Sáng 4-8, "Lễ hội sông nước TP HCM lần thứ nhất năm 2023" đã chính thức được khai mạc. Sự kiện diễn ra từ ngày 4-8 đến 6-8 với chuỗi hoạt động văn hóa - giải trí - nghệ thuật - thể thao đặc sắc cùng nhiều hoạt động trải nghiệm, các chương trình kích cầu thương mại, du lịch phong phú, hấp dẫn phục vụ người dân và du khách.
Khung cảnh một góc sông Sài Gòn và khu vực quận 1 sáng nay ở lễ khai mạc Lễ hội sông nước TP HCM.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết lịch sử hình thành và phát triển trong hơn 300 năm qua của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP HCM có dấu ấn quan trọng của các dòng sông. "Trên bến dưới thuyền", không chỉ là hoạt động cần tiếp tục thúc đẩy để phát triển kinh tế mà còn là nếp sống, là văn hoá, là di sản quý báu cần được giữ gìn và quảng bá.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại lễ khai mạc
"Lễ hội sông nước được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, xây dựng sản phẩm, sự kiện đặc trưng. Đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế, du lịch từ hệ thống tài nguyên sông biển trên địa bàn. Hướng đến định vị thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa" - ông Phan Văn Mãi nói.
Đến với lễ hội, người dân và du khách có thể trải nghiệm các chương trình du lịch đường thủy; trải nghiệm không gian "Trên bến dưới thuyền" tại Kênh Nhiêu Lộc - Quận 1, Bến Bình Đông - Quận 8 với các hoạt động hấp dẫn tái hiện nếp sống của cộng đồng cư dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP HCM qua các thời kỳ và mua sắm nông sản, đặc sản của các địa phương. Người dân và du khách cũng có thể hòa mình vào không khí sôi nổi của các hoạt động thể thao dưới nước và không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian ở Bến Bạch Đằng, Công viên Lam Sơn.
"Lễ hội sông nước TP HCM lần thứ nhất năm 2023" đã chính thức được khai mạc sáng 4-8. Nguồn: Sở Du lịch TP HCM
Điểm nhấn đặc sắc của lễ hội là chương trình nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện" tái hiện lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP HCM với sự kết hợp các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, từ âm nhạc, điện ảnh, vũ kịch đến công nghệ ánh sáng cùng các công nghệ trình diễn hiện đại và sự tham gia của gần 700 diễn viên, nghệ nhân dân gian…
Chủ tịch UBND TP HCM kỳ vọng chương trình sẽ lan tỏa niềm tự hào và tình yêu dành cho TP HCM cũng như truyền cảm hứng du lịch và khám phá điểm đến TP tới du khách trong nước và quốc tế, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế -văn hóa - xã hội của thành phố trong giai đoạn mới - giai đoạn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số sơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM và Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Đến với lễ hội, người dân và du khách có thể trải nghiệm các chương trình hấp dẫn
Những hoạt động đặc sắc tại lễ hội
- Không gian "Trên bến dưới thuyền" tại quận 1 (tại Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cầu Điện Biên Phủ đến cầu Thị Nghè) và quận 8 (Khu vực dọc bờ kè tuyến đường Bến Bình Đông, Phường 13) sẽ được diễn ra từ 9 giờ đến 20 giờ 30 trong 3 ngày với 30 gian hàng giới thiệu ẩm thực vùng miền, bánh dân gian, trái cây ngon, sản phẩm đặc trưng… để người dân, du khách tham quan và mua sắm; tổ chức hoạt động nghệ thuật dân gian và các chương trình biểu diễn nghệ thuật tối ngày 4 và 5-8.
- Giải đua thuyền truyền thống từ 7 giờ đến 11 giờ ngày 5-8 tại Bến Bạch Đằng (khu vực Cầu Cảng số 4 gần Cột cờ Thủ Ngữ) gồm 25 đội, 650 vận động viên từ TP HCM và các tỉnh thành, doanh nghiệp đăng ký tham gia.
Lễ hội được kỳ vọng sẽ lan tỏa niềm tự hào và tình yêu dành cho TPHCM, truyền cảm hứng du lịch và khám phá điểm đến thành phố tới du khách
- Bến Bạch Đằng (từ 20 giờ đến 21 giờ 30 ngày 5-8): Trình diễn chiếu sáng nghệ thuật khu dù lượn trên cao; Biểu diễn ván phản lực; Biểu diển Fly Board; Phối cảnh thuyền buồm Sailing trên sông.
- Các hoạt động thể thao dưới nước ngày 6-8 tại Kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè (đoạn cầu Công Lý), gồm các hoạt động như: Trình diễn dù lượn, bay bằng ván phản lực nước - Flyboard, trình diễn chiếu sáng khu dù lượn trên cao và đua ghe truyền thống từ các vận động viên chuyên nghiệp; biểu diễn cano nước và các hoạt động tương tác chèo SUP…
- Kênh Nhiêu Lộc - cầu Thị Nghè đến cầu công lý (5km) từ 8 giờ 15 – 10 giờ 30 ngày 6-8 có hàng chục thuyền rồng với sự tham gia của khoảng 150 vận động viên; 10 vận động viên biểu diễn ván phản lực; 10 thuyền buồm; 80 thuyền sub; Flyboard (2 máy 10 người); Liên đoàn dù lượn (20 người); Lân sư rồng (15 vận động viên). Đặc biệt, người dân có thể đăng ký tham gia hoạt động tương tác chèo SUP…
Bình luận (0)