 12-10 nhân dịp kỷ niệm năm thứ 16 ngày Doanh nhân Việt Nam.
Toàn cảnh buổi tọa đàm do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 12-10 .Ảnh: TẤN THẠNH
Nhẫn nại vượt giông bão
Phát biểu mở đầu tọa đàm, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, dẫn một thống kê cho thấy chỉ riêng TP HCM trong 7 tháng đầu năm đã có tới 21.000 DN phá sản, phần lớn do ảnh hưởng của đại dịch nhưng trong bối cảnh đó vẫn có những DN xoay xở vượt khó, có nhiều sáng kiến để duy trì sản xuất - kinh doanh. Không chỉ thế, cộng đồng DN còn thể hiện tinh thần "nhường cơm xẻ áo", chia sẻ với cộng đồng, với xã hội dù trong hoàn cảnh khó khăn. "Tinh thần nhẫn nại của doanh nhân, DN Việt Nam sẽ giúp họ vượt qua giông bão. Nếu các DN gắn kết chặt chẽ, chia sẻ lẫn nhau để mạnh mẽ hơn thì sẽ biến những DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm đa số trong tương lai trở thành những DN lớn và siêu lớn. Đó là ước mơ và phải biến ước mơ đó thành sự thật" - TS Tô Đình Tuân nói.
TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, phát biểu tại tọa đàm
Trong phần chia sẻ của DN, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty Du Ngoạn Việt, cho hay từ nhiều năm qua, một trong những bí quyết hoạt động của DN này là "không bỏ trứng vào một giỏ". Khi đại dịch đến, chính bí quyết này càng thể hiện hiệu quả khi giúp DN trụ lại trong khó khăn, không bị đánh gục. Để ứng phó với đại dịch, Du Ngoạn Việt ngay lập tức chuyển đổi cơ cấu dòng khách từ phổ thông sang phân khúc cao cấp, đồng thời chuyển từ thế mạnh phục vụ khách quốc tế sang đào tạo cán bộ - nhân viên phục vụ khách nội địa tốt hơn. Ngoài ra, công ty đầu tư thêm một số sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của từng dòng, từng phân khúc khách. "Như tour trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khách đi tour chuyển sang các nhóm nhỏ từ 4-8 người, du ngoạn cảnh hai bên bờ kênh, ngồi trên thuyền được nghe nhạc, có phần ăn riêng… Hay một resort 5 sao của chúng tôi ở Tiền Giang sau chuyển đổi vẫn tiếp tục đón du khách, đến giờ này lượng khách đặt phòng thường xuyên hơn" - ông Phan Xuân Anh kể và cho biết điều ông tự hào nhất là giữ được đội ngũ nhân viên, nhất là nguồn lực nhân sự trung - cao cấp để chuẩn bị cho giai đoạn ngành du lịch hồi phục trở lại.
Là DN thuộc nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch, Công ty Du lịch Việt của Tổng Giám đốc Trần Văn Long lâm vào tình trạng điêu đứng, từ chỗ có hơn 1.000 nhân sự cho các chuỗi lữ hành, nhà hàng, khách sạn…, giờ chỉ còn vài chục người. "Để cầm cự, chúng tôi phải bán từng cái nhà, từng chiếc xe… nhưng dịch vẫn tiếp diễn. Chúng tôi nhận bán thêm cả dưa hấu "giải cứu", bán nước rửa tay, gạo…, nhưng cũng không dễ. Sau đó, một công ty con của chúng tôi là Ecom Net trước đây chuyên về đầu tư, nay được tập trung cho hoạt động khác là sản xuất khẩu trang" - ông Trần Văn Long tự hào cho biết vừa rồi, Ecom Net đã ký được hợp đồng cung cấp khẩu trang, thiết bị bảo hộ y tế cho hơn 300 bệnh viện ở Mỹ.
Táo bạo thay đổi
Không chịu "bó gối" trước tình trạng các trang trại không tái đàn, tranh thủ xả hàng bởi lo ngại khả năng lưu thông khó khăn khi giãn cách xã hội, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, nhanh tay thành lập các kho ngay vùng nguyên liệu và đưa công nghệ sơ chế, chế biến về đó để chủ trang trại yên tâm trong việc được thu mua, bao tiêu sản phẩm khi dịch bùng phát. "Sản phẩm trứng trước đây chưa từng được Vĩnh Thành Đạt đưa lên kênh online nhưng nhận thấy nếu tình hình cách ly xã hội kéo dài, chúng tôi buộc phải tham gia kênh này. Hiện nay, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua trứng tươi Vfood trên website bán hàng của công ty và nền tảng thương mại điện tử Lazada" - ông Trương Chí Thiện cho biết.
Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cũng thừa nhận dịch bệnh đã đem lại cơ hội lớn cho công ty khi được Tập đoàn ISE (Nhật Bản) tìm đến và đề nghị hợp tác để cung cấp sản phẩm cho khách hàng của họ tại Việt Nam đúng lúc việc xuất khẩu gặp khó khăn. "Chúng tôi làm quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt theo quy chuẩn của người Nhật để họ phục vụ khách hàng của họ ở Việt Nam. Ban đầu, tôi không tin vào mô hình này lắm nhưng sản phẩm đưa ra thị trường có giá cao mà doanh số rất tốt. Đây được xem như là mô hình xuất khẩu tại chỗ và đáng nghiên cứu" - ông Thiện tỏ ra tâm đắc.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, chia sẻ về kinh nghiệm vượt “bão” của doanh nghiệp .Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T, tiết lộ cách ứng phó trong ngắn hạn của công ty là gặp gỡ nông dân, đề nghị họ tạm thời điều chỉnh để cây không cho ra trái bởi thị trường tiêu thụ gặp khó. "Tôi cũng tin rằng thời điểm đầu bùng phát dịch, có thể các thị trường ngưng nhập khẩu nhưng nếu sống chung lâu dài với dịch, họ vẫn phải mua sắm để phục vụ nhu cầu. Rất may là mọi việc đã đi đúng hướng. Chúng tôi cũng cảm ơn Chính phủ khi đã rất nỗ lực trong việc xử lý những vướng mắc để đưa chuyên gia Mỹ về Việt Nam bởi có chuyên gia Mỹ thì DN mới có thể xuất khẩu trái cây sang Mỹ" - ông bày tỏ.
Bài học "vượt bão" được Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), ông Nguyễn Đặng Hiến, kể tại tọa đàm là khi đại dịch xuất hiện, công ty đã triển khai giải pháp thống kê, nắm lại thị phần, thông tin thị trường từ các kênh phân phối, kênh du lịch, nhà hàng, khách sạn… để từ đó có kế hoạch tung hàng ra thị trường kịp thời. Ngay sau khi dịch đợt 1 được kiểm soát, công ty đã sớm khôi phục hoạt động kinh doanh và tiếp tục đem lại tín hiệu tích cực sau đợt dịch thứ 2. "Chúng tôi cũng chuyển đổi sản phẩm bằng việc tìm nguồn nguyên liệu trong nước, tìm sản phẩm bồi dưỡng, gần thiên nhiên như các sản phẩm củ quả, trái cây, nước chanh muối… DN đang kỳ vọng kinh doanh mùa Tết sắp tới sẽ giúp hoạt động sản xuất khôi phục mạnh mẽ hơn, nếu dịch tiếp tục được kiểm soát tốt như hiện nay" - ông Hiến nói.
Covid-19 không nhấn chìm tất cả!
Phát biểu kết thúc tọa đàm, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đánh giá những câu chuyện được DN mang tới tọa đàm đều hết sức gần gũi, thiết thực và hiệu quả. "Trong bối cảnh đại dịch, tìm cách nào có thể vượt qua bão là thách thức lớn. Những DN ngồi đây đều cơ bản vượt qua bão, biến nguy thành cơ, biến thách thức thành cơ hội và đã thành công. Bão gió to nhưng thuyền vẫn cập bến nhờ sự chuyển đổi để tồn tại và đem lại lợi ích cho đất nước" - ông Tô Đình Tuân nói.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cũng nhấn mạnh không phải DN nào cũng vượt được bão. DN thành công là đơn vị nhanh nhạy chuyển đổi số, chuyển đổi tư duy… Bên cạnh đó, trách nhiệm xã hội, sự chia sẻ cộng đồng cũng rất quan trọng và qua đại dịch, thực tế đã có rất nhiều DN thể hiện được tinh thần "chia ngọt sẻ bùi" chứ không chỉ biết làm giàu.
TS Tô Đình Tuân cũng đánh giá đây là cơ hội quý giá để tái cơ cấu bộ máy, sàng lọc con người nhằm xây dựng bộ máy năng động, sáng tạo hơn. Đặc biệt, đại dịch là thời điểm thuận lợi để củng cố và phát triển DN. "Đại dịch cũng là lúc DN làm ăn chân chính, bài bản, khả năng quản trị tốt có thể củng cố và phát triển thương hiệu. Bởi, qua bão rồi mới biết DN nào chịu được bão. Có DN ngàn tỉ nhưng chết dễ dàng trong bão nhưng cũng có những DN vốn chỉ 5-10 tỉ đồng lại có thể tồn tại. Không phải Covid-19 nhấn chìm tất cả" - ông Tô Đình Tuân đúc kết.
Ông BÙI THANH TÙNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn KIDO:
Quan trọng là quản trị rủi ro
Ngay khi dịch bắt đầu xảy ra, KIDO đã có quyết định táo bạo là nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để chủ động nguồn nguyên liệu, tránh hoạt động sản xuất - kinh doanh phải ngừng trệ... Thậm chí, từ tháng 3, DN đã mua luôn nguyên liệu cho quý III để bảo đảm công việc cho cán bộ - nhân viên, duy trì hoạt động. Bên cạnh việc gia tăng sản xuất, công ty đã tập trung hàng hóa về 15 kho trung chuyển, 450.000 điểm bán kênh đồ khô và 120.000 điểm bán kênh đồ lạnh để chủ động đưa hàng ra thị trường toàn quốc trong tình huống dịch bùng phát trên diện rộng. Kênh phân phối online cũng được đẩy mạnh; song song đó là chuyển dịch kênh bán hàng để phù hợp với nhu cầu mua hàng tại nhà hoặc gần nhà của đại đa số người tiêu dùng trong mùa dịch. Nhờ những giải pháp đó mà KIDO duy trì được doanh thu ở mức cao, lợi nhuận đạt gần 6.000 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Làm ăn trong thời kỳ nhiều biến động đòi hỏi DN không chỉ có kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh mà phải có kinh nghiệm quản trị rủi ro. Chẳng hạn, KIDO đưa ra nhiều giả định tình huống, xây dựng kịch bản xử lý cho từng tình huống để khi sự việc nào xảy ra cũng có giải pháp ứng phó ngay. Dĩ nhiên, những vấn đề đưa ra phải nằm trong tầm quản lý của DN để nắm bắt cơ hội để mạnh mẽ hơn, đi xa hơn.
Ông LƯ NGUYỄN XUÂN VŨ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên:
Đẩy mạnh thương mại điện tử đạt hiệu quả cao
Thời gian qua, nhiều DN xuất khẩu nông sản gặp khó khăn dẫn đến lỗ vốn. Trong bối cảnh vừa chống dịch vừa ổn định sản xuất như hiện tại, tôi cho rằng DN không chỉ tập trung "phòng" và "chống" mà phải rất thận trọng để hạn chế sự gián đoạn từ đầu vào đến đầu ra, nhằm tránh tình trạng không đủ hàng cung cấp. Xuân Nguyên có hơn 15.000 điểm bán hàng trên toàn quốc. Hiện tại, kinh doanh trên kênh thương mại điện tử đang phát triển mạnh nhưng nếu nhà sản xuất nào cũng đầu tư mạnh cho hệ thống thương mại điện tử, bán hàng online thì vô tình cạnh tranh với những nhà phân phối lớn nhỏ của mình. Vì vậy, rất mong các nhà phân phối lớn xây dựng, vận hành tốt trang thương mại điện tử để giúp DN bán hàng và giảm sự cạnh tranh trực tiếp giữa nhà sản xuất với nhà phân phối.
Với nhà nước, tôi xin đề xuất 2 từ khóa là "nhanh" và "chậm". Cụ thể là đẩy nhanh những gói hỗ trợ, đồng thời chậm lại kế hoạch kiểm tra DN, bởi từ đầu năm đến nay, các gói hỗ trợ đến tay DN rất chậm trong khi việc kiểm tra DN lại khá nhanh và nhiều. Bản thân công ty tôi đã phải tiếp đến 4 đoàn kiểm tra trong 9 tháng đầu năm. Cuối cùng, rất mong Chính phủ tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, không lơ là chủ quan để DN, người dân yên tâm.
Ông TRƯƠNG TIẾN DŨNG, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn:
Không để người lao động thiếu thốn
Từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng tình hình chung, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Ban giám đốc công ty quán triệt tinh thần không để cho người lao động thiếu thốn nên đã linh hoạt nhiều hình thức để tặng quà "của nhà sản xuất được" là cá khô, nước mắm... cho người lao động.
Ngoài ra, chúng tôi tăng cường truyền thông để người lao động hiểu và chia sẻ, đồng hành với ban lãnh đạo công ty vượt bão. Với khách hàng, chúng tôi cũng tích cực truyền thông để kết nối, nắm bắt nhu cầu của nhau và luôn trong tâm thế sẵn sàng đáp ứng đơn hàng mới. Có khách hàng nước ngoài yêu cầu làm khổ qua dồn thịt, cá lóc hấp bầu..., chúng tôi cũng nhận. Mục đích là làm sao sản phẩm đến người tiêu dùng nhiều hơn, thuận lợi hơn. Công ty cũng đã mở hơn 10 quầy thực phẩm tươi sống tại các siêu thị Co.opmart và hàng trăm quầy hàng tươi sống trong hệ thống SATRA Food.
Trong khi cộng đồng DN rất nỗ lực vượt bão, nắm bắt thời cơ để củng cố nội lực, tăng đầu tư, tạo đà vươn lên mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, chúng tôi rất mong Chính phủ quan tâm và thấu hiểu DN nhiều hơn, hỗ trợ nhiều hơn. DN đang khó trăm bề nên rất cần được chia sẻ bằng những hành động thiết thực như giảm giá điện, giá thuê đất, lãi suất ngân hàng...
Ông VÕ VĂN KHANG, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh:
Tiên phong tái cấu trúc và chuyển đổi số
Với thế mạnh cốt lõi là bất động sản, năm 2019, Hưng Thịnh chính thức chuyển đổi thành mô hình tập đoàn và tiến hành tái cấu trúc mô hình quản lý và chiến lược kinh doanh, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và hệ sinh thái của mình bắt đầu từ đầu tư dự án, xây dựng, quảng bá, bán hàng và cuối cùng là chăm sóc khách hàng. Điều này đã giúp DN duy trì và phát huy được 2 thế mạnh quan trọng nhất để vượt qua đại dịch Covid-19. Đó là làm chủ và linh động trong lựa chọn sản phẩm, điều tiết tốc độ ra sản phẩm vào những thời điểm thích hợp của thị trường; tối ưu hóa chi phí để giảm giá thành, quản lý tập trung được toàn bộ nguồn lực của tập đoàn để tận dụng được thế mạnh riêng biệt của các công ty thành viên.
Cũng từ năm 2019, Hưng Thịnh đã tiến hành quá trình chuyển đổi số và nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới vào các quy trình quản lý và kinh doanh của mình. Việc này đã giúp DN duy trì hoạt động một cách ổn định liên tục mà không hề bị gián đoạn trong suốt thời gian giãn cách xã hội. Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới còn giúp làm tốt công tác truyền thông nội bộ; tính toán và phân tích đầu tư, chi phí tài chính một cách nhanh chóng và chính xác để ra quyết định, nhất là trong những thời điểm cần có quyết sách liên quan đến sự hỗ trợ tài chính, giảm giá, giãn kỳ thanh toán nhằm chia sẻ khó khăn cho khách hàng. Tất cả yếu tố trên đã giúp Hưng Thịnh tiếp tục phát triển ngay trong thời kỳ khó khăn nhất, doanh số không giảm, quy mô đầu tư tăng và không cắt giảm nhân sự mà còn gia tăng gần 8%.
Ông ĐỖ PHƯỚC TỐNG,Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP HCM, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh:
Phải xây dựng tinh thần "made by Vietnam"
Lâu nay chúng ta thường nói đến sản phẩm "made in Vietnam", người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, xuất khẩu hàng Việt Nam đi nhiều thị trường. Nhưng hiện nay, sản phẩm "made in Vietnam" đến từ các DN nước ngoài (FDI) quá nhiều, làm sao xây dựng được tinh thần "made by Vietnam", tức sản phẩm Việt được sản xuất từ DN Việt. Chúng ta có thể bắt đầu bằng liên kết tập hợp các DN lại với nhau tạo nguồn lực manh hơn. Hội DN cơ - điện đã có những DN hợp lực lại sản xuất dây chuyền sản xuất khẩu trang, găng tay y tế cung cấp cho các nhà máy sản xuất. Về lâu dài, hội sẽ kết nối với hội cao su nhựa, hội dây cáp điện, hội lương thực thực phẩm để tìm hiểu nhu cầu của nhau.
Chúng tôi nghiên cứu sản phẩm nội địa của Hàn Quốc thì thấy chính phủ Hàn Quốc có giải pháp cho DN trong nước sử dụng hàng nội địa bởi nếu không sử dụng F1 thì không có F2, F3 và càng về sau càng tốt hơn. Nhiệm vụ của nhà nước là làm sao sản phẩm F1 ra đời và đưa vào ứng dụng nhằm thúc đẩy các sản phẩm F2, F3, F4... ngày càng hoàn chỉnh hơn, chất lượng hơn.
Ông PHAN MINH THÔNG, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh:
Không cắt giảm các chương trình xã hội
Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, Công ty CP Phúc Sinh vẫn nỗ lực duy trì việc làm cho 400 nhân sự, không cắt lương, thưởng và các phúc lợi khác. Ngoài ra, DN tuyển dụng thêm 5% nhân sự để phục vụ phát triển. Từ nhiều năm qua, Phúc Sinh đã đồng hành với các chương trình xã hội như: xây nhà cho người khó khăn, tặng sách vở cho học sinh vùng sâu - vùng xa, hỗ trợ các trung tâm S.O.S... với quan điểm càng khó khăn càng phải giữ, thể hiện trách nhiệm của DN với cộng đồng.
Ngoài ra, DN vẫn tiếp tục tài trợ các dự án hỗ trợ nông dân canh tác bền vững để lấy chứng nhận quốc tế. Nhờ đó mà nông dân có kiến thức, kỹ thuật canh tác tốt để có nông sản sạch, bán được giá hơn, tăng thu nhập, sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ.
Bà LÂM DIỆU TÂM HIẾU, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Kizuna JV
Tạo điều kiện cho các mô hình KCN kiểu mới
Với mục tiêu thu hút FDI thế hệ mới lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia, Chính phủ cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN phát triển, chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang các mô hình KCN kiểu mới như nhà xưởng xây sẵn có dịch vụ, nhà xưởng Plug & Play, KCN thông minh… nhằm tạo môi trường sản xuất phù hợp với các loại hình đầu tư FDI Việt Nam cần thu hút.
Cơ quan quản lý nhà nước ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xúc tiến, hỗ trợ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cần phối hợp với các tổ chức quản lý KCN, cộng đồng DN nhỏ và vừa FDI tương tự như KIZUNA để được lắng nghe những kinh nghiệm thực tiễn, những vấn đề DN đang gặp phải để cùng cộng đồng tìm kiếm xây dựng giải pháp cụ thể, giúp DN hoạt động hiệu quả, đầu tư an toàn và phát triển thành công tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ DN một cách nhanh chóng, giúp DN qua các khó khăn do đại dịch Covid - 19 và tận dụng các cơ hội để bức phá. Các chính sách hỗ trợ gián tiếp thông qua các dự án KCN, khu nhà xưởng phục vụ cho nhóm đối tượng này tiếp cận thuận lợi môi trường sản xuất hiệu quả, tiên tiến góp phần thúc đẩy nền sản xuất Việt Nam phát triển, phù hợp với xu hướng phát triển sản xuất trên toàn cầu (hỗ trợ tương tự như hình thức hỗ trợ Nhà ở xã hội) cũng cần được quan tâm thực hiện.
Thanh Nhân - Sơn Nhung - Ngọc Ánh ghi
Trân trọng cảm ơn các đơn vị hỗ trợ tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm vượt "bão" Covid-19 và những đề xuất từ các doanh nghiệp":
- Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit)
- Công ty CP Tập đoàn Masan
- Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt
- Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)
- Công ty TNHH CPN Lazada Việt Nam
- Công ty CP Tập đoàn Ecopark
- Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên
- Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam
- Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan).
Bình luận (0)