Tiền đang sở hữu 3 nhà màng, 1 nhà lưới với diện tích 3.000 m2 sản xuất theo quy trình công nghệ Israel. Số dưa lưới cung cấp cho siêu thị, cửa hàng khu vực ĐBSCL. Anh còn khắc chữ trên trái dưa lưới theo đặt hàng của khách hàng để chưng Tết.
Nhà nghèo, học giỏi
Ba của Tiền mất sớm khi anh vừa tròn 3 tuổi. Mẹ anh phải tảo tần nuôi 3 người con ăn học. Do cuộc sống khó khăn nên 2 chị lớn của anh phải nghỉ học sớm để phụ mẹ. Gia đình Tiền không có "cục đất chọi chim", thuở nhỏ, Tiền phải đội bánh đi bán với mẹ.
Nhận thức được gia cảnh nghèo khó nên Tiền luôn cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng mẹ. Tốt nghiệp THPT, cậu học trò nghèo ở huyện biên giới bắt đầu "dùi mài kinh sử" và thi đỗ thủ khoa của Trường Đại học An Giang, chuyên ngành Khoa Công nghệ sinh học. "Nếu đi làm thuê thì suốt đời không thể đổi đời, cải thiện kinh tế gia đình. Từ những thách thức của cuộc sống đã cho tôi thêm nghị lực để vươn mình lên trong cuộc sống này", Tiền dẫn tôi đi thăm nông trại trồng dưa lưới, nói.
Ông chủ 9X chọn những trái dưa lưới to, đẹp để dành khắc chữ thư pháp
Khi còn ở giảng đường đại học, Tiền luôn nuôi dưỡng niềm đam mê làm nông nghiệp sạch, nhằm cung cấp hàng nông sản đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Ý tưởng đó, Tiền không bao giờ bỏ cuộc, tốt nghiệp đại học loại giỏi và trúng tuyển trong tốp 20 sinh viên chuyên ngành nông nghiệp, được đi học tập tại Israel, gần 12 tháng.
Ở xứ lạ quê người, Tiền vẫn nuôi khát vọng sẽ làm giàu từ nông nghiệp sạch, nên anh vừa đi học, vừa làm thêm tại các trang trại nông nghiệp với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng để trang trải việc học và tìm cơ hội "học lóm" kinh nghiệm làm nông nghiệp từ quốc gia khởi nghiệp tiên tiến của Israel.
Khát vọng khởi nghiệp
Sau khi tu nghiệp trở về nước, Tiền được nhiều công ty, doanh nghiệp lớn "đãi vàng" mời về làm việc. Tuy nhiên, Tiền "phớt lời" tất cả để về quê hương biên giới huyện Hồng Ngự thỏa niềm đam mê sản xuất nông nghiệp sạch. "Khi học ở Israel, tôi chứng kiến nền nông nghiệp hiện đại của họ, nên ấp ủ phải mở nông trại trồng dưa ở quê nhà", Tiền thổ lộ.
Tháng 6-2015, với số tiền tích cóp từ việc đi làm thêm ở Israel, Tiền mạnh dạn đầu tư vào thử nghiệm trồng dưa lưới với diện tích 100 m2 để hướng đến con đường khởi nghiệp của riêng mình. Sau gần 3 tháng trồng lứa dưa chỉ đạt năng suất 50% do thiếu kinh nghiệm, sâu bệnh tấn công. "Ban đầu, thực hiện mô hình chưa nghĩ đến hiệu quả kinh tế cao, mà tôi chỉ mong cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe con người", Tiền tâm sự.
Mỗi cặp dưa lưới khắc chữ thư pháp có giá từ 800.000-1 triệu đồng
Sau lần thất bại đó, Tiền rút kinh nghiệm nên đầu tư và áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại với việc sử dụng phân sinh học và phân hóa học được nhập khẩu từ Israel, đồng thời áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, sử dụng thiên địch để phòng sâu bệnh, kiểm tra độ ẩm, ánh sáng. "Thời gian đầu, trồng dưa lưới của tôi gặp rất nhiều khó khăn do khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp. Tôi nghe rất nhiều lời bàn tán khen chê nhưng vẫn quyết tâm thực hiện ý tưởng khởi nghiệp", Tiền chia sẻ.
Ngay vụ dưa lưới thứ 2 đã mang lại hiệu quả khi mỗi trái dưa lưới đạt từ 2-2,5 kg, bán ra thị trường với giá 45.000-50.000 đồng/kg. Hiện, Tiền đang sở hữu 3 nhà màng, 1 nhà lưới với diện tích 3.000 m2 sản xuất dưa lưới theo quy trình công nghệ Israel. Số dưa lưới cung cấp cho siêu thị, cửa hàng khu vực ĐBSCL. Để nâng cao thu nhập, Tiền trồng dưa lưới khắc chữ thư pháp, như: Tài, Lộc, Phúc, Thọ,... để phục vụ thị trường chưng Tết Kỷ Hợi 2019. Với sự đầu tư công phu về chất lượng và hình thức, 150 cặp dưa lưới của Tiền được bán với giá 800.000-1,2 triệu đồng/cặp.
Ông Nguyễn Văn Buôn, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, cho biết mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ Israel của Trần Thanh Tiền được lãnh đạo tỉnh và huyện đánh giá cao về tính phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu mà còn phù hợp với quy hoạch vùng trồng rau màu ở huyện biên giới. Tiền đã đi đúng hướng với cách sản xuất mới phù hợp với hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Bình luận (0)